Chú trọng đầu tư phòng tránh lũ cho hạ lưu
Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC), từ khi đưa vào vận hành thủy điện năm 2009, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn hồ đập, cấp nước cho hạ du, Công ty còn tích cực, chủ động xây dựng triển khai phương án phòng chống lụt bão cho mình và các vùng hạ du. Trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thông tin cảnh báo lũ ở huyện Đại Lộc.
Ông Lê Đình Bản – Phó Tổng Giám đốc AVC cho biết, để giúp nhân dân thuận tiện trong nhận biết tốc độ nước dâng, khu vực thấp – cao để phòng tránh lũ, đồng thời cung cấp thông tin cho các ban chỉ huy phòng chống lụt bão cơ sở huyện, xã thôn... Công ty đã lập quy hoạch và đầu tư hệ thống báo mức ngập vùng thấp thuộc lưu vực và hệ thống thông tin báo động, cảnh báo xả tràn hồ chứa. Hàng năm trước mùa mưa bão, công ty đều có kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc bổ sung thêm thiết bị nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống cảnh báo được hoạt động tốt nhất.
Đến nay, AVC đã xây dựng xong 72 cột mốc báo lũ cho 12 xã/thị trấn ven sông Vu Gia. Trang bị 212 radio, 201 loa cầm tay loại tốt để cấp cho trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, bí thư, chủ tịch UBND của 18 xã, thị trấn, cũng như ban phòng chống lụt bão và các đoàn thể và 20 trường học trên địa bàn huyện Đại Lộc, đồng thời cũng đã cấp gần 2.000 áo phao cho đội cứu hộ 161 thôn của 18 xã, thị trấn. AVC cũng xây dựng hệ thống loa cảnh báo từ xa (sử dụng nguồn năng lượng mặt trời) ở các điểm xung yếu nhằm cảnh báo kịp thời cho nhân dân.
Ngoài ra, thủy điện còn lắp đặt cả hệ thống camera theo dõi mực nước hồ có kết nối internet để bất cứ ai cũng có thể truy cập xem trực tuyến, đồng thời chủ động báo cáo bằng email, điện thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nắm bắt kịp thời mọi thông tin về lũ.
Nhiều cách làm hay
Theo ông Bản, hàng năm, AVC đã phối hợp với Ban Tuyên giáo huyện Đại Lộc và các huyện khác tổ chức nhiều hội nghị truyền thông phòng tránh giảm nhẹ thiên tai cho các tổ chức đoàn thể và các xã trong huyện. Thứ nhất, soạn thảo và ban hành tập tài liệu ảnh - dữ liệu công bố lưu vực, toàn bộ quá trình vận hành hồ chứa thủy điện A Vương cho các thôn, xã có căn cứ giám sát. Thứ hai, phổ biến các kiến thức liên quan đến sản xuất điện, vận hành hồ chứa; Quy trình vận hành liên hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2. Thứ ba, hướng dẫn cấp cứu người bị điện giật, hướng dẫn cách làm phao cứu sinh từ những vật dụng thông thường như vỏ chai nước bằng nhựa và các khuyến cáo trong phòng chống thiên tai bão lũ... Tất cả các hoạt động này đều có giáo cụ trực quan, tình huống cụ thể.
Ngoài ra, AVC đã xây dựng các phương án tuyên truyền hiệu quả như tổ chức diễn tiểu phẩm, cuộc thi tìm hiểu về giảm nhẹ thiên tai, đưa ra các sáng kiến, giải pháp ứng phó với thiên tai tại trường học, tại chợ... góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các em học sinh trong phòng tránh lũ lụt, mưa bão.
Năm 2014, ngoài việc cập nhật thông tin cho lãnh đạo huyện và nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia về biến đổi khí hậu, nhằm giúp đồng bào có biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Đặc biệt, để minh bạch thông tin trong vận hành, điều tiết hồ thủy điện, AVC đã mời đại diện của các đoàn thể như Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn TNCS HCM chia làm các tổ luân phiên nhau thường trực tại Đập dâng - tràn của nhà máy từ 15/9 đến 15/12 hàng năm, ăn ở cùng với các ca kíp vận hành để giám sát quy trình vận hành của hồ chứa. Những người này sẽ báo cáo thường xuyên cho lãnh đạo huyện và chính các địa phương nơi họ sinh sống.
Ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Trước đây, tổ chức Đảng, Chính quyền nói họ không tin vì cho rằng dự án do nhà nước phê duyệt nên phải bảo vệ, nhưng kể từ khi có sự tham gia giám sát thực tế của tổ giám sát thì người dân đã hiểu hơn về công tác điều tiết nước hồ thủy điện”. |