Tin trong nước

Thủy điện nhỏ phải được quản lý chặt chẽ

Thứ sáu, 6/10/2017 | 18:03 GMT+7
Bộ Công thương cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng năng lượng các nước ASEAN tổ chức mới đây đã công nhận thủy điện nói chung, thủy điện nhỏ nói riêng là nguồn năng lượng tái tạo.

Ảnh minh họa.
 
Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ để thủy điện thực sự là nguồn năng lượng sạch và tái tạo. 
 
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, sau khi rà soát Quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ đã loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp, tương ứng khoảng 2.044 MW công suất) do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội... Theo đó, tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản đã được quy hoạch (đạt đến 95,3% tổng công suất tiềm năng kinh tế). Các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 86,1% công suất quy hoạch. Hiện nay, cả nước còn 316 dự án đã quy hoạch (tổng công suất khoảng 3.443 MW) chưa thực hiện đầu tư, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ (303 dự án, công suất 2.731 MW).
 
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cùng với việc rà soát các dự án thủy điện trong Quy hoạch, Bộ Công thương cũng đã ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ các tiêu chí về ảnh hưởng môi trường - xã hội, diện tích chiếm đất, lựa chọn chủ đầu tư hay công tác lập và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện... nhằm quản lý, phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện ở Việt Nam. Ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ.
 
"Thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu là trong quá trình xây dựng và vận hành làm sao tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như đảm bảo các thông tin, phối hợp với địa phương trong quá trình thông tin về mưa lũ, rồi trong quá trình vận hành phát điện phải phối hợp rất tốt thì mới làm tốt được. Một việc nữa là giữa các chủ đầu tư, trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư đối với cộng đồng dân cư địa phương các vùng bị ảnh hưởng phải được nâng cao hơn nữa, có thể hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, đời sống.. nhưng quan trọng vẫn là tuân thủ và trách nhiệm".
 
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nếu quản lý tốt, thủy điện nhỏ sẽ cho các hiệu quả về phát điện gắn với sử dụng tốt nguồn nước cho sinh hoạt và đời sống dân sinh. Ông Nguyễn Văn Cao chia sẻ kinh nghiệm quản lý tại 6/13 dự án thủy điện nhỏ đã đi vào hoạt động của tỉnh này.
 
"Thứ nhất là trong việc quản lý nguồn nước thì có 2 việc cần quan tâm. Quan trọng nhất là quản lý về mùa bão lụt, tức là phải có quy trình vận hành hồ chứa phù hợp và phải kiểm soát được việc thực hiện theo quy trình này. Chúng tôi có hệ thống quản lý xả lũ bằng camera truyền tín hiệu trực tiếp về ban phòng chống bão lụt hoặc để quan sát các thông tin liên lạc mỗi khi xả lũ và mùa lũ thì chủ tịch tỉnh có quyền điều hành hoàn toàn việc xả lũ. Thứ 2 là chúng tôi cũng có tính toán nguồn nước ở các hạ lưu và nguồn nước cần thiết cho nông nghiệp cho nên đến mùa hạn thì chúng tôi chủ động có kế hoạch phối hợp để phát điện cho phù hợp với tưới tiêu nước. Chỉ có 1 điều, muốn làm tốt việc đó thì cần có sự hỗ trợ của EVN. Tức là trong mùa lũ lụt thì phải ưu tiên cho các vùng có đập thủy điện tham gia vào cắt lũ là được phát điện để khỏi phải xả nước tràn, như vậy thì sẽ đảm bảo cho việc đỡ phải xả tràn trong công tác thoát lũ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch về thủy điện vừa và nhỏ, theo thiết kế có 22 dự án, nhưng sau khi rà soát chúng tôi đã giữ lại chỉ còn 13 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang trong giai đoạn đầu tư và phát triển. Qua quá trình làm thì chúng tôi thấy rằng đây là nguồn năng lượng tái tạo hết sức quan trọng. Nếu làm tốt sẽ cho rất nhiều lợi ích".
 
Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương, tính đến giữa năm 2017, toàn quốc có 330 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 194 công trình thủy điện nhỏ (có công suất lắp đặt đến 30MW) có hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Hầu hết các chủ đập thủy điện nhỏ đều có ý thực thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác vận hành, quản lý an toàn đập. Nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa. Phần lớn các nhà máy thủy điện nhỏ không có cán bộ chuyên môn về thủy công, khí tượng thủy văn nên việc triển khai các quy định về quản lý an toàn đập chưa được đầy đủ. PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, thủy điện và thủy lợi nhiều khi xung đột về lợi ích ghê gớm, cho nên nó gắn với công tác quy hoạch tốt hay không.
 
Trước ý kiến cho rằng, xác định thủy điện nhỏ là nguồn năng lượng tái tạo, liệu Bộ Công thương – cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này có xem xét gia tăng các dự án thủy điện không, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, tuân thủ các quyết định của Chính phủ và Quốc hội về việc ngừng triển khai 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã quy hoạch trước đây và tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý hiệu quả các dự án hiện có. "Cho đến thời điểm hiện nay thì chúng ta cũng chưa cân nhắc xem xét lại việc có cho phát triển lại 468 dự án này nữa không vì tính hiệu quả của các dự án không cao".
 
Các khuyến nghị để quản lý vận hành các công trình thủy điện nhỏ và vừa trong thời gian tới cũng đã được đưa ra. Theo đó, phải tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường. Quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công, đặc biệt là đối với các dự án do tư nhân làm chủ đầu tư. Thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, các cam kết đảm bảo môi trường... theo quy định của  pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện một cách bền vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; giữa yêu cầu về phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các qui định liên quan đến đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện để đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Nguyên Long/Icon.com.vn