Toàn bộ TBA 110kV của Công ty Điện lực Hưng Yên sẽ được vận hành không người trực trong năm 2018

Thứ ba, 19/6/2018 | 16:31 GMT+7
Hiện nay, Công ty Điện lực Hưng Yên đang quản lý và vận hành 12 TBA 110kV và 2 trạm 220KV (là TBA 220kV Kim động và TBA 220kV Phố Nối). 

Ông Lương Minh Thanh - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Điện lực Hưng Yên.
 
Theo kế hoạch, đến ngày 25/6/2018 sẽ đưa 8 TBA 110kV vào hiện quản lý vận hành qua trung tâm điều khiển xa (vận hành không người trực trên cơ sở sử dụng đường truyền cáp quang để điều khiển). Toàn bộ số TBA còn lại cũng sẽ được vận hành “không người trực” trong năm 2018 này. Điều này cũng đồng nghĩa Hưng Yên sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đưa toàn bộ các trạm biến áp 110kV vào điều khiển xa, vận hành theo hình thức “không người trực” trong cả nước.
 
Ông Lương Minh Thanh - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết, Công ty bắt đầu triển khai công tác lập đề án xây dựng Trung tâm điều khiển xa Hưng Yên từ cuối năm 2016 sau đó tiến hành cải tạo, thay thế toàn bộ thiết bị cũ để đảm bảo đáp ứng các điều kiện vận hành qua Trung tâm điều khiển xa, đầu tư xây dựng các đường truyền cáp quang để kết nối từ Trung tâm điều khiển xa (được đặt tại trụ sở công ty) tới từng TBA 110kV. 
Để Trung tâm điều khiển xa có thể đảm đương được khối lượng công việc này, Công ty đã phối hợp với Công ty thí nghiệm điện miền Bắc để tiến hành thí nghiệm hiệu chỉnh, kiểm tra toàn bộ tín hiệu đường truyền từng thiết bị nhỏ từ các TBA 110kV về Trung tâm điều khiển xa để cho người vận hành từ trung tâm có thể tiếp nhận được đầy đủ các tín hiệu từ trạm về để thao tác…
 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của Trung tâm điều khiển xa, kể cả việc đào tạo kỹ sư SCADA - một lĩnh vực chuyên môn mới cũng đã được Tổng Công ty hỗ trợ đào tạo 2 năm nay và Trung tâm điều độ hệ thống điện Miền Bắc (A1) kiểm tra sát hạch, đáp ứng đủ các yêu cầu, đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công Thương.
 
Cũng theo ông Lương Minh Thanh, đa số các TBA 110kV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được đầu tư xây dựng sau năm 2000 nên về tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn G7 nên việc sửa chữa, nâng cấp, thay thế ít hơn. Đây là một điều kiện thuận lợi về mặt công nghệ, kỹ thuật để thực hiện điều khiển xa. Toàn tỉnh Hưng Yên có diện tích 923km2, từ đầu tỉnh đến đến cuối tỉnh theo chiều dài chỉ khoảng 45km, chiều ngang khoảng 35km nên cũng thuận lợi về khoảng cách giữa các trạm biến áp đến Trung tâm điều khiển xa để thực hiện tốt các thao tác của trạm biến áp không người trực. Theo kế hoạch của Công ty cao thế miền Bắc sẽ thành lập 3 tổ công tác lưu động để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho số lượng thiết bị tương đối lớn trong các TBA 110 trên địa bàn Hưng Yên.
 
Sau khi Trung tâm điều khiển xa Hưng Yên được đưa vào hoạt động, kỳ vọng của PC Hưng Yên cũng như EVNNPC sẽ tiếp tục triển khai xuống lưới trung thế, toàn bộ hệ thống đóng cắt trên lưới điện cũng sẽ được điều khiển từ xa để nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành, linh hoạt trong vận hành, giảm tối đa các khu vực mất điện khi xảy ra sự cố… “Việc triển khai TBA không người trực sẽ giúp công tác quản lý, vận hành được đảm bảo an toàn, chính xác và hiệu quả hơn, qua đó giúp giảm nhân lực, tăng năng suất lao động. Theo tiêu chuẩn mỗi TBA 110kV bình quân có 10 lao động làm việc 3 ca 5 kíp. Nhưng hiện nay các TBA của Công ty Điện lực Hưng Yên chỉ có 7 người. Gần 5 năm trở lại đây, Tổng Công ty điện miền Bắc (EVNNPC)  không tuyển thêm nhân lực. Số lao động từ các TBA sau khi chuyển sang điều khiển xa sẽ được điều chuyển về làm tại các Tổ công tác lưu động, Trung tâm điều khiển xa và các đơn vị cung cấp dịch vụ điện năng của công ty” – ông Lương Minh Thanh cho biết.

Nguyên Long/Icon.com.vn