Quản lý năng lượng

Tiết kiệm hàng trăm nghìn kWh điện nhờ giảm sử dụng vào giờ cao điểm

Thứ sáu, 10/5/2024 | 13:47 GMT+7
Dự báo phụ tải tăng cao trong các tháng mùa khô, cao điểm nắng nóng năm 2024, để góp phần ứng phó với tình hình tiêu thụ điện tăng cao mùa hè năm 2024, nhiều khách hàng sử dụng điện khẳng định đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tiết kiệm điện, chia sẻ khó khăn, đồng hành với ngành điện.

Công ty TNHH Nhựa Hoàng Hà tham gia ký cam kết dịch chuyển biểu đồ phụ tải điện. Ảnh: Nguyễn Loan

Hàng nghìn doanh nghiệp cam kết thay đổi phụ tải vào giờ cao điểm để tiết kiệm điện

Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Hà Nam, trung bình mỗi tháng sản lượng điện của Công ty TNHH Dệt Hà Nam ước khoảng 3,7 triệu kWh, tương ứng khoảng 5,4 tỉ đồng.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tiết kiệm điện cũng như đồng hành với ngành điện trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong những năm qua, công ty thường xuyên triển khai các giải pháp quản lý nội vi đảm bảo tiết kiệm năng lượng, trong đó nổi bật là chương trình điều chỉnh phụ tải điện được công ty ký cam kết với ngành điện.

Ông Trương Công Kiên - Phó Tổng Giám đốc Dệt Hà Nam - cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm là vấn đề sống còn đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, do đó, Dệt Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện, như chủ động thuê tư vấn để đánh giá thiết bị sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; lắp thêm biến tần cho các động cơ từ 7,5kW trở lên để giảm điện năng tiêu thụ. Cải tạo lại nhà xưởng, văn phòng tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay bóng chiếu sáng sang bóng đèn led tiết kiệm điện.

"Trong các đợt cao điểm, công ty đã chủ động cân đối sản xuất, giảm bớt phụ tải các thiết bị hỗ trợ trong giờ cao điểm. Chúng tôi cũng xây dựng các quy định về tiết kiệm điện, giao chỉ tiêu cho từng phân xưởng, bộ phận; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên. Kết quả tiết kiệm điện được xem là 1 tiêu chí để đánh giá thi đua" - ông Trương Công Kiên chia sẻ.

Ông Trương Công Kiên cho hay, trong những năm vừa qua, công ty nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được đơn vị điện lực thông báo. Có những thời điểm công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đến 6,5 MW. "Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay hàng tháng Dệt Hà Nam tiết kiệm được khoảng 2-4% chi phí tiền điện tương đương với 110-220 triệu đồng/tháng", ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Lê Vĩnh Cường - Phó Giám đốc sản xuất Công Ty TNHH Nhựa Hoàng Hà - cho hay, quá trình khảo sát rất kỹ càng của ngành điện, công ty đã thống nhất không bố trí sản xuất một số dây chuyền phụ trợ (in decal, xay nghiền nguyên liệu thô) vào các khung giờ cao điểm, công suất tiết giảm tương ứng 20% công suất toàn nhà máy.

"Chia sẻ với những khó khăn của ngành điện trong việc đảm bảo cung ứng điện cho xã hội, chúng tôi đã quán triệt cán bộ công nhân viên thực hành tiết kiệm điện. Bao gồm việc đặt điều hòa nhiệt độ ở mức ≥ 27 độ, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết giảm công suất chiếu sáng - bảo vệ, thay thế các thiết bị cũ bằng thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng" - ông Cường bày tỏ.

"Chúng tôi cũng đã sử dụng hệ thống giám sát và quản lý năng lượng hiện đại, cho phép giám sát, và kiểm soát các thông số tiêu thụ năng lượng từ mỗi bộ phận, thiết bị điện. Do đó, với bất kỳ bất thường trong việc tiêu thụ điện, chúng tôi đều phát hiện và kịp thời có giải pháp điều chỉnh" - ông Hội bày tỏ.

Điều chỉnh phụ tải điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần hơn 4.000 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải với công suất dự kiến tiết giảm gần 230.000 kWh.

Lợi ích từ việc điều chỉnh phụ tải điện, "né" giờ cao điểm

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết, vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng. Ngành điện lực phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy điện, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu mức chi phí cao.

Hơn nữa, vào giờ cao điểm, giá bán điện có sự chênh lệch lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Ví dụ, tại biểu giá bán lẻ điện kinh doanh, với mức điện áp dưới 6KV, giá bán điện vào giờ thấp điểm là 1.622 đồng/kWh thì giá cao điểm là 4.587 đồng/kWh.

Như vậy, chi phí điện năng vào giờ cao điểm gấp 2,8 lần so với giá điện thấp điểm. Chính vì thế, các hộ kinh doanh, sản xuất nên hạn chế tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm để vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa không gây lãng phí nguồn điện năng.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng nhiều thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng cùng lúc vào giờ cao điểm còn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong thiết bị. Bởi khi dòng điện suy yếu cũng đồng nghĩa điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động, chẳng hạn như tủ lạnh cần điện áp 220v mà giờ cao điểm điện áp chỉ còn 180v, như vậy sẽ khiến tủ không đông đá…

Do đó, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm không chỉ giúp nguồn điện năng duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện mà còn tăng hiệu suất kinh doanh, sản xuất đảm bảo sinh hoạt của người dân.

Link gốc

 

Theo: Lao động