Quản lý năng lượng

Tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp trọng điểm ở Quảng Ninh

Thứ hai, 12/4/2021 | 14:11 GMT+7
Giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% so với tổng nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp sử dụng điện năng lớn đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Sử dụng nồi hơi sinh nhiệt giúp Công ty CP Than Núi Béo tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền điện/tháng.
 
Trong đó, chú trọng các biện pháp kỹ thuật, quản lý sản xuất và điều chỉnh ý thức, hành vi sử dụng điện, gắn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Từ năm 2019 đến nay, để tìm thêm những giải pháp mới trong tiết giảm chi phí, các đơn vị sản xuất than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đặt ra mức tiết kiệm điện năng từ 2-3% so với định mức Tập đoàn đã phê duyệt. Để đạt được con số trên, các đơn vị tiến hành kiểm toán năng lượng, từ đó nghiên cứu, nhận định những tiềm năng tiết kiệm năng lượng và xây dựng các giải pháp mới. Trong đó, các giải pháp kỹ thuật công nghệ được coi là mấu chốt trong việc từng bước hiện đại hóa, tin học hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất.
 
Điển hình như Công ty CP Than Núi Béo, đơn vị khai thác than lộ thiên đang trong quá trình chuyển sang khai thác than hầm lò, nên hằng năm, chi phí năng lượng của công ty sử dụng rất lớn. Trung bình mỗi tháng, đơn vị này mất khoảng 4-5 tỷ đồng tiền điện. Nhằm tiết kiệm chi phí này, năm 2017, công ty đã sử dụng nồi hơi sinh nhiệt để vận hành thiết bị phục vụ các nhu cầu về giặt, sấy quần áo bảo hộ lao động, tắm nước nóng, ăn công nghiệp, sử dụng điều hòa... cho hơn 2.000 lao động. Sử dụng giải pháp này không những nâng cao được mức độ an toàn trong quản lý vận hành, mà đã giúp đơn vị tiết kiệm được gần 130 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
 
Công ty cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011; thay mới toàn bộ hơn 200 bóng đèn huỳnh quang chiếu sáng ở các chòi ghi chuyến, chòi bảo vệ, chiếu sáng khu vực bằng đèn led; sửa chữa cải tạo và thay thế 4km đường dây 6kV bằng những loại dây có đặc tính kỹ thuật và khả năng mang tải tốt hơn; xây mới trạm biến áp để đảm bảo tổn hao không tải thấp hơn so với máy biến áp thế hệ cũ; chỉ hoạt động các thiết bị bơm công suất lớn vào giờ thấp điểm... Nếu năm 2019, sản lượng điện năng tiêu thụ trên một tấn than của công ty là 25,5kWh, thì năm 2020 đã giảm xuống còn 22,2kWh.
 
Hệ thống băng tải rót than tự động tại Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ảnh: Phạm Tăng

Tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, theo tính toán năm 2020, đơn vị phải sử dụng khoảng 68 triệu kWh điện. Với mục tiêu tiết giảm ít nhất 100.000kWh điện, công ty đã đầu tư trên 15 tỷ đồng để tiến hành tự động hóa quản lý việc theo dõi, vận hành các trạm điện; lắp mới cột đèn chiếu sáng nâng hạ để tăng hiệu quả chiếu sáng mặt bằng; lắp đặt máy nén khí trục vít 190kW để tăng công suất cho thiết bị...
 
Hay như tại Công ty Dầu thực vật Cái Lân, nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, hiện đơn vị cũng đã trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các thiết bị và máy móc của nhà đóng gói mới. Đồng thời, tiến hành cải tiến hệ thống điều hòa, sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm bằng công nghệ tản nhiệt nước; cải tiến, gia công, thay mới giá đỡ kho hàng, sử dụng công nghệ robot tự động xếp hàng vào giá đỡ...
 
Để có thể tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020-2025 (khoảng 1 triệu KWh), cuối năm 2020, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Trong đó, phân bổ chỉ tiêu cho từng khu vực và khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ phải tiết kiệm khoảng 2,5% (lớn nhất so với khu vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và dân dụng).
 
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: Qua kiểm tra của Sở Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh đều đã thay đổi nhận thức và mạnh dạn đầu tư, lắp đặt các thiết bị hiện đại, triển khai các biện pháp tiết kiệm một cách triệt để nhất. Tuy nhiên, hiện nay việc thay đổi công nghệ còn nhiều khó khăn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do vậy, khi chưa đủ điều kiện đầu tư, thay mới máy móc, các doanh nghiệp có thể sắp xếp chế độ làm việc của các thiết bị hợp lý; tập trung nâng cao ý thức của người lao động về công tác tiết kiệm điện; hạn chế tối đa việc huy động những thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị hoạt động không tải... Đây là những giải pháp có chi phí thấp, nhưng vẫn đảm bảo cho việc tiết kiệm năng lượng.

Link gốc
Theo: Báo Quảng Ninh