Ngân hàng đẩy mạnh cho vay làm điện mặt trời

Thứ năm, 11/7/2019 | 10:38 GMT+7
Nhiều gói tín dụng hàng ngàn tỉ đồng được các ngân hàng tung ra cho các doanh nghiệp, cá nhân vay đầu tư điện mặt trời.
 
Cá nhân vay lắp đặt ĐMT cần tính toán kỹ.

Cá nhân, doanh nghiệp đều tăng vay
 
Sau gần 1 tháng triển khai gói tín dụng xanh điện mặt trời (ĐMT) áp mái, ông Phương Tiến Minh, Giám đốc toàn quốc khối ngân hàng (NH) bán lẻ và quản lý tài sản HSBC VN, đã nhận được đăng ký của 10 khách hàng cá nhân để tư vấn và khảo sát.
 
Trong đó, HSBC đã hoàn thành giải ngân cho 2 khách hàng và các trường hợp khác đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Đây được xem là thành công bước đầu của gói tín dụng xanh của HSBC (cho vay tín chấp, lãi suất vay từ 11,99 - 12,99%/năm, trong vòng 60 tháng).
 
Một loạt các NH hiện cũng đang triển khai từ những gói tín dụng ĐMT cho cá nhân đến những doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, NH TMCP Bản Việt cho cá nhân vay 100% vốn đầu tư, tối đa 200 triệu đồng lắp đặt các thiết bị ĐMT, thời gian vay 5 năm. NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt các thiết bị ĐMT áp mái vay 70% vốn đầu tư, lên 10 tỉ đồng trong vòng 5 năm. Trước đó, HDBank cũng đã triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án ĐMT với tổng số vốn lên đến 7.000 tỉ đồng, phục vụ các dự án ĐMT nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực VN. Trước đó, Vietcombank tài trợ 785 tỉ đồng cho dự án Nhà máy ĐMT BP Solar 1 tại Ninh Thuận; Agribank cho vay 950 tỉ đồng cho dự án ĐMT Long Thành (tỉnh Đắk Lắk); VietinBank cấp tín dụng 1.000 tỉ đồng cho việc thực hiện dự án Nhà máy ĐMT TTC số 1 (tỉnh Tây Ninh).
 
Cân nhắc kỹ trước khi vay
 
Nhu cầu đầu tư hệ thống ĐMT áp mái tăng mạnh từ vài tháng nay khi giá điện tăng khá cao. Và nhiều phân tích cho thấy đầu tư ĐMT áp mái sử dụng tiết kiệm hơn.
 
Theo tính toán của các NH và công ty lắp đặt thiết bị ĐMT, 1 gia đình sử dụng trung bình khoảng 2 triệu đồng tiền điện, sản lượng tiêu thụ điện khoảng 700 kWh, có thể lắp thiết bị ĐMT công suất 3,15 kWh, sản lượng bình quân mỗi tháng 380 kWh. Lượng điện tiêu thụ ban ngày thường chiếm 30%, khoảng 216 kWh, như vậy lượng điện dư có thể bán cho công ty điện. Với công suất này, chi phí đầu tư khoảng 75 - 78 triệu đồng, mất từ 5 - 6 năm thu hồi lại vốn.
 
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp hiệu quả không như mong muốn. Ông Nam, một người sống tại TP.HCM đã đầu tư lắp các thiết bị ĐMT công suất 3,48 kW, Pin mono ae solar Đức, Inverter SMA Đức, hướng nam góc 15 độ... đúng tiêu chuẩn. Thế nhưng, tháng thu cao nhất cũng chỉ được 330 kWh. Vì thế, việc thu hồi vốn không như tính toán ban đầu. Rất may ông Nam không vay vốn nên không áp lực trả nợ.
 
Theo ông Phương Tiến Minh, sản lượng điện được sản xuất từ hệ thống ĐMT sẽ tùy thuộc vào hiệu suất của tấm pin năng lượng mặt trời, hướng mái, hướng lắp đặt tấm pin và việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống để đảm bảo hệ thống pin không bị bụi và các vật khác che phủ cũng như nguồn bức xạ năng lượng mặt trời trong mỗi giai đoạn.
 
Là nhà băng đang cho 3 nhà máy ĐMT tại Long An và Kiên Giang vay đã đi vào hoạt động và cũng là NH vừa giải ngân chương trình tín dụng xanh 10 triệu USD, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc NH TMCP Nam Á, nhận xét các khoản tín dụng nào cũng có rủi ro, cả các dự án ĐMT cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây là chương trình mà Chính phủ đang khuyến khích phát triển và có chính sách hỗ trợ. Đây cũng là các dự án năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường, nên dù hiệu quả của các dự án ĐMT không cao so với các ngành khác, các NH, chủ đầu tư vẫn tham gia mạnh mẽ. Một lợi thế là các định chế tài chính nước ngoài cho các NH trong nước vay nguồn vốn thấp để triển khai các gói tín dụng xanh nên thường lãi suất cho khách hàng vay đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này cũng rẻ hơn.
 
Trước các ý kiến lo ngại việc nhiều doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư ĐMT, nhất là những dự án phụ thuộc quá lớn vào vốn vay NH sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu. Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng đầu tư năng lượng tái tạo có mức độ rủi ro không lớn, do nhu cầu điện ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các NH cần lưu ý đến vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án ĐMT, cũng như cam kết của công ty điện lực mua lại điện từ dự án trước khi triển khai cho vay.
 
Với nhu cầu điện dự kiến tăng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2031, VN cần phải sản xuất 60.000 MW điện vào năm 2020; 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030. Để thực hiện, Chính phủ đang khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo đủ sản lượng điện và giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Dù ĐMT áp mái ở các khu dân cư trong cả nước sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cho lưới điện quốc gia, cũng như tạo ra những tác động tích cực đến môi trường và tăng khả năng hồi phục khí hậu nhưng việc vay vốn NH để đầu tư vẫn cần phải cân nhắc tính toán kỹ để không bị rơi vào tình trạng mất cân đối thu chi.
Theo: Thời báo Tài chính