Anh Nguyễn Duy Cường đang làm việc tại đơn vị - Ảnh: NVCC
Gia đình công nhân
Chúng tôi trò chuyện với anh Nguyễn Duy Cường khi anh vừa tan ca. Bộ đồng phục ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt thấm mệt nhưng đôi mắt anh rực sáng khi chúng tôi đặt nhiều câu hỏi về nghề. Trong ít giờ tiếp xúc nhưng cũng đủ để chúng tôi có những cảm nhận đầu tiên về anh – một người luôn hết lòng vì công việc, luôn làm những gì tốt nhất để ngành điện phát triển.
Sinh ở huyện Yên Thành (Nghệ An), sau này phát triển sự nghiệp tại đất võ Bình Định, anh Nguyễn Duy Cường mang đầy đủ tố chất của một người con xứ Nghệ. Đó là sự chịu thương, chịu khó, sáng tạo, quyết đoán… Chính vì vậy, sau khi vào làm việc tại Công ty Truyền tải điện 3 thời gian không dài, anh đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn.
Tổ của anh có nhiệm vụ đảm bảo truyền tải điện cho cả thành phố Quy Nhơn. Có thể nói số lượng công việc rất lớn, sức ép nhiều nhưng lại chỉ có 5 người. Anh Cường và các anh em trong tổ đã phải “gồng mình” trong công việc để nguồn điện luôn được thông suốt, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Qua đôi mắt và gương mặt rạng ngời, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của anh Cường khi được sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm công nhân. Bố của anh vốn là cảnh sát, còn mẹ của anh trước đây là công nhân ngành Đường sắt. Hiện tại, người vợ và người em gái của anh cũng đang là công nhân ngành Đường sắt.
“Như vậy, trong gia đình tôi có 4 công nhân. Công nhân là người trực tiếp tham gia lao động sản xuất, sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chúng tôi luôn tự hào vì là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Quây quần bên mâm cơm, gia đình chúng tôi vẫn không thôi nói chuyện về công việc - là một người thợ - với sự biết ơn, trân trọng”, anh Cường chia sẻ.
Đôi mắt nhìn về xa xăm, anh Cường nhớ lại thời điểm gần 20 năm trước khi chọn theo học ngành điện. Anh bảo, đây là ngành mũi nhọn quốc gia, là động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay ở một số vùng sâu, vùng xa vẫn có những người dân chưa tiếp cận được với điện lưới quốc gia. Đây là vấn đề trăn trở của anh Cường nói riêng và với mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện.
Niềm vui với công nhân ngành điện như anh Cường chỉ đơn giản là mỗi ngày có người hỏi “hôm nay có cắt điện không?”. Bởi với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hay với mỗi gia đình thì điện là vô cùng thiết yếu. “Sẽ chẳng có ngành nào hoạt động được nếu thiếu điện. Thời đại công nghệ, cơm có thể nhịn một bữa, nước có thể nhịn vài giờ nhưng mất điện một phút sẽ làm cuộc sống của chúng ta đảo lộn”, anh Cường nói.
“Cây sáng kiến” ngành điện
Từ lâu, nhiều người công tác trong ngành điện đã gọi anh Nguyễn Duy Cường là “cây sáng kiến” của ngành. Biệt danh đó không hề ngoa khi chúng tôi có cơ hội được xem hồ sơ thành tích của anh.
Năm 2022, anh tham gia nghiên cứu đề tài “Giải pháp đưa vị trí nấc phân áp OLTC MBA AT1, AT2 hiển thị trên Rơle điều áp tự động (F90) KVGC202 hãng Alstom để cảnh báo giới hạn điều nấc phân áp”. Điều này đã giúp tiết kiệm được chi phí nếu như sử dụng thiết bị của chính hãng mà việc mua sắm khó khăn do Rơle điều áp KVGC202 không còn sản xuất.
Hay “Giải pháp cập nhật thông số vận hành các đường dây 220kV theo thời gian thực trên nền tảng Web phục vụ công tác quản lý vận hành áp dụng tại Truyền tải điện Bình Định” đã giúp hệ thống hoàn toàn cách ly với mạng của trạm, do đó vấn đề an ninh mạng đảm bảo.
Rồi đề tài: “Giải pháp cấu hình giao tiếp đọc dữ hiệu từ Rơle bảo vệ so lệch thanh cái P741 lên hệ thống HMI theo giao thức IEC 60870-5-103” đã giúp tiết kiệm được chi phí nếu như phải đầu tư hệ thống bảo vệ so lệch thanh cái 220kV mới để phục vụ cho Dự án nâng cấp hệ thống hệ thống điều khiển đang triển khai tại Trạm.
