Tin thế giới

Thị trường và cơ hội đầu tư vào ngành Điện Trung Á

Thứ năm, 5/3/2009 | 10:04 GMT+7
1. Giới thiệu và tổng quan

Các hệ thống điện rộng lớn, phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia Trung Á trải dài từ Kazakhstan và Turkmenistan ở vùng biển Caspian tới Kyrgyzstan và Tajikistan trên vùng biên giới với Trung Quốc, và từ biên giới Nga ở phía Bắc tới biên giới các nước Ả Rập ở phía Nam.

Cho đến năm 1990, cả năm nước là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã hoạt động cùng nhau như một phần của Liên bang Xô viết. Việc Liên Xô giải thể thành 15 nước cộng hòa thành viên là nguyên nhân trực tiếp gây suy thoái nghiêm trọng hoạt động kinh tế của tất cả các nước đó, trong đó vài nước giờ đây mới đang bắt đầu hồi phục.

Mức độ liên kết các hệ thống điện (HTĐ) hiện nay phần lớn là do chính sách kế hoạch hóa xô viết để lại, theo đó năm nước này được coi như một vùng, và các đường phân cách mà giờ đây đã trở thành biên giới quốc gia thì trước đây không phải là nhân tố quan trọng. Bằng chứng về vấn đề đó có thể thấy ở cách tổ chức các công trình nguồn điện và truyền tải. Trong gần 10 năm sau khi độc lập, những nước đó đã phải chịu cảnh kinh tế suy thoái, chính trị bất ổn, tiêu thụ điện năng sụt giảm nghiêm trọng, và trong vài trường hợp, cả nội chiến nữa.

Đối với phần lớn trong vùng, việc phục hồi ngành điện mới chỉ được tiến hành được 7 hoặc 8 năm và trong thời gian đó đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách thị trường. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu và đặc điểm của ngành điện hiện nay là kém ổn định và sức cản đối với cuộc cải cách. Nhưng nó cũng có đặc điểm nữa là cơ hội rất lớn về kinh tế. Mục đích của bản báo cáo này là phân tích cả hai xu thế.

Những xu thế mới đây ở năm nước cộng hòa này cho thấy trong thập niên tới, ngành điện đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề chính sau đây:

· Tiếp tục cải cách các hệ thống thị trường điện năng đang hình thành, tiến tới tạo ra sự cạnh tranh tư nhân hóa hoàn toàn;

· Điều hòa các mức độ hình thành khác nhau của các thị trường điện theo hướng thành lập thị trường điện năng chung cho cả năm nước;

· Liên kết hệ thống truyền tải không chính quy và kém hiệu quả để thúc đẩy tạo ra thị trường điện liên vùng;

· Yêu cầu khẩn trương sửa chữa, phục hồi và thay thế các thiết bị truyền tải và phân phối đã cũ và lạc hậu;

· Luận chứng xây dựng các đường dây liên kết mới và phục hồi các đường dây liên kết hiện có tới các HTĐ khác như với EU, Đông Á và Nam Á, tiến tới thành lập thị trường xuất khẩu điện năng;

· Xây dựng các nguồn điện mới và nâng cấp các nguồn hiện có tiến tới đảm bảo cung cấp dư điện năng quanh năm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong khu vực cũng như hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu điện năng;

· Cải cách chính sách điều tiết ngành điện nhằm giảm sự can thiệp trực tiếp của nhà nước và để cho các chính sách về biểu giá do thị trường tự cân đối định hướng giá năng lượng;

· Giảm rủi ro về thị trường và về chính sách cục bộ nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án nguồn điện, truyền tải điện và phục hồi các công trình năng lượng;

· Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch trong sản xuất điện và đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm giảm tác động lên môi trường, đồng thời giảm nhẹ rủi ro về dao động giá hydrocacbon;

· Đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ và đầu tư phát triển quốc tế nhằm ngăn ngừa sự căng thẳng không cần thiết về cạnh tranh năng lượng giữa những nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ghi chú. Thuật ngữ “Trung Á” nhiều khi được định nghĩa khác nhau về nước thành viên, và việc sử dụng thuật ngữ đó trong các công trình nghiên cứu thường không rõ ràng. Khi sử dụng các số liệu cụ thể trong báo cáo này, thuật ngữ này chỉ liên quan tới năm nước: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbehistan. Khi trích dẫn những số liệu tổng quát từ các bản báo cáo khác, chúng có thể bao gồm những tham khảo liên quan tới các nước khác trong khu vực như Iran, Pakistan, Afghanistan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan và Gruzia.

