Anh Đợi đã lắp được cả thảy 14 máy phát điện loại từ 3kW đến 12kW phục vụ cho gần 400 hộ dân một số xã của huyện vùng cao Quan Hoá và Mường Lát.
Ánh sáng văn minh
Tiết trời đã chuyển sang thu nhưng vẫn nắng nóng gay gắt. Chiếc quạt điện thổi vào chúng tôi luồng gió mát rượi sau quãng đường dài quăng quật bằng xe gắn máy gần 200km. Anh Phạm Văn Đáng - Trưởng trạm Y tế xã Thành Sơn - khoe ngay: "Điện lưới của ông Đợi đấy! Mình là dân miền xuôi lên đây công tác gần chục năm rồi, quanh năm suốt tháng dùng đèn dầu tù mù. Những ngày gặp mưa bão đành phải đi ngủ từ lúc gà vừa lên chuồng. Khổ nhất, khi có bệnh nhân đến điều trị, hết dầu, nhiều hôm anh em công tác tại trạm phải đốt đuốc chờ trời sáng. Giờ có điện lưới của anh Đợi đã giảm đi muôn vàn khó khăn".
Sung sướng hơn cả là lũ trẻ quanh năm lăn lóc với những trò chơi dân gian vốn lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bọn chúng suốt ngày lê la, bò toài ngoài bờ sông, bờ suối nghịch đất cát... nay đã khác hẳn. Bóng chiều đổ xuống, nhanh chóng phủ lên nơi núi rừng thâm u này một màn đêm đen kịt. Đó cũng là lúc những bóng đèn tuýp, bóng điện tròn được bật lên lấp lánh như ánh sao rải trên nền trời.
Xưa nay đám trẻ chưa bao giờ được nhìn thấy chiếc màn hình màu thì nay nhà nhà ở các bản Thành Tân, bản Pu, bản Tang, bản Sơn Thành... có tivi, toàn màn hình phẳng, văn minh chẳng kém gì nơi phố thị. Nhiều gia đình dùng "chảo" xem được trên 20 kênh truyền hình...
Tận mắt chứng kiến niềm vui của người già, người trẻ ngồi quây quần bên chiếc tivi màu xem phim "Tôn Ngộ Không" mới hiểu việc có được nguồn điện lưới quý giá đến mức nào. Bà Phạm Thị Hình (75 tuổi, trú bản Sơn Thành, xã Thành Sơn) trải tấm lòng: "Thằng Đợi hắn mang cái điện về cho dân bản là mang văn minh đến cho nhiều người. Nhà nào cũng xem chương trình thời sự để biết được đất nước đang đổi thay từng ngày, đời sống của nhân dân được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn bao giờ hết. Ban ngày, người già ở nhà xem các chương trình khoa học tối về phổ biến lại cho con cái không được phá rừng, săn con gấu, con hươu, con nai... là bị công an bắt".
Sang trụ sở UBND xã Thành Sơn, thật bất ngờ. Chính quyền xã này không chỉ xài máy tính để bàn mà có cả con laptop hiệu Acer mới cứng, sử dụng máy in công nghệ laser khá hiện đại. Giàn quạt treo tường chạy vù vù, hình như Phạm Bá Đợi ưu tiên nguồn điện nhiều hơn cho uỷ ban thì phải!
Ông Đinh Xuân Diện - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn - mừng ra mặt: "Trước đây để hoàn thành một văn bản đánh máy ít nhất phải mất 2 ngày. Xã có cái con phát điện nhưng đổ xăng cho hắn ăn no mà vẫn không đủ công suất tải nổi giàn vi tính và cái máy in. Văn bản toàn phải viết tay rồi mang xuống phố huyện cách 15km đường rừng thuê in mới phát hành được. Có đận trời mưa bão, cán bộ văn phòng mất cả tuần nằm trực chờ dưới thị trấn, vất vả lắm. Nay thì phấn khởi rồi. Đánh máy xong là in ra vèo vèo ngay, nguồn điện mình chủ động được, lại không tốn tiền mua xăng cho cái máy nổ nó ăn nữa, ai mà chả thích".
Từ khi có điện của anh Đợi, UBND xã Thành Sơn sắm luôn một bộ máy vi tính để bàn và máy tính xách tay phục vụ công việc chung.
"Thằng Đợi giỏi thật!"
Anh Phạm Bá Thuý ở xã Thành Sơn đã thốt lên như vậy khi chúng tôi hỏi về Đợi. "Mình nghĩ, thằng Đợi hắn giỏi vậy thế nào cũng có nhà báo, nhà văn về viết ca ngợi hắn cho mà xem. Thế mà đúng thật, các anh là những nhà báo đầu tiên về bản đấy. Ở đây, từ khắp bản trên, bản dưới ai cũng biết thằng Đợi, ai cũng phải nhờ tới hắn cả thôi. Thằng Đợi giỏi thật!".
Phạm Bá Đợi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em. Người dân bản Pu đồn rằng, Đợi được trời ban cho những gì tinh tuý nhất của núi rừng ngay từ ngày mẹ hắn mang thai. Thế nhưng sự học hành của Đợi chẳng đến đâu, đang dở lớp 3 thì bỏ giữa chừng, cùng đám bạn đồng trang lứa vào rừng đi kiếm củi, săn con sóc, con gà.
15 tuổi hắn xin theo làm đồ mộc cùng một tổ thợ. Ông thợ cả nhìn ái ngại rồi lắc đầu từ chối vì Đợi chưa bao giờ cầm cái búa, cái rìu. Thế rồi anh âm thầm đứng ra tập hợp mở một xưởng mộc hoạt động liên tục trong 10 năm, làm được 140 nếp nhà, đó quả là điều đáng nể.
