Cán bộ, công nhân viên Điện lực Hoằng Hóa phổ biến kiến thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đến các em học sinh.
Ngược lại, sử dụng điện tiết kiệm là hành động của một công dân văn minh và là hành động thể hiện tinh thần yêu nước!
Yêu cầu cấp bách
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng, do đó, nhu cầu về năng lượng là rất lớn. Theo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng tăng trưởng toàn quốc vẫn tiếp tục tăng ở mức cao và bình quân khoảng 8,5%/năm. Riêng đối với miền Bắc, hiện công suất khả dụng của tất cả nguồn đạt khoảng 17.500 - 17.900MW; trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 20.000MW và có thể lên tới 23.500 - 24.000MW vào thời điểm nắng nóng.
Tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), được tổ chức tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) năm 2021, Việt Nam đã cùng với gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Đây là “một chương trình rất lớn, là vấn đề khó, mới và có cả những nội dung nhạy cảm”, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh. Song cam kết này lại phù hợp với mục tiêu phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, toàn diện của Việt Nam.
Trong bối cảnh sức ép nhu cầu năng lượng tăng cao qua từng năm và nhất là việc thực hiện những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 như vậy, nhưng Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu: Trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Đồng thời, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025...
Có thể nói, việc đề ra những con số rất cụ thể về tiết kiệm điện, đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc chống lãng phí điện năng, hay sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm tối đa, hướng tới phát triển bền vững đất nước. Để đạt được mục tiêu kể trên, yêu cầu cấp bách đặt ra cho mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và cho mỗi người dân lúc này là phải cộng đồng trách nhiệm, để cùng vào cuộc một cách thống nhất, quyết liệt, với sự nỗ lực rất cao.
Đối với Thanh Hóa, theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, thì hiện địa phương là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ điện đứng thứ 3 và chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Bắc. Với công suất phụ tải cực đại đạt khoảng 1.350MW và dự báo đạt 2.150MW vào năm 2025 (do các nhà máy đăng ký thêm 949MW và 10% do nhu cầu khác...), Thanh Hóa cũng là tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất miền Bắc. Các khu vực có phụ tải lớn, tập trung và tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới như TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn - Quảng Xương; thị xã Nghi Sơn - Nông Cống - Như Thanh - Như Xuân; thị xã Bỉm Sơn - Hoằng Hóa - Hậu Lộc - Nga Sơn...
Trước yêu cầu tiêu thụ điện tăng và tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nêu trên, việc quản lý, vận hành, điều tiết để có thể tiết kiệm tối đa điện năng là vấn đề “nóng”, luôn đặt ra cho ngành điện nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Song, với thông điệp “Tiết kiệm điện thành thói quen”, Thanh Hóa đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, như thành lập ban chỉ đạo tiết kiệm điện cấp tỉnh, để thống nhất việc chỉ đạo công tác tiết kiệm điện trên toàn địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông sâu rộng dưới nhiều hình thức. Tổ chức ký cam kết tiết kiệm điện đối với các khách hàng thuộc 4 nhóm gồm hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp (tính đến 30/6/2024, đã có 54.318/54.318 khách hàng cập nhật vào chương trình DRMS - Hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa, đạt 100%). Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng công suất đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện... Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh Hóa đã tiết kiệm được 71,16 triệu kWh điện.
Mặc dù vậy, vấn đề tiết kiệm điện vẫn đang vấp phải không ít thách thức, rào cản. Theo tính toán của Công ty Điện lực Thanh Hóa, mặc dù dư địa tiết kiệm điện của Thanh Hóa còn rất lớn và có thể đạt khoảng từ 15 - 35%. Nhưng để đạt được con số này là không dễ. Thực tế cho thấy, do gặp khó khăn về tài chính nên nhiều hộ dân và doanh nghiệp chưa đầu tư nâng cấp, thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị điện mới, hiệu suất cao. Nhiều cơ quan, công sở vẫn để các thiết bị máy tính, quạt, điều hòa, máy in ở chế độ hoạt động ngay cả khi không có người sử dụng. Rồi đèn chiếu sáng công cộng, trong các tòa nhà vẫn bật độ sáng cao hoặc để thời gian kéo dài đến nửa đêm thậm chí về sáng... Đó là chưa kể, để đánh giá kết quả tiết kiệm điện của các đơn vị, cần có phương pháp tính cụ thể và chi tiết cho từng đối tượng. Ngoài ra, một vấn đề khá “nan giải” đối với ngành chức năng lúc này là chưa có cơ chế xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
“Quốc sách quan trọng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Bản thân Người luôn thực hành tiết kiệm điện từ những việc làm nhỏ nhất và nhất là từ lối sống vô cùng giản dị. Người cho rằng “tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”; và chữ “kiệm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng mang nội hàm rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm thời gian... Người từng nhiều lần nhắc nhở về việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta còn nghèo, lại vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đó là “mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều tiết kiệm điện, thì chúng ta sẽ có đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”.
