Nhà máy thủy điện Sơn La về sớm hơn 3 năm (trong ảnh là thời điểm hòa lưới tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng hôm 26.9).
Thủy điện Sơn La, công trình trọng điểm quốc gia, là bậc thang thứ hai trên dòng chính sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW), có công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong, H.Mường La, Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hằng năm là 10,2 tỉ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Dự án được khởi công vào năm 2005. Tổ máy đầu tiên hòa lưới thành công vào ngày 17.12.2010. Tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2, 3, 4 đã được đưa vào vận hành an toàn trong năm 2011. Đến nay, 6 tổ máy của nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định, an toàn. Sản lượng điện toàn nhà máy đạt hơn 12 tỉ kWh. Riêng tổ máy 6 cũng cán đích trước 3 tháng, hòa lưới vào ngày 26.9, so với mục tiêu ban đầu là cuối năm nay.
Ông Phạm Hồng Hà - Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu, tính toán, chỉ riêng việc phát điện toàn bộ 6 tổ máy trước mục tiêu do Quốc hội đề ra 3 năm đã làm lợi cho đất nước khoảng 20.000 tỉ đồng.
Tính cho đến thời điểm này thì thủy điện Sơn La là công trình điện đầu tiên của cả nước vượt tiến độ. Có được điều đó, phải kể đến sự đầu tư nguồn lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có việc ưu tiên vốn. Nhưng hơn cả vẫn là nhờ một đội ngũ nhân lực hùng hậu, trong đó có những người thợ lắp máy Liama có đủ trình độ kỹ thuật, giàu kinh nghiệm và tâm huyết đã làm chủ những cỗ máy chính - quyết định nên sự thành công này.
Ông Nguyễn Thế Trinh, chỉ huy thi công lắp máy công trình nhà máy thủy điện Sơn La, Công ty cổ phần Lilama 10, cho biết, vì mục tiêu phát điện tổ máy 6, hơn 500 cán bộ, kỹ sư công nhân kỹ thuật đã làm việc ngày đêm trên công trường trong nhiều tháng qua. Hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lắp đặt thiết bị công nghệ cao đã được áp dụng, vận hành thành công.
Trực tiếp tư vấn, kiểm tra và thẩm định chất lượng công trình, ông Bùi Thắc Khiết, thành viên hội đồng nghiệm thu công trình thủy điện Sơn La khẳng định, ngoài những cái được kể trên, còn rất nhiều những cái được đáng ghi nhận ở công trình này. Ví như việc góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam khi sử dụng thiết bị thủy công, cẩu trục lớn. Thủy điện Sơn La còn là nơi đào tạo đội ngũ nhân lực cơ khí, lắp máy và vận hành các công trình điện.
Ông Bùi Thắc Khiết phân tích: “6 tổ máy là 2.400 MW - là rất lớn nên ý nghĩa trước tiên là đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống, thứ 2 là giá thành của thủy điện là rất rẻ, nên góp phần làm cho giá thành điện rẻ hơn. Thứ 3 nữa là thủy điện có tính cơ động rất cao, có thể đóng rất nhanh, giúp cho việc điều độ hệ thống tốt hơn…”.
Thủy điện Sơn La đã hoàn thành vượt tiến độ, nhiều bài học kinh nghiệm quý giá đã và đang được đúc kết để áp dụng vào thủy điện Lai Châu, dự án thủy điện lớn cuối cùng trên dòng chính Sông Đà. Những cán bộ từng quản lý dự án thủy điện Sơn La nay lại tiếp tục đi thêm hơn 200 km vào xây dựng thủy điện Lai Châu để từ nơi cuối trời Tây Bắc, dòng điện sẽ lan tỏa phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Đào hố móng nhà máy năm 2007.
Mẻ bê tông đầm lăn đầu tiên tại Sơn La tháng 7.2007.
Đêm trên công trường, nhờ thi công thần tốc mà nhà máy đã về trước hạn 3 năm.
Lắp đặt tổ máy 6, tổ máy cuối cùng của thủy điện Sơn La tháng 7.2012.
Toàn cảnh đại công trường.
Theo: Thanh niên