Tin trong nước

Tổng Giám đốc EVN làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Trung

Thứ ba, 14/6/2022 | 08:46 GMT+7
Ngày 13/6, tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Tổng giám đốc EVN – Trần Đình Nhân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng những tháng đầu năm 2022.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
 
Tham dự buổi làm việc có ông Mai Quốc Hội – Thành viên HĐTV EVN, các Phó Tổng giám đốc EVN: Võ Quang Lâm, Ngô Sơn Hải, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Tài Anh, Phạm Hồng Phương, Kiểm soát viên nhà nước tại EVN, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn của EVN.
 
Toàn bộ lãnh đạo chủ chốt của EVNCPC và lãnh đạo các ban chuyên môn của EVNCPC dự họp.
 
Nhiều thách thức trong đảm bảo cung ứng đủ điện khu vực
 
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Tấn Cư – Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của EVNCPC đạt 8,387 tỷ kWh, tăng 3,97% so với cùng kỳ 2021 và tăng 10,44% so với cùng kỳ năm 2020. Ước thực hiện năm 2022 đạt kế hoạch EVN giao 21,39 tỷ kWh, tăng 5,22% so với năm 2021.
 
Trong 5 tháng, EVNCPC có 3.661 thiết bị đóng cắt có điều khiển xa, lắp đặt trên 1.155 xuất tuyến trung áp sau TBA 110kV, với tổng chiều dài là 31.488 km đường dây. Tỷ lệ thao tác xa thành công đối với thiết bị 110kV là 99,9%, thiết bị trung áp tại TBA 110kV là 99,8% và thiết bị phân đoạn (Recloser, LBS, RMU) trên lưới là 98,1%.
 

Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư báo cáo tại cuộc họp.
 
EVNCPC đã thực hiện 10.026 lượt đào tạo tập trung trong toàn EVNCPC; thực hiện công tác đào tạo E-learning đạt bình quân 9,3 lượt học/CBCNV/năm; cử CBCNV tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo chuyên gia, các hội thảo về chuyển đổi số trong công tác chuyên môn do EVN tổ chức. Công tác chuyển đổi số của EVNCPC tiếp tục được rà soát, theo dõi và triển khai đảm bảo đáp ứng theo kế hoạch đề ra.
 
Tại buổi làm việc, ông Ngô Tấn Cư nêu một số khó khăn trong quản lý vận hành lưới điện khu vực miền Trung như: Phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn không cao; thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bão lụt vào cuối năm, địa bàn quản lý rộng với nhiều khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khách hàng phân tán, gần 72% khách hàng phân bố ở khu vực nông thôn, miền núi, đã dẫn đến các khó khăn, hạn chế.  
 
Điện thương phẩm chiếm tỷ trọng thấp so với quy mô lưới điện trong toàn EVN ảnh hưởng đến chi phí phân phối điện và năng suất lao động. Giá bán điện bình quân có sự biến động do phụ thuộc nhiều vào tỷ trọng nhóm phụ tải thương mại - du lịch.
 
Lưới điện thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ hàng năm, gây gián đoạn cung cấp điện, thiệt hại về tài sản, tốn nhiều thời gian và chi phí để khắc phục, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng và độ tin cậy cung cấp điện.
 

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
 
Ngoài ra quy mô nguồn năng lượng tái tạo tăng mạnh trong thời gian qua gây khó khăn trong quản lý vận hành. Một số trường hợp nguồn điện làm đầy tải, quá tải lưới điện 110kV, tăng tổn thất điện năng, tiến độ đầu tư lưới điện chưa đồng bộ; Hiệu quả đầu tư các dự án lưới điện chủ yếu nhằm mục đích đảm bảo vận hành lưới điện.
 