2. Cơ hội đầu tư và xu thế mới

“Các phương án cấp nguồn như giảm tổn thất hệ thống, phục hồi các tổ máy phát điện và hoàn thành các dự án lớn hiện đang đình đốn do thiếu vốn có thể sản xuất ra đủ điện năng đáp ứng nhu cầu theo dự báo ngoài ra còn dư thừa đáng kể dành cho xuất khẩu”. (Ngân hàng thế giới, 2006)

2.1 Tổng quan về cơ hội

Cơ hội đầu tư vào thị trường điện vùng Trung Á không hề thiếu. Thực vậy, có một số lĩnh vực không chỉ đem lại cơ hội lợi nhuận cao cho những khoản đầu tư lớn, mà còn đang tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư như vậy để hoàn thành các dự án đang còn dở dang. Thiếu nguồn đầu tư đều đặn và ổn định là một trong những lý do khiến thời hạn các công trình xây dựng cơ bản, các dự án của chính phủ, và các công trình nghiên cứu bị kéo dài đến như vậy. Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế (Economic Cooperation Organization - ECO) về liên kết các HTĐ Nam Á riêng chỉ để khởi công đã phải mất tới 5 năm, hoặc việc xây dựng tổ hợp nhà máy thủy điện Rogun đã phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần trong thập kỷ qua do thiếu đầu tư là những thí dụ rõ nét.

Theo bản báo cáo năm 2004 của Liên Hiệp Quốc về sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đã có thời gian khi mà chỉ cần cải thiện biểu giá cũng đã đủ để sinh lợi nhuận mới để hoàn thành các dự án rất cần vốn đầu tư. Tuy nhiên, do tình trạng thiết bị lỗi thời đã trở nên rõ rệt hơn trong 5 năm qua, cũng như nhu cầu điện đã và sẽ tiếp tục tăng, kết luận đó giờ đó không còn đúng nữa. Việc tự túc về tài chính trong ngành điện không còn là mục tiêu khả thi, ngay cả với những lợi nhuận đáng kể về dầu mỏ và khí đốt. Cần có khoản đầu tư cực lớn.

Tìm cơ hội đầu tư không phải là vấn đề khó trong khu vực này. Bất kỳ dự án nào hoặc tất cả các dự án về kỹ thuật và tổ chức trong bản danh mục đều đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể, không chỉ từ các cơ quan tài chính quốc tế mà cả từ các nguồn vốn tư nhân. Vấn đề ở Trung Á không phải là tìm các dự án mục tiêu mà là giảm bớt các rủi ro cao một cách bất thường về chiến lược và chính sách cục bộ.

Rất khó dự đoán nhu cầu trong khu vực bởi vì mức tiêu thụ không hẳn đã là một chỉ số đáng tin cậy. Nhiều vấn đề như: đo đếm điện năng không chính xác, nạn ăn cắp điện, tổn thất điện trong phân phối, không trả tiền điện, và vùng nông thôn rộng lớn chưa được đấu nối điện, đã làm sai lệch các số liệu về nhu cầu điện đến mức các đề xuất dự án khó có thể đủ đảm bảo an toàn cho việc đầu tư. Những yếu tố thông thường như mức tiêu thụ trước đây, tăng trưởng dân số, các mức biểu giá hiện hành đều ít có tác dụng bởi vì yếu tố nào cũng thăng giáng khá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Kết quả là những dự báo về tăng trưởng nói chung có một dải trị số rất rộng. Khó có thể dung hòa tính an toàn của các khoản đầu tư lớn với những chỉ số kém chính xác và khó tin cậy như vậy.

