Tin trong nước

Tiếng hát từ Hội thi ATVSV giỏi

Thứ năm, 20/9/2007 | 00:00 GMT+7

Không ai có thể ngờ những người thợ chỉ quen với máy móc dầu mỡ, đường dây cột điện lại có thể đem đến cho Hội thi những tiết mục tự biên tự diễn vô cùng hấp dẫn và mang tính giáo dục cao với phong cách biểu diễn đầy ngẫu hứng đến như vậy. Mộc mạc mà không thô, dí dỏm mà không tục, nói thật mà không mất lòng, những diễn viên – người thợ là thí sinh của Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi EVN lần thứ 3, năm 2007 đến từ các đơn vị của EVN trên cả nước đã thực sự gây bất ngờ cho khán giả ở cả 3 cuộc thi tổ chức tại 3 miền Bắc - Trung - Nam từ 28/7 – 10/8 vừa qua.

                        

Mỗi tiểu phẩm là một bài học

Thấy tôi chăm chú theo dõi tiểu phẩm “Từ một câu chuyện” của Cty Truyền tải điện 4, anh Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Công đoàn của Cty tranh thủ khoe: “Của nhà trồng được đấy, tất cả đều do anh Đình Hà, Đội trưởng Đội văn nghệ Cty viết kịch bản, soạn nhạc nền, dàn dựng và đạo diễn”. Còn nội dung cốt chuyện lấy ở đâu?, tôi hỏi. Giọng anh Lâm chợt chùng xuống: “Cũng “của nhà làm ra” mới buồn chứ”. Tò mò, tôi tìm gặp Đình Hà ngay sau vở diễn và được biết: Anh viết kịch bản dựa trên câu chuyện có thật xảy ra tại Cty đầu năm 2007. Nguyên mẫu của tiểu phẩm là anh Tuy, một cán bộ giỏi của Cty cũng sắp cưới vợ như trong kịch bản. Anh được chỉ đạo đến phối hợp với đội sửa chữa thu hồi thiết bị điện. Vì sốt ruột, lại quá tự tin nên anh định trèo lên làm thay khi đội sửa chữa chưa đến. Không ngờ anh leo nhầm lên thiết bị có điện và lập tức bị điện giật. May mà Cty vừa đầu tư thiết bị rơle kỹ thuật số nên đã tự cắt điện ngay. Nhờ đó mà anh thoát chết. Tiểu phẩm muốn gửi đến mọi người một thông điệp: Chủ quan là tiền đề của mọi tai nạn. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến người bị nạn mà còn để lại nỗi đau cho người thân, gánh nặng cho xã hội. Đây chính là bài học xương máu không chỉ cho CBCVN trong Cty mà còn cho tất cả mọi người.

Không may mắn thoát chết như anh thợ điện ở Truyền tải điện 4, tiểu phẩm “Diêm vương xử án” của Cty Truyền tải điện 3 do chị Nguyễn Thị Cốm, Phó Chủ tịch Cty viết kịch bản và đạo diễn lại dựa trên một câu chuyện đau lòng xảy ra ở Hoà Bình cách đây 10 năm. Chỉ vì một chút lơ là đại khái, một chút cẩu thả, vô nguyên tắc không chấp hành quy trình quy phạm an toàn lao động đã dẫn đến cái chết oan uổng của một nữ thợ điện, để lại những đứa con bơ vơ với nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình và người thân. Chị Cốm đã nung nấu vở kịch này từ lâu nhưng do thời gian luyện tập quá gấp gáp (chỉ có 4 ngày) nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, tiểu phẩm cũng đã gây ấn tượng và để lại bài học sâu sắc cho người xem. Được biết, hầu hết các tiểu phẩm đều dựa trên những cốt truyện có thật đã xảy ra trong thực tế. Thật ngạc nhiên khi những người thợ chỉ quen cầm kìm cầm búa lại có thể nghĩ ra những tác phẩm vừa thâm thuý, vừa hài hước lại vừa mang tính giáo dục rất cao như vậy.

Gừng càng già càng cay

Nói đến văn nghệ là người ta nghĩ đến “nam thanh nữ tú” với ưu thế của tuổi trẻ hát hay múa dẻo theo quan điểm “thày già, còn hát trẻ”. Tuy nhiên, ở Hội thi này hình như “cánh già” lại chiếm ưu thế. Xem vở chèo “hát mừng hội thi” của Cty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại với những chiếc áo mớ ba mớ bảy, cũng đàn sáo trống nhị, cũng hò vè, hát đế “như thật”, tôi không khỏi ngạc nhiên khi được chị Nguyễn Thị Thậm – Phó Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết: Trông thế thôi, toàn ở tuổi dâu đảm, mẹ hiền cả đấy, có chị còn sắp lên chức bà nữa kia. Từ lâu Cty không tuyển nhân viên nữa nên tìm diễn viên trẻ ở đây khác nào “tìm kim đáy bể”. Nội dung vở chèo cũng là do mọi người cùng nghĩ lời, rồi cứ thêm ý a ỳ a vào là thành chèo. Toàn cơm chấm cơm ấy mà. Ban đầu các chị ấy cũng ngại lên sân khấu lắm, nhưng rồi vì màu cờ sắc áo mà phải “liều” đấy thôi. Tôi thực sự cảm phục sự nhiệt tình và tự tin của những người thợ điện.

