Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị để đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Đức Dũng
Miền Bắc mới bước vào những ngày đầu mùa nắng nóng, nhưng nền nhiệt độ tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã có lúc chạm ngưỡng 40 độ C.
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cùng với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 dự báo sẽ khiến việc đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng gặp khó.
Trong khi việc gia tăng thêm các nguồn điện mới, đầu tư dự án không thể thực hiện một sớm một chiều thì tiết kiệm điện được xem như giải pháp có thể nhanh chóng và dễ dàng thực hiện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Xin giới thiệu loạt bài tiết kiệm điện - vấn đề không của riêng ai để làm rõ hơn những vấn đề này.
Bài 1: Nỗi lo thiếu điện
Theo báo cáo từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), năm 2022, với thực tế đại dịch được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm nay được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%)...
Có thể khẳng định, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022, tuy nhiên, vào mùa Hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến.
Có mặt tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - những địa bàn đón đợt nắng nóng lên đến 40 độ C đầu tiên..., công tác bảo dưỡng lưới điện, tuyên truyền tiết kiệm điện...đã được các đơn vị điện lực miền Bắc thực hiện rất triệt để.
Theo ông Hoàng Hải, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa, năm nay, theo dự báo, nắng nóng có thể xuất hiện muộn hơn so với năm 2021, nhưng có thể cực đoan trong cao điểm mùa Hè, đồng thời phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh dịch vụ sẽ được phát triển trở lại sau đại dịch. Điều này khiến việc cung cấp điện của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Là tỉnh có diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân số đông, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cùng với đó là sự phát triển về kinh tế vượt bậc trong thời gian qua, nhất là sau một thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Thanh Hóa đang là địa bàn nóng về cung cấp điện dịp Hè năm nay.
Để đảm bảo điện, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng tổng thể hệ thống lưới điện trên địa bàn, nhằm đề ra các biện pháp và lên phương án cấp điện. Công ty đôn đốc, chỉ đạo các điện lực trực thuộc tập trung kiểm tra lưới điện bằng camera ảnh nhiệt, kiểm tra phóng điện cục bộ các thiết bị trong trạm biến áp, đầu cáp ngầm trung áp… để xử lý các khiếm khuyết, cũng như ngăn chặn các sự cố chủ quan có thể xảy ra.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay, nhu cầu phụ tải miền Bắc dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ. Năm 2021 tăng trưởng phụ tải 9,31%, nhưng trong năm 2022, riêng phụ tải công nghiệp tăng trưởng dự kiến 24%. Do vậy, nhu cầu đầu tư cho lưới 110 kV và xuất tuyến trung áp là rất cao. Trong những năm qua, khu vực miền Bắc, đặc biệt là EVNNPC tiếp nhận lưới điện nông thôn và lưới điện các khu vực thủy nông, quân đội, nông thôn miền núi… với khối lượng rất lớn. Hiện trong 5.286 xã, đơn vị đã tiếp nhận hơn 90%, với số công tơ chiếm 47% tổng số công tơ của EVNNPC, đường dây hạ áp chiếm 42%...
"Tình trạng lưới điện này rất kém, hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn do vậy khi nhu cầu gia tăng công suất không đáp ứng được. Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong năm qua do điều kiện đầu tư hạn hẹp nên chỉ sửa chữa tối thiểu để có thể đáp ứng cơ bản điều kiện kỹ thuật vận hành; còn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân thì phải cải tạo, nâng cấp thêm", bà Đỗ Nguyệt Ánh cho hay.
Chủ tịch HĐTV EVNNPC cũng nhận định, tình hình cung cấp điện năm 2022 dự báo sẽ rất căng thẳng. Riêng các khách hàng công nghiệp trong năm 2022 đăng ký sản lượng 3.400 MW, tăng khoảng 24% so với năm ngoái, chưa kể các phụ tải sinh hoạt cũng tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nắng nóng.
EVNNPC dự báo, phụ tải đỉnh Hè năm nay sẽ tăng 12 - 15%, có thể đạt 16.500 - 16.950 MW, tức là tăng thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021. Dù vậy, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều.
Điều đáng nói, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4/2022 vừa qua, mới chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12/2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới. Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500 kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021.
Ngoài ra, nhập khẩu điện từ nước ngoài cũng bị hạn chế. EVNNPC dự báo, trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00 -15h00) và cao điểm tối (21h00 - 24h00).
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, sản lượng điện thương phẩm năm 2022 của EVN dự kiến đạt 242,35 tỷ kWh, tăng hơn 5,9 lần so với năm 2003. Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản sản lượng điện tăng 12,4%, tương đương đạt 286,1 tỷ kWh.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo điện. Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện, tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5-6,...). Giai đoạn năm 2022-2025 sẽ chỉ thiếu công suất đỉnh ở miền Bắc, công suất thiếu lớn nhất 2.296 MW.
Qua tính toán cân đối cho thấy, khu vực miền Bắc năm 2022 sẽ thiếu khoảng 1.500 - 2.400 MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan. Do vậy, EVN đã tập trung tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022. EVN cũng huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ; tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy. EVN bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý; trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, EVN cũng đưa ra các giải pháp bổ sung nguồn điện như: Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện - BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc; các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ. Đặc biệt, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được EVN hướng đến trước mắt và lâu dài.
Hiện nay, với khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…), chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn Led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW... Do vậy, tiết kiệm từ nguồn cầu sử dụng điện phải là giải pháp ưu tiên hàng đầu, thay vì việc đi tìm kiếm hay chỉ tập trung xây dựng thêm các nhà máy điện.
Bài 2: Tự nguyện của doanh nghiệp