Rủi ro về chính trị cũng rất lớn. Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài ra, theo đó các công ty nước ngoài trực tiếp sở hữu các công trình nguồn điện hoặc các phần lưới điện, và số lượng các công trình này ngày một gia tăng, thì một trong những phương cách duy nhất để đầu tư là thông qua quyền sở hữu các công ty cung cấp và phân phối điện. Mặc dầu phần lớn là “tư nhân”, nhưng nhiều công ty vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc phần lớn của chính phủ các nước. Trong phần lớn các trường hợp, chính phủ nắm giữ quyền sở hữu trên 70% nhằm duy trì toàn quyền kiểm soát hoạt động trong khi vẫn bán các cổ phiếu còn lại cho tư nhân để ra vẻ có thị trường cạnh tranh.

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư từ Bắc Mỹ và châu Âu cũng gặp khó khăn bởi vì ở những nước này nhiều khi có những lo ngại về nhân quyền và pháp chế dân chủ. Những vấn đề về thẩm quyền của chính phủ và hiệu lực của chính phủ trong việc quản lý các hàng hoá công cộng như điện năng nhiều khi được đặt ra.

Kết quả là phần lớn các dự án quan trọng và rủi ro nhất thường được tài trợ bằng các khoản vốn vay phát triển từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank),  Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển quốc tế (IDB) thay vì các công ty, các nhà đầu tư hoặc các nhà tài chính tư nhân. Nhưng như đã nêu trên, những tổ chức này có xu hướng cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, ví dụ như hiện đại hóa lưới điện hoặc nghiên cứu khả thi, bởi vì những dự án này dễ triển khai theo hướng phát triển hơn là theo hướng nguồn điện mới.

Các khoản đầu tư vẫn chưa nhận được và việc thu hút vốn chắc chắn sẽ còn rất khó khăn trong những năm tới. Chỉ riêng ở Kazakhstan đến năm 2015 sẽ cần khoản đầu tư 10 tỷ USD để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho chiến lược phát triển của nước này.

2.2 Thủy điện

Bảng liệt kê các công trình nguồn điện mới đã lên kế hoạch hoặc đang xây dựng tại năm nước cộng hòa cho thấy những nước đã bắt đầu tập trung vốn với qui mô lớn như thế nào cho cơ hội đầu tư này. Đại đa số các công trình mới và phần lớn công suất thiết kế mới sẽ là thủy điện.

Bảng 2. Tiềm năng thủy điện và công suất đặt

Nước

Công suất đặt thủy điện (MW)

Tiềm năng công suất thủy điện (MW)

% khai thác

Kazakhstan

2.000

20.000

10,0%

Kyrgyzstan,

3.000

26.000

11,5%

Tajikistan,

4.000

40.000

10,0%

Uzbehistan

1.700

Không nhiều

Chưa có số liệu

Turkmenistan

Không đáng kể

Không nhiều

Chưa có số liệu

Lý do của phương hướng thị trường này không khó khăn gì để nhận ra. Địa bàn rộng lớn của khu vực khiến cho chi phí vận chuyển nhiên liệu cao, những chi phí này cùng với chi phí của chính nhiên liệu sẽ được loại bỏ nếu sử dụng các công trình thủy điện. Mặc dầu còn tồn tại những vấn đề môi trường liên quan đến tổn hại về hệ sinh thái trong thời kỳ vận hành mùa đông, nhưng thực tế vẫn là các công trình thủy điện là phương án lựa chọn sạch hơn nhiều để giới thiệu với các nhà đầu tư quốc tế về hình ảnh của năng lượng vùng Trung Á, đặc biệt trong tình hình khu vực này vẫn có tiếng (mà sự thực đúng như vậy) là nền kinh tế dựa vào dầu mỏ và khí đốt. Bảng 2 nêu mức khai thác thủy điện hiện nay so với tiềm năng của các hệ thống dòng chảy chính ở mỗi nước.

