Bật bình nóng lạnh cả ngày có tốn điện?
Theo kỹ sư điện Đào Xuân Hanh (Công ty Năng lượng xanh), nhiều người có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày. Việc làm này vừa gây lãng phí điện năng và giảm tuổi thọ đáng kể của thiết bị.
Nên sử dụng bình nóng lạnh một cách khoa học để đảm bảo tiết kiệm điện.
Bình nóng lạnh thông thường có công suất tiêu thụ 2.200W-2.500W. Với nguyên lý hoạt động là đốt nóng sợi dây may - so trong bình để làm nước nóng lên. Thông thường, bình nước nóng sẽ có rơ le tự ngắt khi bình đạt đến độ nóng nhất định.
Ngoài ra, nếu cắm bình 24/24 giờ làm cho dây may - so nhanh hỏng vì phải hoạt động liên tục. Đây cũng là nguyên nhân chính gây hiện tượng rò rỉ điện. Các bộ phận như thanh đốt, ruột bình cũng nhanh hao mòn hơn.
Vì vậy, để sử dụng bình nóng lạnh an toàn nhất. bạn chỉ cần bật trước đó 10-15 phút. Vậy nên, thay vì bật cả ngày, nếu muốn tắm sáng bạn hãy bật trước 20 phút. Và ngắt bình nóng lạnh trước khi đi ngủ sáng hôm sau bạn vẫn có nước để sử dụng.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo về cách sử dụng bình nóng lạnh tiết kiệm điện nhất:
Không bật bình nóng lạnh trong lúc tắm
Đây là thói quen của rất nhiều người khi tắm, tuy nhiên lại rất không tốt. Thực tế, rơ le chỉ có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ cho nước trong bình.
Do đó, rơ le không hề có tác dụng ngăn chặn dòng điện truyền vào nước khi tắm. Vì vậy, trước khi tắm bạn nên bật 1 lượng nước vừa đủ với thời gian vừa đủ.
Hơn nữa, sau một thời gian dài sử dụng, các thiết bị trong bình có thể bị hỏng hóc. Từ đó có thể dẫn đến việc bị rò rỉ điện. Vậy nên, nếu bạn không ngắt điện có thể dẫn đến giật và gây ra hậu quả không tưởng được.
Không nên bật bình nóng lạnh 24/24
Việc bật bình liên tục trong ngày sẽ làm bào mòn lớp cách điện. Điều này sẽ làm tăng khả năng rò điện ra bên ngoài. Mỗi bình nóng lạnh đều được trang bị rơ le tự ngắt, với nhiệm vụ tự động cấp điện để điều chỉnh nhiệt độ nước trong bình, tự ngắt khi nước đủ nóng và bật khi nước nguội đến một mức nhiệt nhất định.
Rơ le nhiệt hoạt động dựa trên cảm ứng nhiệt, khi nhiệt độ nước thấp thì dòng điện được đóng để cấp nhiệt cho nước, thường có đèn báo sáng lên khi bình hoạt động, và khi đủ nhiệt, ngắt điện đèn sẽ tắt.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như duy trì độ bền lâu của bình, nên bật bình trước khi sử dụng khoảng 15 - 45 phút để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Nên dùng dây nối tiếp đất với bình nóng lạnh
Khi lắp đặt bình nóng lạnh, rất ít gia đình chú ý tới dây nối tiếp đất trong khi đây là một bộ phận quan trọng giúp tránh rò rỉ điện từ bình và giảm nguy cơ giật điện. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, cần phải chú ý lắp đặt cả dây nối tiếp đất để tránh gây ra những nguy cơ tiềm ẩn.
Không sử dụng công suất tối đa
Không nên vặn công suất của bình nóng lạnh lên tối đa, chỉ nên để khoảng 80%. Việc vặn công suất tối đa có thể dẫn đến quá tải nguồn điện và ảnh hưởng tới nguồn nước bạn sử dụng, rất dễ gây ra những sai lầm đáng tiếc. Nên trang bị at - to - mat chống đầu rò cho bình, để bình hoạt động một cách ổn định nhất.
Nên vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ
Đây là một thói quen của hầu hết các gia đình. Bình nóng lạnh thường được lắp trên cao nên nhiều nhà không chú ý vệ sinh bình sạch sẽ, cũng không bảo dưỡng các thiết bị như dây điện lắp chung với ống nước, nếu sử dụng lâu ngày sẽ dễ bị giòn, gãy hay vỏ bình có thể bị nứt, bong tróc gây thấm nước dẫn điện ra bên ngoài.
Bất cứ đồ điện gia dụng nào sau một thời gian dài sử dụng đều có những dấu hiệu hư hại, hỏng hóc mà nếu không kịp thời phát hiện và sửa chữa rất có thể sẽ gây ra những sự cố đáng tiếc.