Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 kiểm tra thiết bị, chuẩn bị thao tác
Đường dây 220kV A Vương – Hòa Khánh là một trong những công trình trọng điểm đồng bộ với nguồn được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đầu tư. Với nhiệm vụ truyền tải công suất từ các tổ máy của Nhà máy thủy điện A Vương ( Quảng Nam ) về Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh ( Đà Nẵng ) hòa vào lưới điện Quốc gia và phục vụ việc mua bán điện với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3 (Lào) thông qua trạm cắt 220kV Thạnh Mỹ. Đường dây 220kV mạch kép A Vương – Hòa Khánh chủ yếu đi qua khu rừng nguyên sinh của huyện miền núi Nam Giang, Đại Lộc (Quảng Nam), huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu ( Đà Nẵng).
Đường dây 220kV này là đoạn đường dây rất khó khăn bởi địa hình chủ yếu đi xuyên núi rừng và nằm hầu hết ở trên đồi cao, cá biệt có một đoạn đi qua rừng già nguyên sinh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi được bàn giao tim mốc, các cung đoạn qua khu vực tỉnh Quảng Nam thì vẫn được các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Riêng một số cung đoạn đi qua địa bàn TP Đà Nẵng đã gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết là do sự điều chỉnh quy hoạch của UBND TP Đà Nẵng, mặc dù trước đó hướng tuyến đã được thỏa thuận. Đoạn qua xã Hòa Khương, Hòa Phong thì phải tránh cụm khu công nghiệp của Tập đoàn Thẩm Quyến (Trung Quốc); Đoạn qua xã Hòa Ninh, Hòa Sơn phải tránh các mỏ đá, nút giao thông, nhà hỏa táng, nghĩa trang: Đoạn qua phường Hòa Khánh Bắc phải tránh cụm quy hoạch dân cư Thanh Vinh. Do yêu cầu thay đổi hướng tuyến của địa phương, có đoạn phải thay đổi từ 2 đến 3 lần mới xong. Đến tháng 11/2007 điều chỉnh thiết kế cho hướng tuyến mới hoàn thành qua các địa phương nói trên. Bên cạnh đó có trên 30 hộ dân ở xã Hòa Phong, Hòa Khương đủ điều kiện sống trong hàng lang tuyến theo quy định của Nghị định 106 của Thủ tướng Chính phủ nhưng học vẫn không đồng tình, đòi hỏi mức hỗ trợ đề bù quá cao và gây trở ngại đến tiến độ thi công. Phải nhờ đến sự giúp đỡ, can thiệp của các cấp chính quyền địa phương công việc giải toả cơ bản được hoàn thành. Ngay sau đó các đơn vị thi công đã chia ca ngày và đêm khẩn trương thi công kéo dây dẫn, dây cáp quang và dây chống sét điều kiên mưa gió do ảnh hưởng của các cơn bão số 6, 7, 8.
Có mặt trên công trường những ngày này mưa như trút nước, tôi đã chứng kiến tận mắt thấy những người thợ xây lắp của Công ty xây lắp điện 4, Công ty cổ phần xây dựng Việt Trung, Công ty Cổ phần Việt Á, Công ty Cổ phần Điện địa phương cùng CBCNV của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và Công ty Truyền tải điện 2 đang trần mình với mưa gió tham gia thi công, nghiệm thu công trình trong giai đoạn cuối là kéo dây dẫn, cáp quang và chống sét. Công đoạn cuối cùng này được thực hiện trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, khó khăn trong giải tỏa đền bù nên Tổng Giám đốc và các Ban tham mưu của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã có mặt trực tiếp đẻ chỉ đạo thi công công trình. Tại công trường, anh Nguyễn Hà Đông, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã cho biết: Mục tiêu của NPT là đảm bảo đưa các công trình nối nguồn đi vào vận hành sớm khai thác có hiệu quả các nguuồn điện và nhằm cung cấp điện một cách an toàn, hiệu quả nhất cho các nhu cầu phụ tải của các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó mùa mưa lũ năm nay cũng đã bắt đầu, không để gián đoạn cung cấp điện trong giai đoạn này là một việc cấp bách. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xác định không vì tiến độ công trình mà làm giảm chất lượng, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tham gia thi công, nghiệm thu phải đảm bảo đúng các yêu cầu đề ra , trong đó công tác an toàn cho người và thiết bị vẫn là yếu tố hàng đầu.
