Sự kiện

An ninh năng lượng để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh

Thứ hai, 3/12/2012 | 09:39 GMT+7
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với định hướng “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ, giảm dần lượng than xuất khẩu và nhập khẩu số lượng than hợp lý, kết nối với hệ thống năng lượng của các nước láng giềng”.
 

Doanh nghiệp tiên phong

Góp vào chiến lược tăng trưởng xanh là công việc thường xuyên của chính doanh nghiệp ở ngay nơi sản xuất kinh doanh, đầu tư và sử dụng các tài sản, phương tiện có hiệu quả, đó là hành động thiết thực của mỗi người lao động sau khi chuyển đổi từ nhận thức tự giác sang bắt buộc. Sử dụng năng lượng có hiệu quả theo hướng giảm các chi phí trên giá thành sản phẩm, chú trọng giảm tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu là tiêu chí xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp công nghiệp. Các doanh nghiệp đều nỗ lực áp dụng kinh nghiệm sản xuất sạch hơn để theo kịp với “tiêu chuẩn xanh” trên từng sản phẩm, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu, phấn đấu đạt nhãn “Xanh” để vào thị trường các nước có nhu cầu tiêu dùng lớn, hàng rào kĩ thuật nghiêm ngặt. Ví dụ, Thụy Điển khi nhập máy móc thiết bị đòi hỏi bên bán phải chứng minh giảm 20% năng lượng so với máy móc đang sử dụng, Mỹ cấm nhập sản phẩm gỗ ở rừng tự nhiên, hay bột giấy phải chứng minh ít nhất là 70% đã tái chế...

Chiến lược của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực về chất lượng đầu vào, trong đó cạnh tranh về giá năng lượng, nhân công, thuế tài nguyên và môi trường sẽ không còn là lợi thế như những năm qua. Do vậy, an ninh năng lượng không phải là chiến lược của riêng quốc gia, của một ngành mà là của mỗi doanh nghiệp. Lộ trình đổi mới công nghệ toàn diện làm tăng chi phí đầu tư nhưng sẽ gia tăng những lợi ích về giảm tiêu hao năng lượng, tăng chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã tiên phong, nhưng đa số vẫn mang tư duy kiểu đầu vào tăng thì đầu ra tăng! Tư duy đó khó mà phát triển bền vững, bởi khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, trả giá cho quá trình chậm chuyển đổi công nghệ sẽ làm mất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Lỗi thuộc về chính doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khai thác chế biến nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã nhìn thấy những khó khăn về trữ lượng trong nước giảm, đẩy giá thành sản phẩm cao và hạn chế sản lượng. Việc tận thu tài nguyên, chế biến sâu sản phẩm, lập kho dự trữ tài nguyên, tăng đầu tư ra nước ngoài khai thác năng lượng là một giải pháp chiến lược an ninh năng lượng, kết nối hội nhập để phát triển bền vững. Những dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai,... là những bước đi tích cực nhiều hứa hẹn. Theo cách đó, chúng ta cần tính đến việc đầu tư ra nước ngoài những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, hóa chất, khai khoáng... mà doanh nghiệp trong nước có bề dày kinh nghiệm.

Chiến lược an ninh năng lượng và Chiến lược tăng trưởng xanh vừa song hành, vừa lồng ghép vào nhau trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Phương pháp xây dựng kế hoạch hành động là hài hòa, không làm ảnh hưởng các mục tiêu của nhau. Chiến lược tăng trưởng xanh ở một phạm vi rộng hơn với nhiều mục tiêu đa ngành, chiến lược an ninh năng lượng là chiến lược ngành cụ thể nhưng cả hai đều thể hiện ở doanh nghiệp. Doanh nghiệp là bộ phận tiên phong nhất vì nó thiết thực với lợi nhuận sản xuất kinh doanh và tác động đến xã hội, doanh nghiệp là nơi dẫn dắt và hướng dẫn người dân - người lao động thực hiện.

Người dân là nòng cốt

Ở khu vực sản xuất công nghiệp dịch vụ và đô thị, người dân hành động vì an ninh năng lượng chính là áp dụng ngay những biện pháp tiết kiệm năng lượng trong tiêu dùng ở nơi làm việc cũng như ở gia đình. Những ghi chép về mức độ sử dụng năng lượng cho thấy việc tiêu dùng đã tiết kiệm chưa? Ví dụ, ở một số thành phố nước ngoài, người ta vận động cách luộc trứng sử dụng đúng mức nước, cách dùng vòi sen tắm thay cho bồn, tái sử dụng nước cho tưới cây trồng, phổ biến các mô hình ngôi nhà sử dụng năng lượng tái tạo, rác tự hủy,... đã thực sự mang lại hiệu quả. Tiếp nhận thông tin và truyền bá thông tin về sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm, các biện pháp bảo vệ môi trường để đóng góp vào đô thị xanh phải trở thành hành động thường xuyên. Khi mà mọi người có thái độ đối xử với nơi công cộng được sạch như nhà mình là một bước cải thiện lớn về môi trường đô thị. Kinh nghiệm ở các quốc gia tiên tiến cho thấy, thái độ ứng xử, bảo vệ thiên nhiên của người dân là nòng cốt của phát triển bền vững, ở đó người dân bảo vệ từng thảm cỏ, cây xanh, tự quản môi trường ngay từ đứa trẻ mới tập đi.

Ở khu vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, người dân rất cần áp dụng công nghệ canh tác xanh, hạn chế sử dụng năng lượng điện, than, dầu, tăng cường sử dụng năng lượng tự nhiên có khả năng tái tạo. Ví dụ như áp dụng canh tác giảm hoặc không dùng phân vô cơ, hóa chất, chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo như ánh sáng mặt trời, gió, năng lượng sinh học từ phụ phẩm nuôi trồng.

Xu hướng đô thị hóa nông thôn đang có nhiều tác động tiêu cực, các thế hệ sau đã quên, không muốn áp dụng công nghệ truyền thống tích cực mà chuyển sang các công nghệ mới tiêu tốn nhiều năng lượng, hủy hoại môi trường như lạm dụng hóa dược không rõ nguồn gốc trong canh tác, đánh bắt thủy hải sản bằng điện và hóa chất, đi theo xu hướng nhà ở và lối sống “rác” đô thị đã làm mất cân bằng sinh thái, lãng phí tài nguyên thiên nhiên,... cần được tuyên truyền để thay đổi nhận thức, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hiện đang phải trả tiền giá cao, duy trì những kinh nghiệm truyền thống tích cực, áp dụng công nghệ “năng suất xanh”.
 
Tạp chí Công nghiệp