Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện EVNNPT cho biết: Nhằm khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng Dự án; hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT, CPMB đang khẩn trương làm việc với các bộ ngành và UBND các tỉnh nơi có Dự án đi qua.
Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu được đầu tư xây dựng nhằm: Tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500kV hiện hữu để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung – Bắc do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao. Nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc – Trung, kết hợp với cung đoạn Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc là cơ sở quan trọng để vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống điện, góp phần giảm chi phí vận hành hệ thống điện. Truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho trung tâm phụ tải khu vực Miền Bắc.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV hai mạch, dài khoảng 225,5km, đi qua địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng 3 km gồm 9 vị trí, trên địa bàn xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Ông Lê Sỹ Tuấn – Phó Trưởng ban Quản lý xây dựng EVNNPT báo cáo tại buổi làm việc.
Để đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện, hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, triển khai thi công đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa dự án vào vận hành; phê duyệt đảm bảo đủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thực hiện Dự án; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc nhằm đáp ứng mục tiêu, tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị các sở, ban ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, chủ trì, hỗ trợ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ đo đạc và các chính sách liên quan khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt. Trong đó, triển khai kê kiểm lập, phê duyệt phương án bồi thường theo từng khoảng cột, khoảng néo theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công Dự án.
Trên cơ sở thống kê của đơn vị Tư vấn, triển khai lấy ý kiến về nguyện vọng của các hộ dân có nhà trong hành lang tuyến phải di dời, có nhu cầu tái định cư để chính quyền địa phương sớm xây dựng phương án và tìm quỹ đất bố trí tái định cư đối với các hộ dân có nhà trong hành lang tuyến, nhằm có đủ thời gian để các hộ dân di dời nhà, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án. Chủ trì, hỗ trợ Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan giải quyết các thủ tục, vận động các hộ dân về đất mượn thi công, đường vận chuyển vật liệu.
Ông Bùi Công Cường – Phó Giám đốc CPMB báo cáo tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Phan Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Tỉnh Quảng Bình nhận thức rõ đây là dự án rất quan trọng, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Với kinh nghiệm có được khi triển khai nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Bình khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa EVNNPT/CPMB và sẽ chỉ đạo các sở ngành, huyện Quảng Trạch, xã Quảng Đông phối hợp với chủ đầu tư/Ban QLDA để triển khai các thủ tục liên quan tới công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, ... để đảm bảo mục tiêu dự án đề ra.
UBND tỉnh Quảng Bình giao các sở, ngành liên quan và UBND huyện Quảng Trạch chủ động phối hợp với EVNNPT/CPMB để rà soát hồ sơ đo vẽ, chi tiết từng thửa đất và dự kiến phương án tái định cư cho 03 hộ gia đình có nhà trong hành lang.