Cũng trong thời gian này lực lượng kỹ sư, công nhân của Công ty Truyền tải điện 2 cũng đang ngày đêm bám sát công trường thực hiện nhiệm vụ giám sát, nghiệm thu công trình. Theo chỉ đạo của NPT, Công ty Truyền tải điện 2 trong quá trình nghiệm thu công trình nếu xác định còn các tồn tại thì Công ty Truyền tải điện 2 sẽ hổ trợ các đơn vị và trực tiếp tham gia khắc phục các tồn tại trong thi công để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình. Để thực hiện nhiệm vụ này Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng (Công ty Truyền tải điện 2) đã huy động kỹ sư, công nhân của 4 Đội Truyền tải điện Phước Sơn, Tam Kỳ, Giằng và Đà Nẵng tham gia vào công trình này.
Theo quyết định 415/QĐ – EVN – HĐQT của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong dự án này ngành Điện tiến hành đầu tư mở rộng Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh. Hiện nay Công ty lắp máy Lilama 10 tham gia lắp đặt máy biến áp 220 kV – 125 MVA AT3 và các thiết bị khác thuộc ngăn lộ AT3. Sau khi hoàn thành dự án mở rộng sẽ nâng dung lượng công suất 110 - 220 kV của trạm biến áp 220kV Hòa Khánh từ 213 MVA lên 338MVA. Việc sớm hoàn thành và đưa vào vận hành công trình điện nói trên chính là dấu ấn minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) cũng như của các đơn vị trực thuộc trong điều kiện NPT mới được thành lập. Đường dây 220kV A Vương – Hòa Khánh hoàn thành trong giai đoạn này sẽ tăng thêm độ tin cậy cung như làm cho hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia luôn phát triển một cách bền vững, đảm bảo công tác cung cấp điện an toàn, liên tục cho các tỉnh miền Trung cũng như cả nước
Các thông số đường dây 220kV
- Mức kinh phí đầu tư ( theo phê duyệt khả thi của EVN) : 248.170.000.000 đồng.
- Cấp điện áp: 220kV.
- Số mạch: 2 mạch.
- Điểm đầu: Nhà máy thủy điện A Vương.
- Điểm cuối: Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh.
- Chiều dài : 80,5 km.
- Tổng số vị trí: 233 vị trí.
- Dây dẫn điện: Dây nhôm lõi thép phân pha 2 x ACSR 330/43.
- Dây chống sét: 2 sợi, bao gồm 1 sợi dây cáp thép GW 7/16” và 1 sợi cáp quang OPGW 70 theo tiêu chuẩn ITU G652, có khả năng chịu dòng ngắn mạch ≥ 50kA².s.
- Cách điện: Sứ đỡ chịu lực 70kN, sứ néo chịu lực 160kN.
- Cột : Cột thép, 2 mạch.
- Móng: Đúc bê tông cốt thép tại chỗ.
Tiếp địa: Thực hiện ở tất cả các cột, theo hình thức tia kết hợp cọc.
- Ngày bàn giao tuyến: 19/1/2006.
- Ngày Hoàn thành : 05/10/2008
Đường dây 220kV mạch kép A Vương – Hòa Khánh sau khi hoàn thành, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia giao cho Công ty Truyền tải điện 2 tiếp nhận quản lý vận hành. Trong đó Truyền tải điện Quảng Nam – Đà Nẵng ( Công ty TTĐ2) giao cho Đội Truyền tải điện Giằng quản lý vận hành từ vị trí 01 đến ½ khoảng cột 70 – 71; Đội Truyền tải điện Đà Nẵng quản lý vận hành từ vị trí ½ khoảng cột 70 – 71 đến vị trí 233. Hiện nay Công ty Truyền tải điện 2 đã hoàn thành công tác chuẩn bị sản xuất và sẵn sàng đi vào hoạt động.