25 tuổi đời, Đợi rẽ ngang sang học sửa xe máy, một nghề rất mới mẻ ở thời điểm năm 2000 tại khu vực xã Thành Sơn. Vào nhập học, thầy yêu cầu 3 tháng đầu, mỗi tháng Đợi phải đóng 400 nghìn đồng. Song cuối cùng ngoài miễn học phí, thầy còn giả thêm tiền bởi hắn sửa giỏi chẳng kém gì thầy.
Phải đến lần thứ hai trèo đèo, lội suối mới gặp được nhân vật chính của phóng sự này. Đợi dẫn chúng tôi ra suối Pu, nơi có 2 máy phát điện đang hoạt động suốt ngày đêm phục vụ cho khoảng gần 70 hộ dân. Lần đầu tiên, Đợi mua về máy phát điện loại 9kw của Trung Quốc, sau đó chế một tuabin gồm cánh quạt, trục, bánh đà và buli nối dây curoa với máy phát điện. Nhưng do lắp bánh đà hơi nhẹ, khi cho nước đổ vào cánh quạt, máy phát điện chạy, vòng quay không đúng công suất thiết kế nên nguồn điện ra chỉ phục vụ đủ cho khoảng 6 gia đình.
Anh lại tiếp tục nghiên cứu, gia cố thêm bánh đà, nguồn điện tăng lên rõ rệt sau lần thử nghiệm. Từ chiếc máy phát điện đầu tiên được lắp đặt cuối năm 2006, đến nay Đợi đã lắp thêm 14 máy phát điện khác đều dựa vào sức nước phục vụ cho gần 400 hộ dân.
Những đứa trẻ nay được thoả thuê xem phim qua tivi
Trong 14 máy đã lắp, tôi ấn tượng nhất với máy thuỷ điện nhỏ được Đợi dựng trên con suối Nánh thuộc bản Tang, xã Trung Thành, phục vụ điện cho hơn 10 hộ dân bờ tả sông Mã. Suối này ít nước, lại nằm sâu trong rừng bên bờ hữu sông Mã. Phạm Bá Đợi đã "sáng kiến" dùng 2 ống thép loại phi 110 lao từ trên đỉnh thác xuống với chiều dài 24m, dốc khoảng 50 độ. Nguồn nước tập trung phóng qua 2 ống thép lớn nên có sức đẩy rất mạnh thổi trực diện vào cánh quạt đủ điều kiện cho máy phát điện công suất 9kw hoạt động quanh năm.
Khoảng trống bỏ ngỏ
Tất cả những việc làm hữu ích trên của Phạm Bá Đợi đều đang mang tính tự phát. Đợi chỉ quản lý trực tiếp 2 máy phát điện lắp trên suối Pu cách nhà anh khoảng 500m. Các máy phát điện khác, anh đều thực hiện theo kiểu "chuyển giao công nghệ", tức lắp xong thì bàn giao cho dân tự quản lý. Hệ thống đường dây điện đang rất tạm bợ chưa đảm bảo đủ sức tải điện với công suất lớn, dễ xảy ra cháy nổ. Đường dẫn điện từ máy phát về khu dân cư chưa được trồng cột mà đang giăng mắc nhờ qua các cành cây. Nguồn điện phát ra từ máy cũng chưa có trạm trung chuyển, chưa có hệ thống đóng ngắt điện an toàn mỗi khi sự cố xảy ra.
Phạm Bá Đợi đang chèo chống bằng cách mỗi khi muốn sửa chữa, anh đành cho nguồn nước chảy ra ngoài, máy ngừng hoạt động. Cách này chỉ làm được khi nước suối chảy nhỏ. Trong trường hợp lũ về sẽ rất nguy hiểm, nếu đường dây bị đứt gãy.
Ông Ngân Văn Dướng - Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn - tỏ ra lo lắng. "Đúng là chú Đợi đã làm được một việc rất nhiều ý nghĩa với bà con vùng đặc biệt khó khăn này. Có nguồn nước nhưng từ xưa đến nay đã ai tạo ra điện như chú Đợi đâu. Thế nhưng để an toàn trong việc sử dụng thì không riêng gì Thành Sơn mà cả các xã khác có thuỷ điện do chú Đợi xây dựng đều đang loay hoay chưa tìm ra lối mở".
Là người bản địa, ông Dướng cho rằng kể cả sau này điện lưới quốc gia về tới xã thì vẫn có bản không được kéo đường dây vì nằm quá xa trung tâm. Do vậy cần phải dùng nguồn điện từ "phát minh" của anh Đợi. Vì điện của Đợi ổn định, tận dụng được nguồn nước tự nhiên thay nhiên liệu. Thực tế còn cho thấy, điện lưới quốc gia khi về tới các địa phương vùng sâu, vùng xa cứ mưa giông là "nhà đèn" cắt nên thời gian sử dụng chỉ được khoảng 20 ngày trong tháng.
Anh Phạm Bá Đợi vò đầu: "Bây giờ có doanh nghiệp nào vào hợp tác hoặc có dự án tài trợ thì sẽ giúp cho hàng nghìn hộ dân nữa ở chốn thâm sơn cùng cốc này có điện sinh hoạt, sản xuất. Cần phải lắp máy phát điện công suất lớn hơn, đầu tư đường dây, hệ thống cột... như vậy mới đảm bảo an toàn, tiết kiệm nguồn nước".