Anh Cường (đứng giữa, hàng đầu) tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV - Ảnh: NVCC
Đặc biệt, đề tài: “Xây dựng phần mềm giám sát vận hành tập trung áp dụng tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn” đã giúp thuận lợi cho cho công tác vận hành vì thông số acquy được sao lưu tự động và giám sát được các tín hiệu cảnh báo, cũng như điều khiển các thiết bị khi có nhu cầu. Tự phát triển phần mềm khi cần bổ sung mà không phụ thuộc vào các công ty công nghệ hoặc tốn kém chi phi phí gia công phần mềm. Đây cũng là giải pháp cho các Trạm biến áp không người trực khi cần quản lý, giám sát tập trung. Hệ thống này hoàn toàn độc lập với hệ thống điều khiển (OT) của Trạm biến áp và sử dụng mạng IT hoặc mạng riêng của Trạm để vận hành, do đó, việc an ninh thông tin được đảm bảo tin cậy.
Tuy vậy, khi chia sẻ với chúng tôi anh luôn khiêm tốn với thành tích đạt được và cho rằng đó là nhờ sự quan tâm sâu sát, sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo, cùng sự giúp đỡ, động viên của các đồng nghiệp. “Nghiên cứu khoa học là công việc cần sự cần cù, tỉ mỉ, không thể nóng vội, không thể ăn xổi. Tôi có thể hàng giờ ngồi nghiên cứu mà không thấy chán, bởi tôi cảm thấy những vi mạch đang “nhảy múa”, chúng có một đời sống riêng hết sức sôi động. Càng nghiên cứu tôi càng bị hấp dẫn bởi ma lực thật khó lý giải”, anh bộc bạch.
Cũng theo anh Cường, nghiên cứu khoa học cần nền tảng là kiến thức ban đầu nhưng điều quan trọng hơn là cần khát khao vươn lên, không chịu dậm chân tại chỗ và chấp nhận sự thất bại. Chính quá trình trực tiếp vận hành máy móc, thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong công việc đã giúp anh “lóe” được những ý tưởng mới. “Nghiên cứu khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và phải phục vụ thực tiễn. Đây là công việc không thể viển vông, ảo tưởng mà phải mang lại giá trị thực sự”, anh quả quyết.
Đảng không “cầm tay chỉ việc”
Trường hợp anh Nguyễn Duy Cường vào Đảng cũng thật đặc biệt, bởi anh làm tổ trưởng trước khi vào Đảng và khi ấy khát khao vào Đảng của anh là để làm tốt hơn công việc được giao. “Năm 2020, đứng trước sự lựa chọn vào Đảng hay không? Tôi đã chọn được đứng vào hàng ngũ của Đảng để được gương mẫu, đi đầu, là “hạt nhân” của sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Từ khi vào Đảng, tôi thấy mình trưởng thành, tự tin hơn và nguyện cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành điện thân yêu”, anh Cường bày tỏ.
Cũng theo anh Cường, Đảng không “cầm tay chỉ việc” mà giúp mỗi người có thêm niềm tin, quyết tâm và động lực vào công việc. “Có một số ý kiến cho rằng, công nhân thời nay không có nhu cầu vào Đảng. Việc vào Đảng chiếm nhiều thời gian, tiền bạc và thêm gánh nặng vào họ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều công nhân có suy nghĩ khác. Họ tha thiết cần sự định hướng, sự thông suốt về tư tưởng và đây là bước ngoặt mở ra trang mới để thay đổi cuộc đời họ”, anh chia sẻ.
Từ câu chuyện của bản thân, anh Cường cho rằng, vào Đảng không phải là lợi thế để bổ nhiệm mà vào Đảng để rèn luyện, phấn đấu. Hơn nữa, theo anh Cường, hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức có những luận điệu xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như của tổ chức Công đoàn trong các nghiệp đoàn, công ty, bởi thế việc công nhân vào Đảng sẽ là cách để có những “kháng thể” chống lại “vi rút độc” đó.
Anh Cường tham gia hiến máu tình nguyện tại đơn vị - Ảnh: NVCC
Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Hồng Tuấn - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định luôn khẳng định, Nguyễn Duy Cường là đảng viên xuất sắc, tiêu biểu của đơn vị. Ở đồng chí Cường có tố chất của một người công nhân say sưa, miệt mài với công việc, một người đảng viên tận tụy, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Chưa khi nào thấy đồng chí Cường thoái thác nhiệm vụ mà anh luôn nỗ lực, cố gắng để tìm ra những cách làm mới, ý tưởng sáng tạo trong triển khai công việc.
“Thuộc thế hệ 8X, ở đồng chí Cường có tinh thần, khát khao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của tuổi trẻ. Điều đó đã được hiện thực qua những sáng kiến có tính thiết thực cao, mang lại giá trị kinh tế cho đơn vị và đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao, như: Lao động điển hình tiên tiến EVN giai đoạn 2015-2020, đại biểu EVN tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020… Có thể nói đảng viên Cường đã không chỉ là đại diện công nhân tiêu biểu của Công ty Truyền tải điện 3 mà còn là gương mặt sáng giá của ngành điện. Anh là tấm gương để mỗi công nhân ngành điện học tập, noi theo”, anh Tuấn chia sẻ.
Link gốc