Nhân viên ngành điện kiểm tra lại hoạt động của bộ tiết kiệm điện đặt tại ao tôm. Ảnh: EVNSPC
Chương trình thuộc đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018" (Gọi tắt Đề án).
Giảm hao tổn, chi phí tiêu thụ điện
Theo khảo sát của các công ty điện lực tại phần lớn hộ nuôi tôm quy mô công nghiệp, các hộ dân chủ yếu sử dụng động cơ điện hiệu suất thấp như loại 2 HP (1,5 kW), 3 HP (2,25 kW)… rất hao tốn điện năng, hiệu suất kém do dùng loại motor không rõ nguồn gốc, quấn lại dây… Việc sử dụng động cơ hiệu suất thấp tại các tỉnh còn chiếm số lượng lớn, khoảng 2/3 tổng số động cơ điện. Khi đó, phần tiền điện phải chi trả cho điện năng tiêu thụ của các loại động cơ này khoảng 111,371 tỉ đồng/tháng, tương đương hơn 1.336,448 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó TGĐ EVNSPC cho biết: Để hỗ trợ bà con, EVNSPC đã triển khai Đề án với mục tiêu giới thiệu giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản, phổ biến việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong nuôi tôm, góp phần giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp. Từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản.
Lộ trình thực hiện gồm ba giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (từ cuối năm 2016 đến tháng 8.2017) triển khai tại tỉnh Sóc Trăng; Giai đoạn 1 (trong năm 2017) triển khai tại một số tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau; Giai đoạn 2 (trong năm 2018) thực hiện tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Mô hình thí điểm tại Sóc Trăng bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, giải pháp được triển khai thực hiện là hỗ trợ thay thế ổ trục ma sát trượt bằng con lăn. Trong giai đoạn tiếp theo, khi hộ dân đã bắt đầu quan tâm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, EVNSPC sẽ thực hiện đồng thời giải pháp thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt nhằm tăng cường hiệu quả tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp, giảm mức đầu tư về nguồn và lưới điện cho ngành điện.
Đến tháng 7.2017, số hộ đăng ký là 161 hộ, số ao nuôi và diện tích là 463 ao/205,59 ha; Số dàn quạt: 1.807 với 10.134 con lăn (loại đỡ và loại treo); Đã thi công lắp đặt 1.112/1.807 dàn quạt, đạt tỉ lệ 61,54%.
Mô hình đơn giản, dễ áp dụng
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Cty Điện lực Sóc Trăng cho biết: Từ cuối năm 2016, PC Sóc Trăng đã thành lập Tổ điều hành Chương trình, phối hợp với chính quyền các xã, huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn Tỉnh. Theo ông Hải, vì đây là một mô hình mới, nên trong giai đoạn đầu, để các hộ nuôi tôm có thể tham quan, tận mắt chứng kiến quá trình vận hành cũng như hiệu quả của thiết bị, PC Sóc Trăng đã thuê 1 vuông tôm làm mô hình giả định thực hiện 3 giải pháp tiết kiệm điện tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Qua mô hình giả định, Cty đã tính toán được hiệu quả của chương trình cho từng giải pháp.
Hiệu quả thực tế từ mô hình giả định cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nên đông đảo người dân đã tham gia chương trình. Ông Nguyễn Văn Thảo, ngụ tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề với gần 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm cho biết, gia đình ông có 3 ao nuôi với tổng diện tích gần 1 ha, trước đây phải trả khoảng 20 triệu đồng tiền điện/tháng. Ông Thảo cho hay: “Gia đình tôi lựa chọn giải pháp sử dụng dàn quạt nước có trục quay cùng trục với máy phát điện lắp đặt tại 1 ao nuôi và tiết kiệm được khoảng 15% tiền điện/tháng. Gia đình tôi sẽ đầu tư lắp đặt thiết bị cho cả 3 ao nuôi tôm”.
Bên cạnh đó, Cty Điện lực Sóc Trăng cũng đang triển khai mô hình thực nghiệm sử dụng bộ giảm tốc (thay cho truyền động dây cu-roa) đối với dàn quạt nước. Với tổng số vốn 1,4 tỉ đồng cho toàn bộ chương trình trong năm 2017, PC Sóc Trăng đã mua con lăn, thuê nhân công để thực hiện lắp đặt miễn phí cho một số khách hàng. Và trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tư vấn để mô hình tiết kiệm điện cho khu vực nuôi tôm được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.