Đảo Trường Sa lớn là điểm tựa vững chắc nơi phên dậu Tổ quốc, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Với số lượng ngày nắng nhiều quanh năm, các điểm đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 được coi là tiềm năng cho việc phát triển điện năng lượng Mặt Trời.
Việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu sản lượng điện mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững vùng biển, đảo Trường Sa.
Nỗ lực cấp điện 24/7
Theo ông Đinh Thế Phúc, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mặc dù, trong điều kiện vô cùng khó khăn về khoảng cách địa lý, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, song những năm qua, Công ty Điện lực Trường Sa, Công ty Điện lực Ninh Thuận Hải quân đã từng bước cải tạo nâng cấp, đầu tư mở rộng hệ thống năng lượng sạch; tổ chức quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành toàn bộ hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hoạt động liên tục, ổn định.
Đến nay, việc cung cấp điện trên nhiều điểm đảo hoạt động ngày càng tốt hơn, ngành điện cũng đã bố trí công nhân tại từng điểm đảo, nhà giàn, cập nhật thông tin các chỉ số đo đếm được; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục lỗi trong hệ thống điện và định kỳ thực địa kiểm tra tại các điểm đảo.
Đặc biệt, tại đảo Đá Đông A, có thời điểm trải qua mưa bão kéo dài liên tục một tuần nhưng vẫn đảm bảo điện tối thiểu cho các hoạt động trên đảo.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đảo tuy chưa đạt công suất cấp điện sạch 24/24 nhưng vẫn đảm bảo cung cấp điện 6-8 giờ/ngày cùng với điện dự phòng.
“Trước mắt, ngành điện sẽ sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng để đến năm 2025 toàn bộ hệ thống điện năng lượng sạch có thể cung cấp 24/24 trên toàn điểm đảo và nhà giàn DK1.
Mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đến năm 2026, toàn bộ hệ thống điện năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa sẽ có dự phòng lên đến 36 giờ,” ông Phúc chia sẻ.
Trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống điện năng lượng sạch tại đảo Đá Đông A từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Ngọc Ngần cũng khẳng định hệ thống điện năng lượng mặt trời được EVN lắp đặt mới đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho quân nhân trên đảo rất nhiều so với việc sử dụng máy nổ chạy dầu chạy dầu diesel trước đây.
“Đặc biệt, việc nâng cấp hệ thống năng lượng sạch theo tiêu chuẩn mới không chỉ đảm bảo cung cấp và lưu trữ lượng điện phục vụ 24/24 trong sinh hoạt, học tập hàng ngày trên toàn cụm đảo mà trong trường hợp nhiều ngày không nắng, không gió lượng điện tích lũy vẫn đảm bảo cung cấp cho sử dụng cùng hệ thống điện dự phòng,” anh Ngần chia sẻ.
Theo anh Ngần, quá trình vận hành hệ thống điện nơi đầu sóng ngọn gió thường xuyên phải hứng chịu dông bão khắc nghiệt; một phần do ảnh hưởng của khí hậu biển, các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí cao, gây nhiều nguy cơ cho việc vận hành hệ thống điện.
Các cán bộ, chiến sỹ quân chủng hải quân luôn vững vàng, bảo vệ bình yên nơi biển đảo, để quần đảo Trường Sa là điểm đến an nhiên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Để đảm bảo hệ thống điện được vận hành tốt, anh Ngần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu các thiết bị điện; dự báo cáo tình hình cung cấp và sử dụng điện trong toàn hệ thống…
“Điều tôi mong nhất là các cơ quan tiếp tục phối hợp đầu tư trang thiết bị tốt nhất, lắp đặt thêm hệ thống điện tương thích, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng trên đảo hiện nay.
Việc đảm bảo nguồn điện tốt không chỉ là nguồn động viên mà còn nâng cao ý chí quyết tâm của những người lính đang canh giữ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc thân yêu,” anh Ngần khẳng khái nói.
Trên chuyến hành trình bảy ngày đêm trên biển, đảo Song Tử Tây, Colin, Sinh Tồn, An Bang, Đá Đông, Đá Tây A, Trường Sa, nhà giàn DK1-20, các nhân viên Công ty Điện lực Ninh Thuận, Điện lực Trường Sa đã hoàn thành công tác khảo sát, kiểm tra toàn bộ hệ thống điện năng lượng sạch trên các điểm đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa.
Từ kết quả bước đầu, anh Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận, cho biết năm 2024 tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa sáu công trình trạm năng lượng sạch cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 với tổng mức đầu tư 88,7 tỷ đồng; trong đó, tập trung cải tạo đổi mới công nghệ hoàn toàn cho hệ thống năng lượng sạch tại 11 điểm đảo và bốn nhà giàn DK1; đồng thời, thay mới những bình ắc quy không còn lưu trữ điện và thay sạc FM80, Inverter hỏng tại tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK1.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực triển khai nhanh và quyết tâm hoàn thành trong quý 4 năm 2024 và khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp điện liên tục tối thiểu 24 giờ trong điều kiện không nắng, không gió cho tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK1.
