Tin trong nước

Tình trạng khô hạn đe dọa cấp điện

Thứ hai, 30/3/2015 | 09:01 GMT+7
“Nếu diễn biến thời tiết trong 3 tháng tới (4-5-6) tiếp tục căng thẳng, hạn hán dài ngày thì việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia sẽ gặp không ít khó khăn”. Đây là nhận định của các chuyên gia Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 lắp đặt máy biến áp nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thiếu nước, khô hạn trên diện rộng
 
Ông Lê Thanh Hải-Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngay từ đầu tháng 2, nền nhiệt độ các tỉnh Bắc Bộ đã cao hơn cùng thời kỳ các năm từ 3-4 độ C, đây là điều khá bất thường.
 
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ tháng 4 đến tháng 10 tới, lượng mưa ở các tỉnh ven biển Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ, trong đó các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa và cuối tháng 9.
 
Đến tháng 4, nền nhiệt phía Bắc cao hơn mức trung bình nhiều năm, trong khi phía Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 5 đến tháng 10, nền nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nhiệt độ dao động ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
 
Bên cạnh đó, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ đến muộn hơn và lượng mưa cũng thấp hơn, tình trạng thiếu mưa và khô hạn tiếp tục kéo dài cho đến khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới dần cải thiện.
 
Trong các tháng tiếp theo của mùa khô 2015, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh (xem biểu đồ).
 
Sẵn sàng các kịch bản cấp điện
 
Khô hạn được dự báo sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhiều địa phương, vì vậy ngoài nhiệm vụ đảm bảo điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải đảm bảo cấp nước chống hạn cho hạ du. Cụ thể, EVN cho biết, trong các tháng mùa khô, có 19 hồ thủy điện sẽ phải điều tiết để đảm bảo các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong đó, có nhiều hồ thường xuyên phải yêu cầu cao như: A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh, Đăk Mi4, Đa Nhim, Hàm Thuận, Đại Ninh...
 
Để có thể thực hiện đồng thời nhiệm vụ cung cấp điện cũng như đảm bảo cấp nước cho hạ du các địa phương, lãnh đạo EVN đã đề nghị A0 và các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng, chủ động các kế hoạch từ rất sớm. Theo đó, điều độ quốc gia sẽ bám sát và thực hiện các công việc quan trọng như: Công bố cho các nhà máy thủy điện có yêu cầu nước hạ du cao chỉ vận hành đáp ứng yêu cầu cụ thể của mực nước; giám sát các nhà máy chặt chẽ hàng ngày, hàng tuần và nhắc nhở ngay nếu có vi phạm; tiếp tục làm việc với Tổng cục Năng lượng (Bộ NNPTNT) cũng như các địa phương để phối hợp, điều chỉnh nhu cầu cấp nước đối với các hồ có khó khăn về nguồn nước.
 
Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc A0 cho biết, hệ thống điện quốc gia sẽ phải rất nỗ lực để có thể vận hành an toàn, đảm bảo cấp điện cho người dân cả nước. Theo phân tích của A0, các tháng cao điểm mùa khô và nắng nóng năm nay nhu cầu phụ tải cả nước sẽ tăng khoảng 10,69% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng sản lượng phụ tải cả 3 tháng mùa khô dự kiến đạt khoảng 77,489 tỷ kWh.
 
Phụ tải tăng cao trong điều kiện nắng nóng sớm, lượng mưa ít (nhất là các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên), sẽ tạo áp lực lớn trong công tác điều hành hệ thống điện quốc gia. A0 cũng cho biết, tính đến cuối tháng 3, nhiều hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên có lượng nước về kém (hồ Đại Ninh, A Vương, sông Ba Hạ, Đăk Mi 4, Hương Điền, Bình Điền...).
 
Trong 3 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp điều chỉnh lịch phát điện các nhà máy và đã đáp ứng đủ theo yêu cầu của các địa phương. Tuy nhiên, nếu diễn biến thời tiết trong 3 tháng tới tiếp tục căng thẳng, hạn hán dài ngày thì việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo: Dân Việt