Mặc dầu chưa có số liệu về Turkmenistan, nhưng ít có dấu hiệu cho thấy tiềm năng thủy điện của nước này thật lớn. Tuy nhiên các số liệu của bốn nước còn lại đều cho thấy một thực tế rất giản đơn: công suất hiện có mới chỉ là bước khai thác trên bề mặt nguồn năng lượng mà các dòng chảy trong khu vực có thể cung cấp.

Vậy mà vốn đầu tư quy mô lớn cho việc phát triển các công trình nguồn điện vẫn chưa có. Theo Ngân hàng Thế giới thì “Cộng hòa Kyrgyz giàu về thuỷ điện và Tajikistan, mặc dù có tiềm năng thủy điện và có khả năng xuất khẩu điện năng, nhưng đối mặt với những khó khăn của chính họ trong việc lồng ghép các chiến lược tăng trưởng vào thị trường năng lượng khu vực và trong việc thu hút các nguồn đầu tư mới từ bên ngoài.”

Lắp đặt trạm năng lượng gió Djungar (Kazakhstan)
2.3 Nhiên liệu tái tạo - Sáng kiến về năng lượng tái tạo của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu

Như có thể thấy rõ từ các số liệu nhà máy điện và các dự án công trình nguồn điện đã lên kế hoạch hoặc đang xây dựng, cả năm nước Trung Á đều có xu hướng muốn phần lớn nguồn cung cấp là từ các nguồn nhiên liệu dồi dào tại địa phương.

Uzbekistan và Turkmenistan đều có trữ lượng lớn khí đốt và dầu mỏ ở vùng Caspian và Aral và họ sử dụng các nhiên liệu này như những nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phần lớn công suất phát điện của họ. Kazakhstan có trữ lượng than trong nước phong phú, sản xuất điện chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than. Những nước phía đông là Tajikistan và Kyrgyzstan có dòng chảy dồi dào, và do đó đặt thủy điện lên trên các dạng nguồn điện khác. Từ đó, có thể thấy khá rõ ràng là tính chất thực dụng, khả năng thực tế của địa phương và chi phí thấp là mối quan tâm hàng đầu trong việc xác định các loại nguồn nhiên liệu sử dụng để sản xuất điện trong khu vực.

Bởi vì chi phí liên quan đến phát điện bằng sức gió, năng lượng mặt trời và sinh khối là cao và lợi nhuận thu được là thấp, đặc biệt khi đấu nối vào lưới điện ọp ẹp, không có gì ngạc nhiên là các dạng năng lượng này chưa được khai thác đáng kể để đưa vào cân bằng nhiên liệu.

Dẫu vậy ưu thế của thủy năng vẫn là dấu hiệu cho thấy ở mức độ nào đó những nước này quan tâm đến việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Sự phụ thuộc của ba nước phía đông vào các nhiên liệu hoá thạch với giá không bình ổn là tình hình mà các chính phủ các nước này mong muốn cải thiện.

Trong tình hình đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã đề xuất sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo, một tổng hòa những phương án năng lượng tái tạo tại các nước thành viên ở khắp các nước Đông Âu và Trung Á. EBRD đánh giá tình hình năng lượng hiện tại ở từng nước cũng như sự tiến bộ và tiềm năng tương lai cho việc tích hợp năng lượng tái tạo vào cân bằng nhiên liệu.

Sau đây là phần tóm tắt và phân tích bảng tổng quan theo sáng kiến của EBRD về năm nước cộng hòa Trung Á. Sau phần giới thiệu từng kịch bản năng lượng tái tạo là kết quả đánh giá tiềm năng: Rất lớn, Lớn, Vừa phải, hoặc Thấp của từng nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu.

2.3.1 Tiềm năng năng lượng tái tạo của Kazakhstan

Kịch bản năng lượng sạch:

· Ngoài khoản đầu tư khiêm tốn vào thủy điện, Kazakhstan cũng chưa bắt tay mạnh vào việc phát triển các nguồn nhiên liệu tái tạo.

