Tin trong nước

Trộm cắp điện: Vi phạm nhiều, xử lý không dễ...

Thứ sáu, 11/9/2015 | 09:25 GMT+7
Vì muốn dùng điện “chùa”, nhiều hộ gia đình đã bất chấp nguy hiểm, cố tình vi phạm pháp luật để thực hiện hành vi trộm cắp điện. Những trường hợp này không chỉ làm thất thoát tài sản ngành Điện, mất công bằng trong việc sử dụng điện của người dân mà nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến hỏng lưới điện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đe dọa tính mạng con người. 

Trộm cắp điện bằng cách câu móc trực tiếp vào lưới điện trước công tơ.
 
Số vụ trộm cắp điện hiện đang gia tăng từng ngày, với nhiều hình thức tinh vi. Địa bàn quản lý càng rộng thì  việc kiểm soát nạn trộm cắp điện càng khó khăn hơn.
 
Nguy hiểm khó kiểm soát
 
Mới đây, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) phát hiện nhà ông N.T. (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có hành vi ăn cắp điện bằng máy tạo dòng. Qua kiểm tra, PC Đồng Nai đã truy thu, buộc gia đình ông T. phải nộp hơn 33 triệu đồng.
 
Ông Đỗ Xuân Tâm, Phó giám đốc PCĐồng Nai, cho biết: “Hành vi trộm cắp điện ngày càng nhiều và phức tạp, chủ yếu là các hộ dân trộm cắp điện dùng trong sinh hoạt hàng ngày, với các thủ đoạn, như: câu móc trực tiếp, khoan lỗ đồng hồ điện, gắn nam châm, phá chì công tơ, thay thế bánh nhông, sử dụng máy tạo dòng, đục cáp muller... Nạn trộm cắp điện có thể làm ngành Điện mất hàng tỷ đồng mỗi năm, bởi không chỉ giá trị điện năng bị mất mà doanh nghiệp còn phải tốn chi phí để đầu tư thêm thiết bị, cải tạo, sửa chữa mạng lưới điện...”.
 
Các hộ dân trộm điện có thể sử dụng điện “chùa”, nhưng họ không lường trước được hậu quả có thể xảy ra cho chính bản thân và các hộ khác.   
Trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai đã phát hiện 223 trường hợp trộm cắp điện, truy thu hơn 746 ngàn kWh với số tiền tương ứng khoảng 2,1 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Xuân Tâm, Phó Giám đốc PC Đồng Nai, tình trạng trộm cắp điện gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ cho nguồn điện năng của Nhà nước, mà còn có thể gây mất an toàn lưới điện, dễ dẫn đến cháy, nổ. Do đó, pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với các hành vi trộm cắp điện, đối với người dân cần có ý thức cao trong việc sử dụng điện Nhà nước.
 
 
Trước hết, việc trộm cắp điện sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng điện ở khu vực nguồn điện bị trộm, bởi khi lượng điện dùng quá mức cho phép sẽ khiến công suất điện bị quá tải, dẫn đến chất lượng điện cung cấp yếu. Nguy hiểm hơn, nó còn gây mất an toàn điện lưới, chập điện, nổ đường dây bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Bất kể hành vi ăn cắp điện nào cũng  đều nguy hiểm. 
 
Chế tài chưa sát thực tế

Để ngăn chặn nạn trộm cắp điện, PC Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Tuy nhiên hình thức phạt tiền, buộc các hộ vi phạm nộp số tiền truy thu vẫn chưa đủ sức răn đe; có hộ chịu nộp tiền, có hộ cố tình không chấp hành. Thông thường, các trường hợp bị phát hiện trộm cắp điện thì số tiền phạt trong khoảng từ 2 đến 50 triệu đồng với số lượng điện trộm cắp dưới 20 ngàn kWh. Nhiều trường hợp mức phạt tiền cho hành vi này lại không bằng số lượng điện năng bị trộm và thời gian sử dụng điện gian lận của người vi phạm.
 
Đáng nói là, trộm cắp điện cũng là hành vi trộm cắp tài sản, nhưng việc xử lý hình sự hành vi này còn nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật. Trường hợp trộm cắp điện từ 20 ngàn kWh trở lên, để xử lý về tội trộm cắp tài sản cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi, điện năng là tài sản vô hình, việc đo đếm cụ thể số lượng không dễ.
 
Sử dụng máy tạo dòng để trộm cắp điện.
 
Theo quy định của Thông tư 27/2013/TT-BCT ban hành ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương  quy định về kiểm tra hoạt động Điện lực và sử dụng điện, trường hợp không xác định được thời điểm trộm cắp điện thì thời gian vi phạm, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện để tính bồi thường thiệt hại là không quá 12 tháng. Giả sử, trường hợp trộm cắp điện trong thời gian 2 năm thì số ngày tính bồi thường tối đa cũng chỉ 12 tháng. Điều này sẽ làm cho ngành Điện chịu nhiều thiệt hại khi mức truy thu không sát với thực tế diễn ra hành vi.
 
Trường hợp kiểm tra phát hiện số lượng điện bị trộm cắp đủ truy cứu hình sự thì việc xử lý cũng không dễ, bởi với các hành vi như: gắn nam châm, câu móc trộm điện rất khó xác định được đối tượng thực hiện, bằng chứng lại dễ phi tang vì việc trộm cắp có khi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian  ngắn vào ban đêm. 
 
Như vụ xử lý vi phạm đối với hành vi gắn nam châm lên đồng hồ do ông N.S. (ngụ phường Long Bình) quản lý vào năm 2011 là ví dụ điển hình. Theo đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, qua giám định thì số lượng điện năng bị mất hơn 200 ngàn kWh, tương đương số tiền hơn 400 triệu đồng. Nhưng để xử lý hình sự vụ này lại không đơn giản. Trải qua gần 4 năm thụ lý, hiện cơ quan công an đã có kết luận điều tra và chỉ đề nghị xử lý bằng vụ kiện dân sự vì không xác định được đối tượng đặt nam châm, không xác định được thời gian trộm cắp điện nên chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án.
 
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trộm cắp điện, hiện ngành Điện Đồng Nai đã có nhiều biện pháp, từ việc thường xuyên kiểm tra, trao thưởng tiền cho những cá nhân báo tin về hành vi trộm cắp điện, cho đến việc tuyên truyền cho người dân hiểu về những nguy hiểm mà việc trộm cắp điện có thể gây ra. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân về việc sử dụng và bảo vệ nguồn điện quốc gia.
 
Thiên Quyết