Lực lượng công an hướng dẫn công nhân các trạm biến áp về PCCC&CNCH.
Để diễn tập đạt hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị đang vận hành, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khảo sát hiện trường, lập kế hoạch, xây dựng phương án thực tập chữa cháy tại các trạm biến áp với tình huống sự cố cháy, nổ, tai nạn giả định sát thực tế và các yêu cầu, quy định về chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đối với từng trạm biến áp. Tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các trạm biến áp có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng PCCC cơ sở tại các trạm biến áp.
Phương án cứu nạn cứu hộ với tình huống giả định vào lúc 9h, do công trình lâu năm, kết cấu công trình bị yếu và dẫn đến sụp đổ tại khu vực văn phòng làm việc, trong quá trình sụp đổ một số dây điện bị đứt và chạm chập có nguy cơ gây cháy nổ. Khi xảy ra sự cố, lực lượng PCCC cơ sở nhanh chóng báo động, ngắt điện, toàn bộ khu vực, tập trung lực lượng cứu người bị nạn. Sau 3 phút, lực lượng PCCC cơ sở đã liên lạc với cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114.
Theo giả định, khi xảy ra sự cố có 15 nhân viên đang làm việc, trong đó hai người bị thương nặng do cấu kiện công trình sắp đè lên chưa cứu ra được. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã nhanh chóng đến hiện trường phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ.
Lực lượng PCCC chuyên nghiệp phối hợp cùng lực lượng PCCC tại chỗ xử lý tình huống.
Trong suốt quá trình xảy ra diễn tập, lực lượng PCCC chuyên nghiệp phối hợp cùng lực lượng PCCC cơ sở thực hiện đầy đủ các quy trình PCCC&CNCH như cắt điện, sử dụng phương tiện của cơ sở để tiếp cận người bị nạn, hướng dẫn cán bộ công nhân viên thoát ra nơi an toàn, tổ chức sơ cứu, kiểm tra số lượng người đã thoát ra ngoài. Đồng thời tổ chức cứu người bị nạn, chữa cháy, chống cháy lan. Sau đó, tập trung toàn bộ lực lượng cứu người bị nạn di chuyển ra vị trí an toàn.
Về phương án chữa cháy, máy biến áp 110 kV xảy ra sự cố gây cháy nổ, nhiệt lượng bức xạ của đám cháy tác động mạnh ra môi trường xung quanh. Khi xảy ra cháy, lực lượng PCCC cơ sở đã báo động, ngắt điện toàn bộ khu vực, triển khai lực lượng tại chỗ để chữa cháy và liên lạc với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114. Lực lượng PCCC chuyên nghiệp đã tổ chức cứu người bị nạn, khống chế đám cháy, chống cháy lan bằng các phương tiện vòi nước, bọt khống chế đám cháy và chống cháy cháy lan. Hai đơn vị cùng tập trung lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy, tiếp tục làm mát các khu vực đến nhiệt độ an toàn. Tổ chức khắc phục hậu quả sau khi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và rút kinh nghiệm trong xử lý tình huống.
Đưa người bị thương tới nơi an toàn (tình huống giải định).
Trước đó, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cũng phối hợp với Công ty Điện lực Lâm Đồng tổ chức Diễn tập phương án chữa cháy và phương án cứu nạn cứu hộ Trạm biến áp 110/22kV Đạ Tẻh cho cụm các Trạm biến áp 110kV Đạ Tẻh, trạm 110kV Lộc Châu (Bảo Lộc) và Trạm biến áp 110kV Bảo Lâm.
Diễn tập phương án chữa cháy và phương án cứu nạn cứu hộ tại các trạm biến áp 110kV là nhiệm vụ định kì để đảm bảo công tác PCCC&CNCH trong đơn vị. Đồng thời, cũng trong quá trình diễn tập nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ công nhân, đảm bảo hoạt động cung cấp điện ổn định phục vụ đời sống và sản xuất của địa phương.
Hướng dẫn công nhân ngành điện phương pháp sử dụng bình cứu hoả tại chỗ.
Việc thực tập định kì giúp người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác PCCC&CNCH, chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra tại trạm biến áp. Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành chỉ huy, chỉ đạo khả năng sẵn sàng chiến đấu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và công tác phối hợp tác chiến giữa lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng PCCC cơ sở cùng các lực lượng khác tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, trình tự xử lý thông tin triển khai lực lượng, kỹ năng vận hành phương tiện khi có tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), góp phần bảo đảm an toàn cho người và tài sản của ngành điện khi xảy ra sự cố.