· Giá thành thấp của nhiên liệu hoá thạch do có nguồn cung cấp dồi dào ở địa phương làm nản lòng việc đa dạng hóa năng lượng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.

· Trao đổi năng lượng với Nga đã tích lại món nợ 250 triệu USD tính từ năm 1990.

· Việc khai thác và sử dụng than, nguồn nhiên liệu cho phần lớn các nhà máy điện đã không được thực hiện theo phương thức hiệu quả và bảo đảm môi trường.

· Chính sách môi trường đã được triển khai mạnh nhất ở Kazakhstan bởi vì nước này đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và đã cố gắng xây dựng một khuôn khổ pháp lý về môi trường từ những cam kết Kyoto và thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ quá trình này.

· Để giảm nhẹ sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoá thạch, trả khoản nợ dài hạn bằng cách giảm chi phí nhiên liệu, giảm thiểu tác động lên môi trường do khai thác và đốt than, và làm việc trong khuôn khổ pháp lý của Nghị định thư Kyoto, Kazakhstan đang khảo sát tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt trong phát triển năng lượng gió, nơi mà dự án khảo sát của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) đang thực hiện.

Dạng năng lượng tái tạo

Tiềm năng

Gió

Rất lớn

Sinh khối

Vừa phải

Mặt trời

Lớn

Địa nhiệt

Lớn

2.3.2 Tiềm năng năng lượng tái tạo của Kyrgyzstan

Năng lượng gió và mặt trời ở Turkenistan

Kịch bản năng lượng sạch:

· 80% công suất phát điện của nước này đã được sản xuất từ năng lượng tái tạo: thủy năng.

· Các hệ thống sông ở miền núi và lưu lượng nước lớn vào mùa hè có tiềm năng công suất tổng gấp 10 lần công suất khai thác hiện nay.

· Những quan ngại về môi trường đối với tình trạng hồ chứa nước, bảo tồn nước và sự hủy hoại hệ sinh thái đã tạo động lực “vừa phải” theo hướng đa dạng hóa nguồn nhiên liệu. Mặc dầu có nguồn nhiệt điện gần thủ đô Bishkek, nhưng chưa có kế hoạch khai thác thêm nhiên liệu hoá thạch.

· Phần lớn kịch bản năng lượng tái tạo hoàn toàn tập trung vào phát triển các công trình thủy điện mới như bản danh mục các dự án đã lên kế hoạch khẳng định, tuy nhiên cũng có cả một số khảo sát về những nguồn năng lượng tái tạo khác.

Dạng năng lượng tái tạo

Tiềm năng

Gió

Lớn

Sinh khối

Vừa phải

Mặt trời

Lớn

Địa nhiệt

Thấp

2.3.3 Tiềm năng năng lượng tái tạo của Tajikistan

Kịch bản năng lượng sạch:

· Hầu như toàn bộ điện năng của nước này được sản xuất từ năng lượng tái tạo: thủy năng.

· Ngoại trừ hai nhà máy nhiệt điện nhỏ với sản lượng khoảng 5% trong sản lượng điện năng toàn quốc, còn lại đều là từ sức nước.

· Việc phát triển năng lượng tái tạo có khả năng thành công rất cao, nhưng có một số yếu tố phổ biến đang cản trở tình hình đầu tư.

· Biểu giá điện rất thấp, điều này giảm mức độ kích thích phát triển những năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn. Dư luận ít quan tâm hoặc nhà nước ít hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ mới. Tình hình chính trị bất ổn và không giúp giảm thiểu rủi ro cho việc đầu tư của nước ngoài.

Dạng năng lượng tái tạo

Tiềm năng

Gió

Lớn

Sinh khối

Vừa phải

Mặt trời

Rất lớn

Địa nhiệt

Thấp

2.3.4 Tiềm năng năng lượng tái tạo của Turkmenistan

Tháp năng lượng mặt trời ở Uzbekistan

 Kịch bản năng lượng sạch:

· Turkmenistan có tiềm năng năng lượng gió rất lớn và tiềm năng năng lượng mặt trời cũng cao, nhưng những tiềm năng này bị sự dồi dào của dầu mỏ và khí đốt che khuất.

