Kịch bản hướng đến Phát thải ròng bằng 0 năm 2050 của IEA.
Mới đây, Hội thảo “Vai trò của nguyên tắc ‘hiệu quả năng lượng là trên hết’ trong chính sách khí hậu: Mối quan hệ bổ trợ - Không đối nghịch” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là hội thảo thứ 12 trong chuỗi các hội thảo do nền tảng hội thảo trực tuyến Leonardo ENERGY (một sáng kiến của Hiệp hội Đồng Quốc tế châu Âu), Dự án Odyssee-Mure và Hội đồng châu Âu về Nền kinh tế Hiệu quả năng lượng phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Ba Lan, Romani, Việt Nam,...
Tiết kiệm năng lượng đóng vai trò then chốt để Liên minh châu Âu (EU) đạt được các mục tiêu khí hậu, cũng như đảm bảo an ninh và giảm chi phí năng lượng.
Ngày 10/10/2023, Liên minh Châu Âu đã đạt được một cột mốc quan trọng trong hành trình trở thành lục địa trung hòa phát thải đầu tiên trên thế giới khi Chỉ thị 2023/1791 về hiệu quả năng lượng mới (Chỉ thị sửa đổi của Chỉ thị 2012/27/EU về hiệu quả năng lượng được EU ban hành tháng 11 năm 2012) chính thức có hiệu lực.
Chỉ thị đưa ra các quy tắc mới nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng, trong đó nhấn mạnh vào nguyên tắc "hiệu quả năng lượng là trên hết" (Energy Efficiency First - EE1); Thiết lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc hơn để EU đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, đồng thời cũng cho thấy tham vọng của EU về tiết kiệm năng lượng.
Các quốc gia thành viên EU hiện có hai năm để tích hợp các quy định của Chỉ thị này vào luật pháp của quốc gia mình. Tuy nhiên, với chưa đầy bảy năm còn lại để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng năm 2030 của EU, việc triển khai Chỉ thị về Hiệu quả năng lượng cần phải bắt đầu ngay lập tức và không chậm trễ.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Barbara Schloma, Cố vấn khoa học của Fraunhofer ISI cho biết, Điều 3 của Chỉ thị sửa đổi về hiệu quả năng lượng đã thiết lập nội dung “hiệu quả năng lượng là trên hết” như một nguyên tắc cơ bản trong chính sách năng lượng của EU. Chỉ thị yêu cầu các quốc gia thành viên trong liên minh phải xem xét, cân nhắc đến vấn đề tiết kiệm năng lượng trong tất cả các quyết định về chính sách và các quyết định quan trọng về đầu tư liên quan đến lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, Tiến sĩ Barbara Schloma đưa ra dẫn chứng từ năm 2000 đến năm 2022, việc tiết kiệm năng lượng đã bù đắp cho sự gia tăng tiêu thụ năng lượng cuối cùng ở châu Âu (EU). Kết quả là, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đã giảm 16 MTOE.
Vai trò của tiết kiệm năng lượng trong việc đạt được mục tiêu trung hoà phát thải vào năm 2050 còn được thể hiện trong Kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Theo kịch bản này, ít nhất ¼ lượng khí thải C02 được cắt giảm nhờ việc tiết kiệm năng lượng (bao gồm cả những thay đổi trong hành vi tiêu thụ năng lượng và giảm nhu cầu năng lượng).
Hiện tại, EU cũng đưa ra các chính sách trong lĩnh vực khí hậu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, đặc biệt trong bối cảnh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Những chính sách này rất cần thiết đối với những ngành khó khử cacbon. Tuy nhiên, các chính sách khí hậu này vừa thúc đẩy nhưng cũng đối nghịch đối với nguyên tắc EE1.
Theo GS.TS Wolfgang Eichhammer, hiện đang công tác tại Fraunhofer ISI, chính sách khí hậu tạo ra nhiều chiến lược chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), năng lượng tái tạo là trụ cột chính trong 6 chiến lược chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, bên cạnh năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, điện khí hóa cũng là một chiến lược chuyển đổi năng lượng tiềm năng, là một ví dụ điển hình cho việc chính sách khí hậu thúc đẩy ưu tiên tiết kiệm năng lượng. Kết hợp các chiến lược năng lượng trên có thể góp phần giảm 45% lượng khí thải nhà kính.
Mối quan hệ bổ trợ giữa tiết kiệm năng lượng và chính sách khí hậu.
Ngược lại, nguyên tắc EE1 có thể giúp đẩy lùi biến đổi khí hậu thông qua áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và duy trì các tiêu chuẩn sống hợp lý, đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu trung hòa phát thải của EU.
Tuy nhiên, khi bàn về các yếu tố đối nghịch giữa chính sách khí hậu và EE1, GS.TS Wolfgang Eichhammer đưa ra dẫn chứng trong hai ngành giao thông và xây dựng. Trong đó, GS.TS Wolfgang Eichhammer đã so sánh hiệu quả chuyển đổi năng lượng giữa các phương án sử dụng năng lượng tái tạo, hydrogen, động cơ đốt trong,... Các yếu tố này có tác động lớn đến nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điện khí hóa và chuyển đổi năng lượng trong các ngành này không đem lại hiệu quả tổng thể mà còn có thể làm tăng gấp đôi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân.
Ví dụ minh họa chính sách khí hậu gây ảnh hưởng đến EE1.
Vì vậy, điều này đòi hỏi một khung chính sách rộng hơn cho nguyên tắc EE1 và việc tích hợp một nguyên tắc phân tầng, nhằm tổng quát hóa nguyên tắc EE1 vào quản lý các chính sách khí hậu.
Theo GS.TS Wolfgang Eichhammer, cách tiếp cận phân tầng theo thứ tự ưu tiên và tác động như sau: Nguyên tắc "hiệu quả năng lượng là trên hết": Giảm thiểu nhu cầu năng lượng, kết hợp với các lựa chọn nhằm cung cấp đủ năng lượng; Ưu tiên giảm carbon trong ngành điện; Lựa chọn các giải pháp thay thế dựa trên nguồn năng lượng tái tạo dành cho các dịch vụ tương tự nhưng ít tác động đến môi trường hơn; Sử dụng hydrogen, sản phẩm tổng hợp hoặc CCUS (Thu giữ, sử dụng và lưu trữ Carbon).
Tại hội thảo, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi dành cho các chuyên gia, đồng thời chia sẻ nhiều ý kiến về các nội dung liên quan đến vai trò cũng như tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình rằng, tiết kiệm năng lượng sẽ là yếu tố then chốt giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng.