Phòng vận hành của nhà máy.
Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực bắc miền Trung với công suất lắp máy 320 MW. Tầm vóc công trình số 1 Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003 và bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - (EVN) làm chủ đầu tư (đại diện là BQLDA thủy điện 2) với kinh phí xây dựng lên đến 6.740 tỷ đồng. Công trình được UBND tỉnh Nghệ An cho phép gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình đa mục tiêu, thực hiện các nhiệm vụ chính: Phát điện hòa vào lưới điện quốc gia; Cung cấp nước sinh hoạt, SX và đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ du sông Lam. Hệ thống công trình đầu mối của nhà máy bao gồm: Hồ chứa (rộng 8.700 km2, lưu lượng bình quân đạt 134 m3/s, dung tích đạt 1,8 tỷ m3); Đập tràn (chiều cao 135 m, chiều dài mặt đập 480 m, vận hành bằng hệ thống xả tràn, được đóng mở bằng xilanh thủy lực với 6 cửa van cung có kích thước 10 x 11,5 m) và cửa nhận nước. Tuabin của 2 tổ máy phát điện là loại Francis trục đứng có công suất định mức 160 MW, tốc độ quay định mức 150 vòng/phút, đường kính bánh xe công tác là 4,65 m. Các tổ máy làm việc ở chế độ công suất hữu công, được điều chỉnh thông qua bộ điều tốc, thực hiện bằng cách nhập công suất đầu ra tại hệ thống máy tính phòng điều khiển...
Sau 6 năm triển khai xây dựng, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và CBCNV, ngày 10/4/2010, nhà máy thủy điện Bản Vẽ chính thức phát điện hòa vào mạng lưới điện Quốc gia trong sự hân hoan của tất cả mọi người. Thực hiện chủ trương của EVN về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tháng 4/2011, Cty Thủy điện Bản Vẽ được thành lập và chính thức tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Việc áp dụng chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi, sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh là tiền đề giúp Cty gặt hái thành công suốt 5 năm qua.
Đơn cử như năm 2015, trong bối cảnh tình hình thời tiết diễn tiến bất lợi, trên địa bàn thường xuyên xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình cao, lượng mưa ít, nhiều khu vực, vùng miền khô hạn dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Xác định “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên ngay từ đầu năm, lãnh đạo Cty đã chủ động khâu nối, phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và các ban, ngành chức năng cùng bàn bạc, thống nhất kế hoạch tưới tiêu.
Trong bối cảnh khủng hoảng chung, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 của nhà máy là tín hiệu rất đáng mừng (phát lên lưới điện quốc gia 493 triệu kWh/438 triệu kế hoạch, đạt 113% kế hoạch được giao). Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011, sản lượng phát điện hàng năm của Cty Thủy điện Bản Vẽ đều vượt kế hoạch đặt ra, công suất thiết kế tăng nhanh: Năm 2011 đạt hơn 1,1 tỷ kWh/435 triệu kWh (đạt 253%); năm 2012 đạt gần 1,3 tỷ kWh/656 triệu kWh (200%); năm 2013 là 1,220 tỷ kWh/1,037 tỷ kWh (118%); năm 2014 đạt hơn 1,115 tỷ kWh/951 triệu kWh (120%).
SX kinh doanh đạt hiệu quả cao nên đời sống của CBCNV và người lao động được đảm bảo, thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, Cty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế ngân sách cho tỉnh với số tiền 663 tỷ đồng và hơn 109 tỷ phí dịch vụ môi trường rừng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định, thủy điện Bản Vẽ góp phần phát triển CNH-HĐH đất nước, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng trong giai đoạn mới. Đối với địa phương, việc xây dựng nhà máy tạo bước đệm phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con.
Chủ động ứng phó thiên tai
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cách vị trí nhập lưu của nhánh sông Nậm Mô với sông Cả khoảng 20 km về phía thượng nguồn. Diện tích lưu vực tính tới tuyến đầu mối công trình là 8.700 km2, trong đó có 7.080 km2 thuộc địa phận nước bạn Lào, chiếm 80% diện tích lưu vực. Đơn vị cam kết thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả trong mùa lũ hàng năm của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1337/QĐ-TTg ngày 11/8/2014), qua đó đảm bảo nguồn nước cho mùa kiệt năm sau và thực hiện hiệu quả công tác chống lũ tiểu mãn, giảm lũ cho kho vực hạ du đến 70%.
Thống kê qua các năm vận hành, lưu lượng nước về hồ chứa trong thời kỳ mùa kiệt (từ tháng 1 đến tháng 6) là 66 m3/s, lượng nước xả từ hồ chứa xuống hạ lưu là 122 m3/s. Trên cơ sở phương án xả lũ được Bộ Công Thương phê duyệt, thủy điện Bản Vẽ luôn chủ động ứng phó các tình huống an toàn đập có thể xảy ra.
Trong trường hợp mưa lớn kéo dài, mực nước hồ dâng cao (lưu lượng đổ về từ 5.000 - 7.770 m3/s, tương đương lũ 0,1%) khiến cho nguồn điện lưới và điện tự dùng của nhà máy không thể hoạt động thì Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Thủy điện Bản Vẽ sẽ có thông báo, yêu cầu vận hành khẩn cấp các cửa xả tràn. Lệnh cho Trưởng ca chạy máy phát Diesel ở chế độ tự động để cấp điện tự dùng cho nhà máy, nếu chế độ vận hành tự động bị hỏng thì chuyển sang vận hành bằng tay, đồng thời kiểm tra lại mạch điện, đóng nguồn cấp ở hệ thống vận hành cửa xả. Gặp tình huống cửa xả bị kẹt, không nâng lên được, Ban chỉ huy sẽ điều động cán bộ kỹ thuật phân xưởng sửa chữa đến kiểm tra, đánh giá tình trạng thiết bị, cho tổ máy phát điện hoạt động với công suất tối đa và mở các cửa van còn lại với mức độ phù hợp. Nếu tình hình thuỷ văn diễn biến xấu (lưu lượng lũ về ≥ 7.770 m3/s), công tác xả lũ qua 5 cửa xả không đảm bảo thì đơn vị sẽ báo cáo sự việc cho Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Nghệ An và Hà Tĩnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TCty Phát điện 1, nhà máy Nậm Nơn, thuỷ điện Khe Bố và chính quyền địa phương để có phương án di dời dân cư khỏi khu vực nguy hiểm.
"Để phục vụ cho dự án thủy điện Bản Vẽ, có tổng cộng 3.022 hộ thuộc 9 xã của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn phải tiến hành di dời đến khu vực TĐC mới ở huyện Thanh Chương. Về công tác di dân TĐC, xuất phát từ lý do khách quan, bà con mới đầu chưa quen với phong tục, tập quán của người miền xuôi, cộng với việc thiếu hụt trầm trọng đất SX nông nghiệp nên quá trình hòa nhập diễn ra tương đối chậm, nhiều hộ bỏ vùng đất mới để quay về lòng hồ kiếm kế sinh nhai. Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương đã tập trung cả hệ thống chính trị, phối hợp sát sao với đơn vị chủ quản, nỗ lực vận động, tuyên truyền đến người dân nên tình hình dần có sự chuyển biến", ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. |