Năm 2025 tiếp tục đầu tư hơn 180 tỷ đồng để đổi mới công nghệ và năm 2026 sẽ tiếp tục đầu tư hệ pin lưu trữ để đạt mục tiêu cấp điện liên tục 36 giờ trong mọi điều kiện thời tiết,” anh Kha cam kết hoàn thành trước tiến độ.
Nâng cao đời sống nơi đảo xa
Đón đoàn công tác Quân chủng Hải quân, ngành điện và ngành y tế ra thăm hỏi, động viên dịp này, ngoài cán bộ chiến sỹ còn có các hộ gia đình, xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa đã thể hiện tình cảm, sự quyết tâm của quân và dân cùng chung tay xây dựng diện mạo tươi đẹp của đảo, chung sức chung lòng bảo vệ vùng trời, vùng đất, biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Vườn rau xanh "mùa nào thức nấy" của các chiến sỹ trên đảo Núi Le B. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)
Theo vợ chồng anh Nguyễn Tấn Luận và chị Trần Thị Châu Úc ở đảo Song Tử Tây, cuộc sống trên đảo giờ đây khá tốt, bộ đội và bà con hàng ngày trồng trọt, tăng gia sản xuất đảm bảo tự túc rau, củ, quả cho sinh hoạt.
“Ở đảo, bộ đội luôn quan tâm, hỗ trợ người dân mọi mặt đời sống; bà con cần gì bộ đội có mặt giúp đỡ ngay. Các điều kiện sinh hoạt như điện, nước, thông tin liên lạc luôn được đảm bảo, việc học hành của con em giờ đây cũng không khác gì so với đất liền,” vợ chồng anh Luận, chị Út chia sẻ.
Đón khách tới thăm nhà bằng cả tấm lòng như những người thân trong gia đình, vợ chồng anh Phan Ngọc Vương cũng rôm rả về cuộc sống ở đảo chẳng khác gì so với ở đất liền ngoài khoảng cách về địa lý.
Đặc biệt, hệ thống điện năng lượng Mặt Trời lắp đặt mới trên mỗi mái nhà không chỉ cung cấp đủ điện để các hộ gia đình trữ đông các sản phẩm tươi sống mà còn có thể làm nước đá, làm cả kem, sữa chua, nước giải nhiệt cho trẻ con, nhất là trong những ngày Hè ở đảo...
Anh Phan Ngọc Vương cho rằng việc cung cấp đủ điện đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của quân và dân trên đảo. Các cháu và gia đình cùng nhau học tập, vui chơi giải trí, xem phim, xem thông tin thời sự suốt ngày đêm qua các các kênh truyền hình trên cả nước…
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thương cũng quen dần với cái nắng, cái gió của biển, tiếng ê a tập đánh vần của các con và tình cảm làng xóm, dân quân sau hơn ba năm ở huyện đảo Trường Sa.
Cuộc sống ở đảo ngày càng tiện ích, chính vì thế anh Thương cho biết ngày càng nhiều hộ gia đình muốn ra đảo sinh sống, bản thân hộ gia đình anh đã phải đăng ký từ trước đó.
“Nếu được, con cái lớn sẽ vào đất liền học, vợ chồng chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại đảo để có thêm cơ hội lập nghiệp, cống hiến để đóng góp một phần công sức vào công cuộc phát triển biển đảo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...,” vợ chồng anh Thương bày tỏ quyết tâm của mình.
Trước những đổi thay và sự phát triển không ngừng của các điểm đảo, nhà giàn, Đại tá Cao Văn Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của điện năng lượng Mặt Trời; đồng thời khẳng định đây là giải pháp căn cơ, bền vững cho sự phát triển trên biển đảo quần đảo Trường Sa.
Nhà giàn DK1/21 cũ hiên ngang giữa sóng biển khơi. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Mới đây, EVN đầu tư mới toàn bộ hệ thống pin ắc quy và tấm năng lượng mặt trời ở đảo Đá Đông A đã góp phần đảm bảo nguồn điện 24/24 và cả trong điều kiện thời tiết mưa, không nắng liên tục trong ba ngày.
Đây còn là công trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng và ý nghĩa rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.
“Tuy nhiên, việc phát triển và duy trì hệ thống điện sạch ở các điểm đảo, nhà giàn là việc làm nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Song tôi tin, doanh nghiệp nhà nước này sẽ làm được điều đó, sẽ đảm bảo cung cấp điện năng lượng sạch 24/24 cho các điểm đảo và nhà giàn vào năm 2025 và bảo đảm ba ngày trong điều kiện trời không nắng vào năm 2026 tiến đến thay thế hoàn toàn điện gió,” Đại tá Cao Văn Sơn nhấn mạnh.
Đến với Trường Sa trong những ngày tháng Năm, có thể thấy mỗi cán bộ chiến sỹ, nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa luôn xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương;” để nghe tiếng gọi “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa.”
Có thể thấy mỗi công trình điện năng lượng mặt trời ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là công trình của ý chí, niềm tin mà mỗi công nhân ngành điện Việt Nam đã và đang nỗ lực để sớm hoàn thiện giữa biển khơi.
Đó cũng là niềm tự hào của những công nhân ngành điện và càng trân trọng hơn mỗi khi dòng điện sạch được thắp sáng trên các điểm đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 - thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc như thắp sáng ngọn hải đăng giữa biển Đông.
Link gốc