· Trữ lượng khí đốt cho phép nước này đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước với các công trình hiện có và không cần phát triển các công trình mới.

· Nhà nước tham gia sâu vào ngành năng lượng, trợ giá nhiều cho các hộ tiêu đến mức giá thành điện năng rất thấp hoặc thậm chí không tồn tại.

· Có sẵn nhiều chương trình nhằm giảm tác động đến môi trường của việc khai thác và chế biến dầu khí và các biện pháp tiết kiệm năng lượng/bảo toàn nước trong cộng đồng. Thay vì phát triển năng lượng tái tạo, đây là biện pháp là hàng đầu trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.

· Không có sự thúc đẩy từ phía nhà nước hoặc các hộ tiêu thụ, ở Turkmenistan hầu như không có phong trào phát triển năng lượng tái tạo.

Dạng năng lượng tái tạo

Tiềm năng

Gió

Rất lớn

Sinh khối

Thấp

Mặt trời

Rất lớn

Địa nhiệt

Vừa phải

2.3.5 Tiềm năng năng lượng tái tạo của Uzbekistan

Kịch bản năng lượng sạch:

· Uzbekistan có trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ, làm nản lòng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

· Tiềm năng thuỷ điện là sự thúc đẩy ưu tiên để đa dạng hóa năng lượng tái tạo.

· Các dự án thủy năng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo không có.

· Biểu giá điện, giống như ở một số nước Trung Á khác, rất thấp so với giá sản xuất.

· Nhu cầu gia tăng có thể đuổi kịp mức sản xuất, có thể là vào năm 2010, nếu không có nguồn mới đáng kể.

· Nguồn vốn và biện pháp khuyến khích chính để triển khai năng lượng tái tạo là từ UNDP. Tổ chức này đang tài trợ các nghiên cứu khả thi và giúp soạn thảo các thỏa thuận về cơ sở pháp lý cho các dự án về điện sinh khối, năng lượng mặt trời và địa nhiệt.

Dạng năng lượng tái tạo

Tiềm năng

Gió

Thấp

Sinh khối

Lớn

Mặt trời

Lớn

Địa nhiệt

Lớn

2.4 Những cơ hội về hiệu quả của thị trường

Tạo ra hiệu quả thị trường và một ngành điện thực sự cạnh tranh nói chung vẫn còn nằm trong giai đoạn trình duyệt về mặt pháp chế. Thực vậy, có nhiều việc phải làm để xây dựng các quy định, quy chế và thủ tục ở cấp nhà nước hơn là làm sao để đầu tư cho có lợi.

Dẫu vậy, vẫn còn phạm vi nhất định để các nguồn tài chính đầu tư vào một tương lai có tính cạnh tranh ở vùng Trung Á.

Ngoài việc nhà nước chiếm quyền sở hữu lớn, một trong những lý do khiến cho các thị trường không thể trở nên cạnh tranh hơn là do các thị trường này không có mấy chỗ để phát triển trong khi đó lại bị bó hẹp trong phạm vi biên giới quốc gia. Liên kết thị trường Trung Á không chỉ là mục tiêu pháp chế mà còn là mục tiêu công nghệ.

Theo luật thuế quan hiện nay, mỗi khi đưa điện năng qua biên giới, trong đó một lượng đáng kể là do kết cấu lưới điện, nhà cung cấp đều phải khai báo giống như các hàng hóa khác. Công nghệ ghi tự động điện năng đưa qua biên giới sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật pháp, miễn trừ việc phải khai báo lượng điện năng mỗi lần. Điều đó sẽ giúp cho việc trao đổi điện năng qua biên giới dễ dàng hơn, thu hút thêm nhiều nhà cung cấp điện tham gia thị trường điện và đưa các hệ thống điện Trung Á tiến gần thêm một bước tới liên kết thị trường.

Theo QLNĐ số 1/2009