Thực hiện các Dự án lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa: Phải gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng

Thứ ba, 21/6/2022 | 13:13 GMT+7
Từ nhiều năm trở lại đây, hầu hết các dự án lưới điện truyền tải đều bị chậm tiến độ so với thời hạn phải đưa vào vận hành. 

EVNNPT kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị thực hiện dự án. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Những vướng mắc phát sinh chủ yếu từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đặt ra bài toán phải có một hướng tiếp cận và cách xử lý hoàn toàn mới với vấn đề tưởng như quá cũ này. Tuy nhiên, trước mắt, các dự án lưới điện truyền tải đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực sự “sốt”, khi thời hạn hoàn thành các dự án thành phần phục vụ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với số vốn 2,58 tỉ USD, công suất 2.640 MW, được khởi công (giai đoạn 1) vào tháng 10-2019 trên diện tích 350 ha đã cận kề.
 
Các dự án đều vướng mặt bằng
 
Theo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) -  chủ đầu tư các dự án thành phần phục vụ Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, trong số các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân là dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia, đóng vai trò chính trong giải tỏa công suất cho các nhà máy, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
 

Công nhân Truyền tải Điện Khánh Hòa (Công ty Truyền tải điện 3) giám sát an toàn thi công dựng cột vị trí 39 đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đến thời điểm hiện nay, Trạm biến áp 500kV Vân Phong đã được bàn giao mặt bằng các đang thi công phần xây lắp. Đường dây 220kV đấu nối đi qua các xã/phường: Ninh Phước, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Thọ, Ninh Đông và Ninh An thị xã Ninh Hòa và đã bàn giao 62/62 vị trí móng đạt 100%; phần hành lang, mới bàn giao được 44/62 khoảng cột đạt 40%. Thủ tục thu hồi đất và chuyển đổi đất rừng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng. 
 
Đối với Đường dây 500kV NĐ Vân Phong-NĐ Vĩnh Tân, đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa có chiều dài 88km, bao gồm 172 vị trí móng trụ. Đến nay, thị xã Ninh Hoà đã hoàn thành chi trả tiền đền bù 53/53 vị trí móng; phê duyệt phương án bồi thường phần hành lang 53/53 khoảng cột; chi trả tiền đền bù 51/53 khoảng cột, 2 khoảng cột vắng chủ nhà nên chưa thưc hiện được đền bù.
 

Công tác chuẩn bị kéo dây tuyến đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Huyện Diên Khánh đã phê duyệt và chi trả tiền đền bù 51/52 vị trí móng trụ; phần hành lang phê duyệt 50/52 khoảng cột, chi trả tiền đền bù 42/52 khoảng cột. Còn 08 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường. Qua công tác kê kiểm, hiện nay trên địa bàn huyện Diên Khánh có 04 trường hợp phải bố trí tái định cư (xã Diên Lâm), hiện nay UBND huyện Diên Khánh đang thực hiện các thủ tục để để bố trí tái định cư cho các hộ dân.
 
Huyện Cam Lâm đã phê duyệt và chi trả tiền đền bù 55/55 vị trí móng trụ. Có một vị trí thuộc địa bàn xã Cam Phước Tây đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng do tranh chấp đất giữa chủ đất và các hộ dân đồng bào dân tộc nên chỉ mới hoàn thành việc đúc móng, dựng cột. Việc kéo dây chưa thể triển khai do chủ hộ yêu cầu nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ đất phần móng trụ và hành lang tuyến. Đối với hành lang tuyến, đã phê duyệt phương án bồi thường 55/55 khoảng cột; chi trả tiền và bàn giao 53/55 khoảng cột. Còn 2 khoảng cột gặp khó do phần đất của hộ dân chưa được phòng Tài nguyên Môi trường huyện thẩm định nguồn gốc đất; còn 04 hộ chưa chi trả tiền do tranh chấp đất.
 

Lãnh đạo EVNNPT luôn phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong GPMB. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hành lang tuyến được dây 220kV đấu nối, đoạn đi qua địa bàn đông dân cư thuộc xã Ninh An (ảnh hưởng 26 nhà ở và 03 trường hợp đất đấu giá). Đồng thời, đa số hộ dân ảnh hưởng dự án điện năng lượng mặt trời Long Sơn trước đây chủ đầu tư thực hiện thoả thuận đơn giá với các hộ dân (Giá thoả thuận cao) dẫn đến người dân không đồng thuận về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Dự án tại thời điểm.
 
