Không phải cứ ở trạng thái tắt là các thiết bị trong ngôi nhà của bạn sẽ không gây tốn điện nữa. Thực tế, vẫn có một số đồ dùng như sạc điện thoại hay chiếc điều khiển kỹ thuật số,... vẫn hao tổn một nguồn năng lượng điện đáng kể. Vì thế chúng cũng “ngốn” một khoản chi không hề nhỏ cho hóa đơn tiền điện hằng tháng đấy nhé!
Tủ lạnh
Đây là một trong những thủ phạm âm thầm ngốn nhiều điện trong nhà bạn. Tuy công suất không quá lớn nhưng tủ lạnh hoạt động suốt ngày đêm nên tiêu thị lượng điện không hề nhỏ. Một chiếc tủ lạnh 150 lít, công suất 100-150 W sẽ tiêu thụ khoảng 4 kWh đến 5 kWh điện mỗi ngày. Tủ lạnh có công suất và kích thước lớn hơn sẽ tiêu thụ khoảng 6 kWh điện mỗi ngày. Chưa kể, vào mùa hè việc làm mát sẽ khiến tủ hoạt động nhiều hơn và việc bạn mở tủ nhiều lần, không nhanh chóng đóng lại sẽ khiến hóa đơn tiền điện càng tăng lên.
Điều hòa, máy lạnh
Máy điều hòa không phải là thiết bị có công suất lớn nhất trong gia đình nhưng lại tiêu thụ lượng điện lớn nhất bởi nhu cầu sử dụng rất cao, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa gần như quanh năm, những hôm quá rét thì chuyển từ chế độ mát sang chế độ ấm. Để tiết kiệm điện, cần bảo dưỡng định kỳ cho máy điều hòa và bảo đảm cách nhiệt tốt cho ngôi nhà, để mức nhiệt độ hợp lý cũng như hạn chế đóng mở cửa khi đang bật điều hòa,...
Nồi cơm điện
Thiết bị này vốn không tiêu thụ nhiều điện, nhưng cách sử dụng lại khiến nó trở thành thủ phạm làm hóa đơn tiền điện tăng. Nhiều người cắm cơm rất sớm và để như vậy mấy tiếng đồng hồ, ăn xong còn thừa thậm chí còn cắm điện tiếp để giữ ấm. Đây là thói quen gây lãng phí điện năng, vì chiếc nồi cơm điện khoảng 1,2 lít thường có công suất 350-400W, nếu hoạt động trong hai giờ sẽ tiêu thụ khoảng 0,75 kWh điện.
Quạt điều hòa
Quạt điều hòa loại bình thường có công suất 80 - 200W, nếu bạn bật 6 giờ mỗi ngày thì sẽ tiêu tốn khoảng 0,48 kWh đến 1,2 kWh.
Quạt điện thông thường có công suất khoảng 40W, nếu bật mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ ở tốc độ cao nhất thì bạn sẽ phải trả thêm tiền cho 2 số điện mỗi tháng so với việc để quạt chạy ở mức độ thấp nhất.
Tivi
Nhiều người nghĩ lượng điện cho tivi thì đáng bao nhiêu, vì công suất của nó khá nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, chiếc tivi 32 inch có công suất khoảng 40W nếu được bật liên tục ngày đêm thì rất tốn điện. Ở trạng thái không hoạt động, chiếc TV đang cắm điện cũng khiến gia đình bạn tốn thêm khoảng 500.000 đồng tiền điện mỗi năm.
Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy rút luôn dây nguồn tivi ra khỏi ổ cắm điện sau khi đã tắt tivi bằng điều khiển nhé. Lưu ý: Không rút dây điện đột ngột sẽ gây hại cho tuổi thọ của tivi, thậm chí việc rút điện khi chưa tắt nguồn tivi còn dễ gây chập điện.
Máy tính
Máy tính (cả loại để bàn và laptop) vẫn sẽ hoạt động ngầm ngay cả khi bạn đã tắt nó. Các thiết bị này ngốn khoảng 96W mỗi ngày. Như vậy mỗi tháng, bạn sẽ tốn thêm 3 số điện cho mỗi chiếc máy tính. Nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ “sleep” thì con số này sẽ đội lên hàng chục lần. Để tiết kiệm điện, hãy tắt nguồn và rút phích cắm khi bạn không sử dụng máy tính.
Bình nóng lạnh
Bình tắm nóng lạnh là một trong những thiết bị điện được sử dụng hàng ngày, công suất của nó có thể lên đến 3000w. Do tần suất sử dụng cao nên nếu bật bình nóng lạnh cả ngày thì lượng điện năng tiêu thụ có thể gấp khoảng 20 lần.
Mùa hè có thể không dùng đến nước nóng, nhưng đừng quên tắt công tắc khi không sử dụng. Khi cần dùng chỉ cần bật lên trước khi tắm 30 phút, khi nhiệt độ trên đèn báo đạt nhiệt độ phù hợp thì tắt đi, có thể tiết kiệm rất nhiều điện.
Bộ phát wifi
Bộ phát wifi là một thiết bị đã trở nên phổ biến trong mỗi gia đình hiện nay. Vì chúng thường được bật 24/24 nên đây cũng là một nguồn tiêu hao năng lượng không nhỏ trong nhà.
Một bộ phát sóng wifi tiêu tốn từ 2W - 20W. Nếu lấy công suất tiêu thụ trung bình là 6W thì thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 368kWh nếu bật cả ngày trong 1 năm, đem nhân với giá điện trung bình trong nước là 1.500 đồng/kWh, thì bạn cần chi trả hơn 550 ngàn đồng tiền điện.
Để tiết kiệm điện thì tốt hơn hết bạn hãy ngắt nguồn bộ phát này vào ban đêm khi đi ngủ nhé!
Các thiết bị không rút phích cắm
Có những thiết bị đang âm thầm hút điện trong nhà và ngốn kha khá ngân sách của gia đình mà có thể bạn không để ý. Bình thường phần lớn thời gian đều phải đi làm nên không thường xuyên ở nhà. Trong lúc đó, các thiết bị điện trong nhà đều tắt hết, nhưng tại sao tiền điện vẫn nhiều như thế?
Đối với các thiết bị điện được sử dụng thường xuyên, chúng ta thường chỉ tắt công tắc, nhưng không biết rằng tắt công tắc chỉ đưa thiết bị vào chế độ chờ. Nếu không rút phích cắm ra thì thiết bị vẫn sẽ chạy. Từ đó chúng sẽ ngầm lấy đi rất nhiều điện, lâu dần khiến hóa đơn tiền điện của bạn tăng cao.
Chúng là những thiết bị tiêu hao năng lượng ngay cả khi đang tắt nhờ “nguồn điện ảo”. Hãy hạn chế việc hút năng lượng này bằng cách rút phích cắm ra khỏi ổ điện. Có một cách khác gọn nhẹ hơn đó là hãy cắm những thiết bị này vào một ổ điện chung để bạn có thể tắt từ xa tất cả các ổ cắm được kết nối chỉ bằng một lần rút phích.
Có thể bạn cho rằng các khoản tiền trên thật nhỏ bé nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, việc rút phích cắm các thiết bị điện là một hành động có giá trị, đảm bảo an toàn và tránh chập điện.