Công tác đầu tư xây dựng nhìn chung vẫn còn chậm, gặp nhiều vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Các công trình cải tạo nâng cấp lưới điện trung áp đang vận hành ở các khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn về bố trí mặt bằng, bố trí cắt điện thi công. Đa số các địa phương gần đây yêu cầu ngầm hóa lưới điện tại các khu vực thành thị (TP Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn...), chi phí đầu tư rất cao.
 
Việc tiếp nhận lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng đến tiến trình tiếp nhận lưới điện mà EVNCPC đang mượn tạm để bán điện cho khách hàng, ảnh hưởng đến công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng.
 
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

 
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cùng các Phó Tổng giám đốc ghi nhận và đánh giá cao EVNCPC trong thời gian qua đã rất nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các địa phương trong khu vực. EVNCPC có rất nhiều giải pháp để cải thiện các chỉ số kinh doanh, kỹ thuật và là đơn vị có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả.
 
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, hiệu quả, lãnh đạo EVN đề nghị EVNCPC triển khai kế hoạch cung cấp điện hàng tháng, hàng tuần, điều hành hệ thống đảm bảo cung ứng đủ điện liên tục, chất lượng; kế hoạch kiểm tra định kỳ/đột xuất, kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các công trình nguồn, lưới điện. Sử dụng hiệu quả các phần mềm, chương trình quản lý để cập nhật, dự báo phụ tải kịp thời để điều hành hiệu quả, đảm bảo cung ứng điện liên tục, đầy đủ, đặc biệt trong các giai đoạn thời tiết cực đoan. Báo cáo chính quyền địa phương và cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp trong phối hợp cung cấp điện, sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp sự cố.
 
Tiếp tục áp dụng các giải pháp giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: san tải, cân pha, tăng cường tự động hóa lưới điện, khai thác hiệu quả các Trung tâm điều khiển, giám sát, áp dụng công nghệ hạn chế cắt điện (live-line, vệ sinh sứ online, máy phát, máy biến áp lưu động,...).
 
Chính thức áp dụng CBM cho toàn bộ thiết bị 110kV; Thí điểm áp dụng cho thiết bị lưới trung áp; áp dụng CBM/RCM cho các nhà máy điện là tài sản của EVNCPC. Nghiên cứu xây dựng các mô hình quản lý kỹ thuật, vận hành hướng tới hạn chế sự cố trên lưới điện đặc biệt là sự cố chủ quan, bổ sung các trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, giảm áp lực và hạn chế rủi ro cho người công nhân.
 
EVNCPC cần tiếp tục thực hiện mục tiêu “3 đúng” mà Tổng công ty đã đề ra là áp đúng giá điện; đúng quy trình, quy định; đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân được phân công trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thực hiện “3 tăng”: Tăng chất lượng dịch vụ văn minh - hiện đại, bằng cách áp dụng khoa học công nghệ, số hóa tất cả hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ khách hàng; tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài EVN trên nền tảng “kinh tế chia sẻ” để phát triển dịch vụ khách hàng, thu thập thông tin và chia sẻ chi phí; tăng cường truyền thông; 
 
Khai thác hiệu quả hệ thống đo xa trong ghi chỉ số, dự báo phụ tải, giảm thiểu sai sót do chủ quan. Quản lý hệ thống đo đếm minh bạch, chính xác, đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng và ngành Điện. Tăng tỷ lệ khách hàng giao dịch qua các kênh sử dụng mạng internet (email, website, webchat, ứng dụng EVNCPC CSKH, zalo, facebook, cổng dịch vụ công quốc gia…).
 
Xây dựng và triển khai kế hoạch “Trải nghiệm khách hàng”, hoàn thiện, tối ưu các phần mềm, ứng dụng trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, dịch vụ điện theo phương thức điện tử, cơ chế phối hợp “1 cửa liên thông” phù hợp với mong muốn của khách hàng.
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo EVN và các ban, đơn vị chuyên môn của EVN đã giải đáp thỏa đáng những đề xuất kiến nghị của EVNCPC.
Kim Thái