Tại TP. HCM, khi nghe bài hát “Điện về trên buôn” của Mộng Hà (Truyền tải điện 4), ít ai nghĩ rằng người phụ nữ có giọng hát mê hoặc lòng người này đã 2 con. “Ca sĩ” đã ngoài ngũ tuần của Cty Truyền tải điện 3 hát “Ta yêu nhau về Buôn Ma Thuột” “bốc” đến nỗi cả hội trường vỗ tay rào rào hoà theo bài hát. Đặc biệt, trong khi mọi người tranh nhau đăng ký để được hát thì có một người lại được đề nghị “hát theo yêu cầu khán giả”, đó là Chủ tịch Công đoàn Truyền tải điện 2 - đồng chí Trần Khư. Bài hát “Tình yêu người thợ đường dây” của người thợ già đã đem đến Hội trường một không khí sôi động lạ thường. “Lính” Truyền tải điện 2 hoà theo giọng hát của ông với sự tự hào không giấu giếm, mang theo thông điệp về người thợ hết lòng vì công việc, “yêu đời, yêu người, yêu quê hương”.

Ấn tượng những khúc ca ngẫu hứng

Phải công nhận rằng, những tiết mục ngẫu hứng tại các hội thi đã thực sự gây bất ngờ và tạo không khí “máu lửa” cho cả người diễn và người xem. Có lẽ vì không bị áp lực của việc chấm điểm xếp loại nên các diễn viên đã thể hiện hết mình. Tại buổi liên hoan tổng kết Hội thi khối các công ty phân phối điện ở Đà Nẵng, không ai quên được tiết mục hoà ca ngẫu hứng khi tất cả thực khách nắm tay nhau đi vòng quanh các bàn tiệc trong tiếng nhạc, tiếng hát rộn ràng. Cũng trong không khí sôi động của bữa liên hoan chia tay hội thi khối truyền tải điện và cơ khí điện lực ở TP. HCM, bài hát  “Tây du ký” của Cty Truyền tải điện 4 đã kéo mọi người lên sân khấu vừa hát vừa nhảy với sự thán phục “ca sỹ nhà hát hay hơn cả ca sỹ Trung Quốc trong phim”. Không ai ngạc nhiên khi Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - đồng chí Trần Văn Ngọc đã lên nhảy rất say sưa và hát cùng với mọi người. Trong không khí đặc biệt này, tất cả mọi ranh giới về chức vụ, tuổi tác dường như bị xoá nhoà. Tất cả đều hoà trong không khí vui vẻ, thân ái và đoàn kết. Tôi thực sự bất ngờ khi bài hát “Nói với đồng nghiệp” của Cty Điện lực 2 là do anh Ngọc Thanh tự biên tự diễn dựa trên nền nhạc của một bài hát nước ngoài. Cũng những nội dung quen thuộc tưởng chừng rất khô khan là nhắc nhở mọi người ra hiện trường phải thực hiện nghiêm túc quy trình quy phạm an toàn lao động nhưng được phổ theo tiết tấu vui nhộn nên khán giả rất thích thú. Thanh khoe: em sáng tác bài hát này đã 10 năm nay nhưng cũng chỉ được biểu diễn trong những dịp như thế này. Vì vậy, mỗi khi có hội thi an toàn lao động là em không bỏ lỡ cơ hội trổ tài. Đặc biệt, bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” vốn rất quen thuộc nhưng được trình diễn ngẫu hứng bởi “Ngũ long công chúa” đã thực sự khuấy động hội trường. Bất ngờ là ở chỗ 5 chị là thí sinh của 4 Cty Truyền tải ở 3 miền Bắc - Trung - Nam tình cờ gặp nhau ở hội thi và ngẫu hứng rủ nhau lên hát, thế mà các chị hát rất ăn ý, cứ như đã luyện tập cùng nhau từ rất lâu rồi. Chính sự nhiệt tình, tự tin, yêu đời của các chị đã góp phần không nhỏ vào thành công của hội thi.

Công bằng mà nói, không phải tiết mục nào cũng đặc sắc, giọng hát nào cũng tuyệt vời nhưng hầu như không ai quan tâm đến điều ấy. Bởi với các thí sinh, chuyện hay dở không còn quan trọng. Quan trọng là sau cuộc thi này các anh chị đã học được nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn với lời hẹn sẽ gặp lại trong những hội thi sau.

Theo Bản tin CĐ T9/07