Ảnh: Báo Công thương.
Đóng góp 10% sản lượng điện
Đóng vai trò là “anh cả” trong 5 công trình thủy điện trọng điểm trên sông Đà, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Thủy điện Sơn La đã trở thành đơn vị phát điện lớn, giữ vai trò quan trọng trong cung cấp điện năng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.
Từ khi phát điện đến ngày 31/8/2015, sản lượng điện phát của công ty đạt 34,969 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công ty còn giữ vai trò quan trọng trong việc vận hành điều tiết nước hồ chứa, góp phần chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ.
4 năm qua, với nhiệm vụ vừa xây dựng lực lượng vừa giám sát, lắp đặt công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu, kiện toàn bộ máy tổ chức; quản lý và vận hành nhà máy, công ty đã cung cấp điện ổn định và an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Sơn La còn có nhiệm vụ ổn định chất lượng điện áp, tần số của hệ thống điện quốc gia đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn nước phù hợp với tình hình thủy văn để phát điện và tưới tiêu cho hạ du; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương điều tiết hồ chứa nhằm cắt lũ trong mùa mưa và xả nước phục vụ tưới tiêu cho đồng bằng Bắc bộ trong mùa kiệt theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Chính phủ phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du hồ chứa. Hàng năm, công ty báo cáo kết quả quan trắc đánh giá tình trạng an toàn ổn định đập trước hội đồng khoa học và công nghệ về an toàn ổn định hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đà của Bộ Khoa học và Công nghệ; được hội đồng đánh giá cao về chất lượng báo cáo cũng như bảo đảm điều kiện an toàn tích nước hàng năm.
Công ty cũng thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Lũy kế từ khi phát điện đến 31/7/2015, công ty đã đóng góp 4.030,2 tỷ đồng cho thuế tài nguyên; 668,741 tỷ đồng cho thuế VAT và thuế môi trường rừng.
Không những hoàn thành nghĩa vụ với địa phương, những người thợ trên Công trình Thủy điện Sơn La đã và đang tiếp tục hoàn thành mục tiêu đưa Công trình Thủy điện Lai Châu – bậc thang cuối cùng trên dòng sông Đà đi vào vận hành. Hiện tại, toàn bộ nhiệm vụ tư vấn giám sát, đồng bộ vật tư thiết bị, thẩm định bản vẽ thiết kế thi công của các nhà thầu, bản vẽ biện pháp thi công của đơn vị thi công trên Công trường Thủy điện Lai Châu đang được các kỹ sư, công nhân của Công ty Thủy điện Sơn La thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng lòng hồ
Sau một thời gian tích nước để phục vụ vận hành 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La, hồ tích nước trên thượng nguồn sông Đà đã trở thành “biển hồ” lớn nhất Tây Bắc, giáp ranh 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Dù mới tích nước được vài năm, thế nhưng, hàng chục hợp tác xã, hàng trăm làng chài… đã được mọc lên, gắn kế sinh nhai với lòng hồ - một điều chưa từng xảy ra ở nhiều vùng Tây Bắc, trước khi dự án Thủy điện Sơn La được xây dựng. Nhiều dự án nuôi trồng thủy sản đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.
Cách không xa đập thủy điện là một trại cá có quy mô công nghiệp. Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cá tầm Sơn La (thuộc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam) - cho biết: Chúng tôi nuôi cá tầm Beluga, loại cá quý. Hồ này nuôi 35.000 con thì chúng tôi có 77 con Beluga loại trên 30 kg và 1.000 con Beluga nhỏ. Beluga là loại cá tầm thuần chủng, có nguồn gốc thiên nhiên được Tập đoàn Cá tầm Việt Nam nhập từ nước ngoài về những năm 2010 - 2011. Loại cá này, nếu thu được trứng, có giá bán trên thị trường 7.000 - 8.000 USD/kg và thịt 15 - 20 USD/kg. Cá tầm Beluga rất thích hợp với điều kiện tại lòng hồ Sơn La.
Đánh giá cao mô hình nuôi cá tầm của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch UBND huyện Mường La - Sơn La thông tin: Tỉnh đang chuẩn bị lập đề án, đề xuất Bộ Kế hoạch & Đầu tư tài trợ nuôi 1.000 lồng cá tầm trên hồ Thủy điện Sơn La. Dự kiến mỗi lồng được đầu tư 180 triệu đồng, ngân sách cấp đầu tư qua mô hình hợp tác xã và người dân chỉ phải đóng góp một phần vốn đối ứng. Con giống, thức ăn sẽ do Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cung ứng. Người dân trực tiếp nuôi loại cá này, theo quy trình được các kỹ sư của ngành thủy sản hướng dẫn. Bên cạnh đó, một công ty cổ phần sẽ ra đời để điều hành việc kinh doanh cá tầm.
Ngoài nuôi thủy sản, phát triển du lịch lòng hồ Sơn La là một trong những hướng đi chủ đạo. Không lãng mạn, thơ mộng như Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt hay lặng lẽ, êm dịu như hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, hồ Thủy điện Sơn La mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ như thiên nhiên và con người Tây Bắc. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời ẩn hiện trên những dãy núi, những đám mây còn e ấp trên những ngọn đồi, thì nhịp sống trên hồ đã bắt đầu tự bao giờ. Nước, núi và con người hòa quyện, hiện ra dưới cái nắng ban mai. Chỉ cần nhìn thôi, bạn cũng đã cảm thấy cái không khí mát lạnh, trong lành đang lấp đầy cơ thể. Một không gian rộng lớn, mờ ảo trong cái hừng đông khiến cho ta nhỏ bé trước thiên nhiên Tây Bắc.
Ngoài ra, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, du lịch văn hóa cộng đồng bản làng người Thái, Mường, H’Mông, Dao, Khơ Mú... đang được chú trọng trong phát triển du lịch Sơn La.
Dòng sông Đà nổi tiếng hung hãn mỗi mùa mưa lũ giờ đây đang khuất phục dưới bàn tay con người với hàng triệu kWh điện được phát lên hệ thống điện quốc gia. Với 5 bậc thang thủy điện bao gồm: Thủy điện Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu và đặc biệt là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - Thủy điện Sơn La, dòng sông Đà đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng… |