Tìm năng lượng sạch xây cuộc sống xanh

Thứ sáu, 19/7/2019 | 11:41 GMT+7
Hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, Trường ĐH Cửu Long đã xúc tiến hợp tác với Công ty TNHH Điện năng lượng Ssangyoung (Hàn Quốc). 

Nhà máy điện năng lượng mặt trời trong khuôn viên Trường ĐH Cửu Long.
 
Và trên mảnh đất đầy nắng sân trường, công trình điện năng lượng mặt trời trên mái nhà được xây dựng. Đây không chỉ là nguồn năng lượng sạch mà còn là môi trường cho sinh viên rèn luyện, học tập.
 
Hành trình tìm nguồn năng lượng sạch
 
PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- nói về quá trình hình thành dự án. Năm 2017, lãnh đạo Trường ĐH Cửu Long nhân chuyến công tác đã đến Busan (Hàn Quốc) tham quan các nhà máy điện mặt trời.
 
Trước đó, lãnh đạo trường đã trăn trở về việc xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời ở vùng đầy tiềm năng như Vĩnh Long, nghiên cứu tính khả thi và đàm phán về Dự án xây dựng Nhà máy phát điện năng lượng mặt trời trong khuôn viên nhà trường.
 
Trong chuyến công tác đó, Trường ĐH Cửu Long đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Điện năng lượng Ssangyoung.
 
Đến tháng 3/2019, Công ty TNHH Điện năng lượng Ssangyoung phối hợp với Trường ĐH Cửu Long tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 980MW.
 
Hơn 60 ngày triển khai xây dựng dự án, đến ngày 28/6/2019 đã hoàn thành việc xây dựng và đã kết nối với lưới điện quốc gia theo ký kết hợp tác giữa nhà trường và Công ty Điện lực tỉnh Vĩnh Long.
 
Ông Lương Minh Cừ cho biết: “Công trình có vốn đầu tư khoảng 37 tỷ đồng, 100% vốn của nước ngoài và đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thuộc trường ĐH ở Việt Nam”.
 
Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không lo cạn kiệt. Nguồn điện từ mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng điện lưới; không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp. Đồng thời, thân thiện với môi trường vì trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn, khói bụi.
 
Nhà máy Điện năng lượng mặt trời 980KW- kết hợp nông nghiệp công nghệ cao của Trường ĐH Cửu Long đấu nối lưới điện quốc gia, đi vào vận hành không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Trường ĐH Cửu Long mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện trên hệ thống lưới điện quốc gia.
 
Theo ước tính, nhà trường sẽ sử dụng 35% lượng sản xuất, số còn lại đưa vào lưới điện quốc gia. Ông Lương Minh Cừ nhẩm tính: “Mỗi tháng, trường sẽ tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền điện”.
 
Nơi thực học, thực hành
 
Với mục tiêu chiến lược xây dựng nhà trường thành cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng ứng dụng, Trường ĐH Cửu Long đang tạo thêm điều kiện cho sinh viên “học đi đôi với hành” tại nhà trường cũng như thực tập tại các doanh nghiệp.
 
Nhà máy Điện năng lượng mặt trời thực hiện một trong những mục tiêu đó của Trường ĐH Cửu Long. “Đây là điều kiện thực nghiệm, thực hành tại chỗ, nghiên cứu học tập gắn liền với ứng dụng”- ông Vũ Ngọc Tú- Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng sạch Cửu Long của Trường ĐH Cửu Long cho biết.
 
Cũng theo ông Vũ Ngọc Tú: “Đây là một công trình có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời, còn là công cụ truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của tỉnh Vĩnh Long”.
 
Hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện cho nhà trường. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời góp nguồn điện tại chỗ cho ngành điện và làm giảm phát thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường với số lượng tương ứng (giảm 1.419 tấn CO2/năm).
 
Hệ thống điện mặt trời phù hợp với xu thế phát triển tất yếu về năng lượng sạch, hiệu quả cao; thân thiện với môi trường, hoạt động không khí thải, không tiếng ồn, độ ổn định và độ tin cậy cao, tuổi thọ lớn, giảm thiểu được chi phí vận hành, chi phí bảo trì…
 
Với xu hướng phát triển đó, Trường ĐH Cửu Long sẽ tiếp tục phát triển thêm các mô hình mới trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật auto và cơ điện tử tự động, công nghệ thực phẩm, nhà kính thông minh và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, dịch vụ du lịch và lữ hành, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
 
Trường ĐH Cửu Long xác định đào tạo theo định hướng ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Điện năng lượng mặt trời công suất 980KW là nhà máy phát điện năng lượng mặt trời với công suất lớn nhất được thực hiện trong khuôn viên trường ĐH, với số tấm pin mặt trời lắp đặt: 2.604 tấm. Mỗi tấm pin công suất 360W, diện tích sử dụng: 15.000m2, mỗi ngày sản xuất được: 4.800-5.000KWh.
Theo: Báo Vĩnh Long