Nhà máy điện mặt trời trên núi lớn nhất Thụy Sĩ đã được khởi công xây dựng tại một đập nước cao 2.500 m trên núi Alps. Ảnh: Reuters
Dự án nhà máy điện mặt trời công suất 2,2 megawatt do tập đoàn năng lượng Axpo của Thụy Sĩ và đối tác IWB đầu tư được đánh giá mang nhiều ý nghĩa về mặt môi trường. Đây là một phần trong kế hoạch của Thụy Sĩ nhằm bù đắp sản lượng điện thiếu hụt khi từ bỏ năng lượng hạt nhân, đồng thời phục vụ mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050.
Một khi hoàn thành, nhà máy Muttsee sẽ là nhà máy điện mặt trời trên núi lớn nhất Thụy Sĩ, với gần 5.000 tấm pin mặt trời với công suất khoảng 3,3 triệu kwh/năm. Vị trí trên núi sẽ giúp nhà máy điện Muttsee sản xuất được điện vào mùa đông khi ánh nắng mặt trời nhìn chung không đủ tại Thụy Sĩ. Các nhà máy điện mặt trời ở độ cao thấp hơn trong mùa đông thường chỉ đạt 1/4 sản lượng.
Tại Thụy Sĩ, mùa hè khô, mưa lớn và mùa đông ít tuyết là những hậu quả được dự báo của tình trạng ấm lên toàn cầu không kiểm soát.
Theo Chiến lược năng lượng 2050 của chính phủ, Thụy Sĩ có kế hoạch tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và hydro trong khi dần từ bỏ năng lượng hạt nhân, hướng tới mục tiêu tăng thêm 2 terawatt điện xanh trước năm 2040. Trong năm 2020, năng lượng hạt nhân tạo ra 1/3 sản lượng điện của Thụy Sĩ, trong khi năng lượng mặt trời chiếm 3,7% tổng sản lượng điện. Điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 60% toàn bộ điện tiêu thụ của Thụy Sĩ.
Theo: Báo Tin tức