Hiện nay, khi mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị và người dân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thì hơn lúc nào hết, “tiết kiệm điện” phải trở thành một nội dung học tập và làm theo Bác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Từ tấm gương về tinh thần tiết kiệm của Bác, mỗi người đều có thể học và làm theo bằng những việc nhỏ nhất hàng ngày. Đó là thay đổi nhận thức, ý thức về tiết kiệm điện, để tinh thần tiết kiệm điện thực sự trở thành một thói quen tốt - một thói quen như “hơi thở” của sự sống vậy. Rồi từ nhận thức dần chuyển biến về hành vi, với thói quen “tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, để có điện dùng khi cần thiết”. Và tích cực hơn nữa là nhận thấy sự cần kíp phải thay thế các thiết bị gây lãng phí điện (bóng đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang chấn lưu từ, tủ lạnh, máy giặt, máy bơm, điều hòa cũ...), thành những thiết bị mới. Chẳng hạn như điều hòa có biến tần có thể tiết kiệm điện hơn loại điều hòa không biến tần tới 30%. Dù giá có thể cao hơn từ một vài triệu đồng, nhưng xét về lâu dài việc sử dụng các sản phẩm/thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện sẽ hiệu quả về đầu tư hơn...
Những năm gần đây, sự kiện “Giờ Trái đất” đã trở thành hoạt động thường niên, để khuyến khích, kêu gọi sự thay đổi nhận thức và hành vi của con người về bảo vệ môi trường. Sự kiện được tổ chức ngày càng sâu rộng cũng là một cách thức để con người lên tiếng, hay để biểu thị sự đoàn kết, thống nhất trong việc chung tay bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại. Đặc biệt, việc tổ chức “Giờ Trái đất” đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là tiết kiệm điện và giảm lượng phát thải khí CO2, vừa giúp tích lũy một nguồn năng lượng quý cho phát triển, vừa mang lại môi trường sống trong lành hơn. Để rồi, từ con số biểu trưng “60” đã trở thành “60+”, với thông điệp vô cùng ý nghĩa, rằng “Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế”.
Có thể thay đổi một thói quen là không dễ, nhưng sẽ không khó nếu thói quen ấy mang lại nhiều lợi ích tích cực và thiết thực. Hơn nữa, lợi ích ấy không chỉ mang lại cho 1 cá nhân, 1 gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng điện tiết kiệm từ mỗi gia đình - “tế bào” của “cơ thể” xã hội. Từ đó, dần lan tỏa thói quen này trở thành hành vi, thậm chí thành chuẩn mực ứng xử chung của cả cộng đồng. Có như vậy, việc thực hành tiết kiệm điện mới dần trở thành nhận thức chung, thành hành động chung của toàn xã hội. Để mỗi ngày đều có “Giờ Trái đất”, để mỗi giờ đều là “Giờ Trái đất”!.
Quy hoạch Điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), đã nhấn mạnh rõ quan điểm: “Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, “hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới”. Đây vừa là định hướng vừa là mục tiêu để năng lượng thực sự trở thành nguồn lực quan trọng, có khả năng “đi trước mở đường” cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Do đó, tăng cường nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường được xem là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Muốn độc lập, tự cường thì trước hết và quan trọng nhất là phải dựa vào nội lực và nội lực ấy được vun đắp bằng cách đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và thực hành tiết kiệm. Điều này vẫn luôn đúng với câu chuyện phát triển Việt Nam ngày nay, khi cả dân tộc đang dồn lực để dựng xây nước Việt Nam XHCN giàu đẹp, văn minh. Vậy nên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện tinh thần yêu nước từ việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: Hãy tiết kiệm điện!.
Link gốc