Đối với dự án đường dây 220kV Nha Trang-Tháp Chàm có 120 vị trí móng đi qua Tp. Nha Trang, huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Tp. Cam Ranh. Tại Tp. Nha Trang còn 1 vị trí liên quan đến 3 hộ chưa phê duyệt phương án, chưa nhận tiền nên chưa bàn giao mặt bằng. Huyện Diên Khánh còn 07/223 trường hợp chưa chi trả được do một số hộ dân đi vắng, 1 số không chấp nhận giá bồi thường theo quy định. Tại huyện Cam Lâm, còn 9/50 móng trụ của các hộ dân chưa phê duyệt PABT. Phần hành lang tuyến đã phê duyệt phương án bồi thường 39/50 khoảng cột tương ứng 120/148 hộ dân, còn 28 hộ dân chưa phê duyệt; Đã chi trả tiền bàn giao mặt bằng 37/50 khoảng cột tương ứng 117/120/148 hộ dân; 2 hộ dân chưa xét nguồn gốc đất; 1 hộ dân ở TP Cam Ranh không nhận tiền bồi thường vì lý do đơn giá bồi thường thấp và yêu cầu bồi thường về đất dù đây là đất lâm nghiệp lấn chiếm.
 

Lãnh đạo EVNNPT luôn phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong GPMB. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Dự án Đường dây 220kV Krong Buk - Nha Trang (mạch 2) có 146 vị trí cột đi qua TP. Nha Trang và huyện Ninh Hoà. Hiện, dự án gặp khó khăn vướng mắc 6 vị trí móng trụ tại Thị xã Ninh Hoà do các hộ dân không đồng ý vì cho là đơn giá thấp; phần hành lang tuyến cũng gặp khó khăn do công tác kê kiểm, xác minh nguồn gốc đất chậm, mới tổ chức kê kiểm được 93/114 khoảng cột hành lang tuyến. TP. Nha Trang mới bàn giao được 09/32 vị trí móng trụ; phần hành lang tuyến chưa triển khai kê kiểm.
 
Dự án Trạm biến áp 220kV Cam Ranh trên địa bàn Huyện Cam Lâm đã bàn giao mặt bằng nhưng đường vào trạm có 2 hộ dân đã nhận tiền và không đồng ý bàn giao mặt bằng do tranh chấp lấn ranh đất giữa 02 hộ. Phần móng của đường dây đấu nối, đã bàn giao 23/24 vị trí. Trong đó có 1 vị trí đang nằm trên đường bê tông dân sinh nên vẫn chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công; 1 vị trí, người dân đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền. Hành lang tuyến còn 60/179 thửa đất bị ảnh hưởng hành lang chưa phê duyệt phương án bồi thường...
 

Dựng cột vị trí 39 đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong buổi làm việc với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, những khó khăn vướng mắc còn lại, tỉnh Khánh Hòa cam kết trước ngày 30-6 sẽ hoàn thành mặt bằng để chủ đầu tư triển khai công việc còn lại.
 
Chậm tiến độ 6 tháng sẽ chịu phạt 5.000 tỷ đồng
 
Những “nút thắt” trong GPMB khiến không ít dự án hạ tầng sử dụng nguồn vốn nhà nước đình trệ nhiều năm, thậm chí kéo dài thêm nhiều năm sau thời hạn phải đưa vào vận hành. Những năm gần đây, GPMB luôn là vấn đề được nêu ra trong những nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân đầu tư công đạt tỉ lệ thấp.
 

Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong và trạm biến áp 500kV Vân Phong đang được EVNNPT khẩn trương xây dựng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tại Nghị quyết 29/2021/QH15, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tại Công văn 5318/TTg-KTN ngày 1-8-2021, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án. Đồng thời, tại Nghị quyết 127/NQ-CP ngày 8-10-2021, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thành Đề án, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XV theo quy định. 
 
Tháng 10-2021, Bộ KHĐT đã gửi văn bản lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo khái quát một số nội dung liên quan đến việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (sau đây gọi là công tác GPMB) của các dự án đầu tư do Bộ, cơ quan, địa phương quản lý. Trong đó cần có đánh giá: Thực trạng về việc thực hiện công tác GPMB, đánh giá các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp đã ban hành trong thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đề xuất cơ chế, chính sách cho việc tách công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư (bao gồm: Tách công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư), đánh giá điểm mạnh, hạn chế của cơ chế, chính sách và phương án để khắc phục các hạn chế của chính sách. 
 
Đó là việc sẽ phải làm trong tương lai, còn đối với các Dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 thì không còn thời gian chờ đợi nữa. EVN cho biết, số tiền EVN phải trả cho chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong trường hợp chậm tiến độ Đường dây 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân  khoảng 10 tỉ đồng/ngày. Nếu qua tháng thứ 4 trở đi, số tiền phải trả là 20 tỉ đồng/ngày. Nếu tính gộp các chi phí phát sinh cộng với số tiền phạt trong 6 tháng đầu chậm tiến độ, EVN phải trả cho nhà đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Nếu quá 6 tháng mà đường dây 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân vẫn chưa hoàn thành, hợp đồng BOT Nhà máy nhiệt điện Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại Nhà máy này. Quan trọng hơn, các đối với các dự án có yêu cầu gấp về tiến độ nhằm giải tỏa công suất nhà máy điện sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cung cấp điện cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Thanh Mai