Tài chính - Ngân hàng

Thu xếp đủ vốn cho các dự án điện trọng điểm

Thứ hai, 11/1/2016 | 10:36 GMT+7
Để đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong 5 năm qua, đồng thời hệ thống điện Quốc gia lần đầu tiên có dự phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung giải quyết các khó khăn về tài chính, nỗ lực thu xếp vốn nhằm đảm bảo nhu cầu đầu tư.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Với tổng số vốn thu xếp và giải ngân trên 320.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài trong giai đoạn 2011-2015 đã nói lên những cố gắng vượt bậc đó.

EVN cho biết, ngay trong các năm khó khăn nhất về vốn đầu tư như 2011-2012, các dự án nguồn điện và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Đó là kết quả của việc duy trì mối quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, AFD, JICA, KfW... nên trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã ký kết vay 4,8 tỷ USD vốn ODA. Riêng năm 2015, tổng giá trị các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài mà EVN đã ký kết 785 triệu USD. Ngoài ra, EVN đang đàm phán và đã có cam kết khoảng 2 tỷ USD để chuẩn bị cho đầu tư xây dựng các năm sắp tới.

”Đến cuối năm 2015, toàn bộ các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn để thực hiện trong các năm tới”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết.

Đến thời điểm này, tổng công suất nguồn điện đưa vào phát điện là 9.852 MW bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1... đã đi vào vận hành. Tập đoàn đang tập trung thi công để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành các dự án nguồn điện cấp bách để cấp điện miền Nam đến năm 2020 như các dự án nhiệt điện: Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng hoàn thành 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.100 km, tổng dung lượng trạm biến áp 55.600 MVA. Hệ thống truyền tải được đầu tư đáp ứng yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải và kết nối hệ thống điện Quốc gia theo yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Hiện lưới điện 110-220kV đã phát triển đều khắp các tỉnh/thành phố để đáp ứng nhu cầu điện các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm.

Với giá trị đầu tư giai đoạn 2011-2015 đạt trên 492.000 tỷ đồng, gấp 2,42 lần so với giai đoạn 5 năm trước, EVN đã hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển nguồn và lưới điện trong 5 năm.

Như vậy, đến hết năm 2015, cơ sở hạ tầng điện lực đã có bước phát triển vượt bậc. Tổng công suất nguồn điện toàn quốc đã là 38.800 MW, tăng 1,8 lần so với năm 2010, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới; trong đó các nguồn điện do EVN và các Tổng công ty phát điện (GENCO) sở hữu là 23.580 MW, chiếm 60,8% công suất của hệ thống điện. EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện với trên 41.100 km đường dây 500-220-110kV, tăng 1,5 lần so với năm 2010 và trên 440.000 km đường dây trung thế và hạ thế, tăng 1,2 lần. Tổng dung lượng trạm biến áp 500-220-110kV tăng 1,8 lần so với năm 2010.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Có được những kết quả này, theo đánh giá của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN là trong 5 năm qua, Chính phủ, các Bộ ngành ban hành nhiều Nghị định, văn bản pháp luật mới có tác động trực tiếp đến công tác đầu tư xây dựng. Tập đoàn cũng kịp thời sửa đổi, cập nhật các quy trình, quy định nội bộ để chỉ đạo điều hành đúng qui định pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý trong đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn và các Tổng công ty đã chú trọng cập nhật kịp thời tình hình phát triển kinh tế của các địa phương, nhu cầu cấp điện đột xuất, các khu công nghiệp lớn, từ đó điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trình nguồn và lưới điện, trình Bộ Công Thương và Chính phủ bổ sung, điều chỉnh qui hoạch và cho áp dụng các cơ chế đặc biệt để thực hiện.

Chất lượng tư vấn giám sát thi công có nhiều chuyển biến tốt, giúp cho sự phối hợp giữa chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án, các nhà thầu chặt chẽ và thường xuyên, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Mặc dù vậy, đánh giá của EVN cũng cho thấy, một số dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, đi vào vận hành chưa ổn định trong thời gian đầu. Công tác khắc phục sự cố chậm, ảnh hưởng tới cung cấp điện và khai thác hệ thống. Các nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 sau khi đi vào vận hành cũng bộc lộ thiếu sót về môi trường. Mặt khác, một số dự án lưới điện bị chậm tiến độ, có những công trình chậm kéo dài trên 1 năm do vướng giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng tới điều độ vận hành hệ thống điện....

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của EVN vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Hệ thống điện dự phòng hiện nay có thể mất đi trong vòng hai năm nên EVN cần có giải pháp đầu tư quyết liệt hơn. Mặt khác hệ thống điện Việt Nam đang rất lớn đòi hỏi phải thay đổi ngay trong công tác quy hoạch, nghiên cứu tính toán khoa học để vận hành ổn định và an toàn hệ thống”.

Do vậy, trong giai đoạn 2016-2020, EVN đặt mục tiêu huy động trên 600.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện cấp bách. Riêng năm 2016, tổng giá trị đầu tư là 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2015.

Với mức đầu tư trên, EVN sẽ đưa vào phát điện 9 tổ máy với tổng công suất 2.534 MW, gồm: tổ máy 2 và 3 (Thủy điện Lai Châu); tổ máy 2 (Thủy điện Huội Quảng); tổ máy 1 và  2 (Thủy điện Trung Sơn; Sông Bung 2; Nhiệt điện Duyên Hải 3). Đồng thời khởi công dự án Nhiện điện Vĩnh Tân 4 mở rộng.

EVN cũng đảm bảo tiến độ các dự án sẽ phát điện trong năm 2017, gồm: Nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, Thủy điện Thác Mơ mở rộng và các dự án cấp bách tại các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải.

Ngoài ra, EVN còn tập trung hoàn thành 351 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây 4.800km, tổng dung lượng trạm biến áp 21.890 MVA.  Khởi công 338 công trình lưới điện 110-500kV. Tiếp tục triển khai các dự án, công trình lưới điện cấp bách, đặc biệt các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc - Nam, lưới điện đồng bộ các Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1, Long Phú 1... Mặt khác, đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án cấp điện đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ (Kiên Giang)....

Để các dự án triển khai thuận lợi, EVN đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch điện VII và cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách; vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các Chủ đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của Nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng làm tăng chi phí vay vốn. Mặt khác, cho phép các dự án điện được vào danh mục các dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi nhà nước để thực hiện di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn cũng đề nghị tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án điện; trình Chính phủ vay vốn ODA để cấp ngân sách cho EVN đầu tư các dự án đưa điện về khu vực vùng nông thôn, miền núi chưa có điện thuộc Chương trình 2081.
 
Mai Phương/Icon.com.vn