Cỗ máy làm sạch các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà.
Pin sạch giúp tăng hiệu suất
Công ty Vũ Phong vừa công bố trực tuyến giới thiệu thiết bị vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời. Sản phẩm được hoàn thiện sau 3 năm nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học của công ty.
Ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong vòng 5 năm trở lại đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh.
Chỉ riêng 2 năm 2019 - 2020, tổng công suất điện mặt trời lắp đặt đã lên tới hơn 16 GW. Trong năm 2021 này, cũng sẽ có khoảng 4 - 5 GW điện gió được đấu lưới. Như vậy, tổng công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã lên tới hơn 20 GW…
Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các chủ đầu tư, các công ty cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành cùng nhau tìm ra các giải pháp cũng như các công cụ hỗ trợ (phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin…) để quản lý tối ưu, tạo ra nhiều sản lượng nhất cho các hệ thống và bảo đảm công tác điều độ điện lưới.
Robot VPT-RB1200-S1 là một công cụ hỗ trợ như thế, được hoàn thành sau 3 năm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm bởi các kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời lắp ráp thành công. Trải qua thời gian dài vận hành thực tế trên nhiều hệ thống và cải tiến, Robot VPT-RB1200-S1 đã được tối ưu để phục vụ các hệ thống điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Tính năng nổi trội của robot là có thể lau sạch. Nhờ điều chỉnh được tốc độ quay, chế độ di chuyển và khoảng cách giữa chổi lau và bề mặt tấm pin tùy biến theo từng điều kiện kết cấu và tính chất bụi. Robot có khả năng xoay tại chỗ 360 độ, lau dài 1.200 mm với các sợi lô mềm, mỏng quay với tốc độ phù hợp, giúp làm sạch tấm pin chỉ với một lần quét qua.
Robot có thể lau 10.000 m2/ca làm việc, tiêu thụ chỉ 0,8 ~ 1 lít nước/m2. Robot có khả năng làm sạch được ở những vị trí xa, khó tiếp cận (điều khiển xa lên đến 200 m), có thể tự di chuyển qua khoảng hở giữa các dãy pin lên đến 400 mm. Theo tính toán, để lau sạch 5.000 m2 điện mặt trời, sản phẩm robot sẽ mất khoảng 4 giờ, giúp tiết kiệm nhân công và chi phí.
Theo KS Nguyễn Đức Thắng, thành viên nhóm nghiên cứu, điều đặc biệt là robot được điều khiển từ xa, giao diện tay điều khiển được thiết kế trực quan, nên vận hành đơn giản và dễ dàng. Robot được thiết kế dạng mô-đun, có thể tháo lắp nhanh, dễ vận chuyển, tích hợp các kiểu chổi lau khác nhau theo đặc thù từng công trình.
Do được thiết kế, lắp ráp trong nước nên khả năng nâng cấp cao hơn; sẵn sàng mở rộng kết nối điều khiển IoT, điều khiển từ xa; tích hợp giám sát hành trình, tính toán diện tích lau.
Trước VPT-RB1200-S1, nhóm nghiên cứu thiết kế cũng đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm robot vệ sinh tấm pin mặt trời theo đặc thù từng dạng công trình như: VPT-RB2300 và
VPT-TRACKER-S2 phục vụ nhà máy điện mặt trời lắp đặt theo kết cấu 1 tấm; VP-DRY4000-S1 phục vụ nhà máy điện mặt trời lắp đặt theo kết cấu 2 tấm có đặc điểm bụi khô không bám dính (như bụi bẩn do đất cát khô ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận…).
Thúc đẩy phát triển điện mặt trời
Theo chuyên gia năng lượng Hoàng Dương Tùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng, miền khác nhau của đất nước.
Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Năng lượng mặt trời có thể được khai thác cho hai nhu cầu sử dụng: Sản xuất điện và cung cấp nhiệt.
Năng lượng mặt trời có những ưu điểm như: Sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng… Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Vì thế, đây được coi là nguồn năng lượng quý giá, có thể thay thế những dạng năng lượng cũ đang ngày càng cạn kiệt. Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế những nguồn tài nguyên truyền thống.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng trong thời gian qua, các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi mà chỉ tập trung tại một số khu vực thuộc vùng nông thôn, miền núi…
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, số công trình sử dụng pin mặt trời mới chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm: Hệ thống pin mặt trời hòa vào mạng điện chung của Trung tâm Hội nghị quốc gia, trạm pin mặt trời nối lưới lắp đặt trên mái nhà làm việc của Bộ Công Thương, hai cột đèn năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Rào cản lớn nhất của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời chính là vấn đề tài chính. Dù năng lượng mặt trời ở dạng “nguyên liệu thô”, nhưng chi phí đầu tư để khai thác, sử dụng lại rất cao do công nghệ, thiết bị sản xuất đều nhập từ nước ngoài.
Phần lớn những dự án điện mặt trời đã và đang triển khai đều sử dụng nguồn vốn tài trợ hoặc vốn vay nước ngoài. Do đó, mới chỉ có một vài tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đại học tham gia, còn phía doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa “mặn mà” với việc ứng dụng, sản xuất cũng như sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời.
Việc tiếp cận để tận dụng nguồn năng lượng mới này không chỉ góp phần cung ứng kịp nhu cầu năng lượng của xã hội, mà còn giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm như robot tự động làm sạch pin năng lượng mặt trời có tiềm năng ứng dụng lớn, đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời.
Link gốc