Quy định đã có
Theo Khoản 4 điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BTC ngày 29/5/2016 về thực hiện giá bán điện (đã được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 25/2018/TT-BTC), trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải là một hộ gia đình) thì giá bán điện được tính như sau:
Nếu bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);
Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101-200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Nếu chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.
Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, một người được tính là 1/4 định mức, hai người được tính là 1/2 định mức, ba người được tính là 3/4 định mức, bốn người được tính là một định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.
Ngoài ra, theo Quyết định 4495/QĐ-BCT về giá bán điện, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính như sau: bậc 1 cho kWh từ 0-50 có giá 1.549 đồng, bậc 2 cho kWh từ 51 đến 100 có giá 1.600 đồng, bậc 3 cho kWh từ 101 đến 200 có giá 1.858 đồng, bậc 4 cho kWh từ 201 đến 300 có giá 2.340 đồng, bậc 5 cho kWh từ 301 đến 400 có giá 2.615 đồng, bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá 2.710 đồng, từ 20/3/2019 giá điện tăng bình quân 8,38%– Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Như vậy, đối chiếu với quy định hiện hành, việc chủ nhà trọ tính giá bán điện từ 3500 đồng/kWh trở lên là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, chủ nhà trọ có thể bị xử phạt hành chính 7-10 triệu đồng.
Vì sao vẫn khó xử lý?
Được biết, thời gian qua, EVN đã yêu cầu niêm yết chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên website. Đồng thời, đơn vị này cũng đã kiểm tra, rà soát gần 163.000 chủ nhà trọ có nhà cho thuê, trong đó đa số chủ nhà ký biên bản cam kết bán điện cho người thuê nhà đúng giá quy định. Với những trường hợp vi phạm, các Công ty Điện lực đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển biên bản sang UBND hoặc Sở Công thương để kiểm tra xử lý.
Mặc dù vậy, tại một số địa phương vẫn còn không ít trường hợp chủ cho thuê nhà không khai báo tạm trú đối với chính quyền địa phương nên việc tính toán giá điện gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lượng người thuê nhà luôn biến động, chủ nhà trọ lại không thông báo kịp thời cho bên bán điện nên việc kiểm tra rà soát và áp giá bán điện cho người thuê nhà theo định mức không đơn giản, chưa nói đến việc, khi kiểm tra thực tế nhiều khách hàng không có nhà hoặc có nhưng…đóng cửa không tiếp.
Theo quy định hiện hành, nếu phát hiện chủ nhà cho thuê có hành vi thu tiền điện của người thuê nhà vượt quá mức quy định thì đơn vị quản lý điện lập Biên bản vi phạm và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Song, do không nắm được đầy đủ các hộ kinh doanh nhà trọ nên cơ quan chức năng chưa tuyên truyền, yêu cầu tất cả các chủ nhà trọ ký cam kết không thu tiền điện quá mức quy định nên không lập được biên bản vi phạm và xử phạt theo Nghị định 134/2014/NĐ-CP. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều quy định về xử lý đối tượng kinh doanh nhà trọ thu tiền điện quá giá vẫn đang nằm trên giấy – Luật sư Tiến Hòa nhận định.