Tin thế giới

Mỹ tập trung phát triển nguồn năng lượng tái sinh

Thứ tư, 18/2/2009 | 13:28 GMT+7
Để không phải lệ thuộc quá mức vào nguồn dầu mỏ từ bên ngoài, vừa qua tân Tổng thống  Mỹ Barack Obama đã để ra chính sách tăng cường 40% năng lượng tái sinh.

Tận dụng nguồn thủy triều cũng có khả năng sản xuất điện

Đồng thời, Tổng thống Barack Obama cũng khuyến nghị các nhà môi trường hãy tập trung vào nguồn năng lượng tái sinh và những tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt. Mặc dù một số nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi rằng bằng cách làm sạch hành tinh, ông có thể đẩy đất nước vào một giai đoạn suy thoái mới.

Trao đổi với phóng viên CNN, ông Rạj Chetty, giáo sư Trường ĐH California, Berkeley cho rằng: “Barack Obama cần cố gắng duy trì một sự cân đối giữa việc kích thích nền kinh tế trong những tháng tới và đầu tư vào tương lai dài hạn của môi trường”,

Vừa qua, tân Tổng thống đã công bố một kế hoạch về “một nên kinh tế năng lượng mới tạo ra hàng triệu công ăn việc làm”. Ông Barack Obama đề xuất “huy động 460.000 người Mỹ vào làm việc thông qua các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, tăng cường hiệu quả của nhiên liệu cho xe cộ và giảm việc thải ra khí nhà kính”.

Chính quyền Obama hy vọng rằng vào khoảng năm 2050, một phần tư năng lượng tiêu thụ của quốc gia có xuất xứ là năng lượng tái sinh. Đồng thời tạo ra được hàng triệu công ăn việc làm mới bằng cách đầu tư 150 tỷ đôla tiền thuế để giúp các công ty phát triển những nguồn năng lượng sạch mới, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt.

Wesley Warren, giám đốc chương trình thuộc Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói: “Bằng cách kết cấu lại nguồn năng lượng từ năng lượng sạch, chúng ta sẽ tạo ra công việc mà không cần để người lao động phải đi làm việc ở nước ngoài. Bằng cách phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời, chúng ta vẫn bảo đảm đủ năng lượng cho đất nước và chấm dứt bệnh “nghiện dầu mỏ”.

Tuy nhiên, các nhà môi trường học lại cho rằng giải quyết vấn đề  nói trên "theo kiểu Barack Obama" thực  sự không dễ dàng.

Bill Chameides, Trưởng khoa Môi trường, ĐH Duke phát biểu: “Các công nghệ không mới mẻ gì. Chúng đòi hỏi phải bỏ ra 10-15 năm để thực hiện. Chính phủ cần đẩy mạnh những chính sách mới, nhưng phải chứng minh rằng nếu chúng không có tính cạnh tranh về mặt kinh tế thì sẽ không thể coi là thành công”.

Thậm chí, Alan Reynolds, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Cato phản ứng khá quyết liệt: “Tạo công ăn việc làm bằng cách chuyển đổi từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác là một ý tưởng tồi. Thu lại 7.000USD mà phải bỏ ra 100.000USD cho mạng điện lai tạo làm ra điện từ than thì chẳng có ý nghĩa gì”.

Theo: Vietnamnet