Khánh thành dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh) có tổng công quất 100 MW, quy mô 25 trụ gió
Ngày 16/1, tại tỉnh Trà Vinh, Công ty CP Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 (thuộc Trungnam Group) tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện gió Đông Hải 1.
Nhà máy điện gió Đông Hải 1 được đầu tư với tổng mức gần 5.000 tỉ đồng, tại vị trí biển V1-7, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; tổng công suất 100 MW, quy mô 25 trụ gió, bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hàng năm, giúp đa dạng nguồn phát và tiến dần đến khả năng cân đối nguồn với năng lượng hóa thạch, giảm thải khí Carbon.
Để thi công dự án, trong gần 10 tháng, Trungnam Group đã vận chuyển gần 70.000 tấn thiết bị nguyên vật liệu trải qua quãng đường hơn 12.000 km để tập kết tại dự án. Hơn 1.100 kỹ sư công nhân trực tiếp có mặt tại công trình, sử dụng với hơn 18.000 tấn thép, đóng trực tiếp 115.000 m cọc thép vào lòng biển để xây dựng móng cho các trụ gió. Quá trình xây dựng trụ lắp ráp các cánh gió sau đó cũng đòi hỏi dàn xe cơ giới cẩu trục có chiều cao 130 m và lực nâng hơn 1.200 tấn để có thể hoàn chỉnh lắp ráp 75 cánh gió vào các trụ ở độ cao 105 m giữa biển.
Toàn bộ các thiết bị của dự án này Trungnam Group đều sử dụng của Siemens Gamesa - công ty hàng đầu thế giới về chế tạo Turbine gió, đơn vị này cung cấp 25 trụ gió, mỗi trụ Turbine gió này có công suất 4MW. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công như thiết bị lớn, khí hậu, thủy văn, dịch bệnh… tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, dự án đã về đích đúng thời hạn, đảm bảo thời gian đưa vào vận hành.
Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh) sẽ bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hàng năm.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – ông Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh là tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng lợi thế để trở thành trung tâm kinh tế của vùng. Để kinh tế phát triển, tỉnh Trà Vinh xác định cần quan tâm đầu tư các lĩnh vực công nghiệp thủy sản, giao thông vận tải biển gắn với hậu cần logistics; dịch vụ biển gắn với sinh thái và phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với bờ biển dài, thềm lục địa nông sâu khác nhau phù hợp cho đầu tư phát triển điện gió. Trong tương lai, tỉnh sẽ là trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió, trong những năm qua, trên cơ sở quy hoạch phát triển năng lượng của tỉnh, tỉnh đã xúc tiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến khảo sát. Đến nay đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng công suất 570 MW, đang thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư cho 1 dự án với công suất 96 MW, đã hòa lưới điện quốc gia 4 dự án với tổng công suất 156,8 MW. Dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 là nhà máy thứ 5 tại tỉnh đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. "Việc dự án hoàn thành và đi vào vận hành thương mại là minh chứng của sự hợp tác hài hòa giữa công tác xúc tiến đầu tư và tham gia đầu tư, minh chứng về Trà Vinh – điểm đến của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo", Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Trungnam Group, Nhà máy điện gió Đông Hải 1 chính thức đi vào hoạt động là thực tế cho định hướng bền vững với năng lượng tái tạo của Trungnam Group, và cũng là minh chứng rõ ràng cho khả năng thực thi của đội ngũ công nhân kỹ sư với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong tương lai.
Trong 5 năm tới, với định hướng “Phát triển bền vững”, xoay quanh nền tảng 3P: People (Con người) - Planet (Hành tinh) - Profit (Lợi nhuận), Trungnam Group hướng đến 2025 sẽ là một Tập đoàn đầu tư bền vững, qui mô toàn cầu, trong đó, năng lượng tiếp tục là ngành kinh doanh mũi nhọn với các dự án trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2021 tại Đắk Lắk, Ninh Thuận, Trà Vinh và một số dự án đang nằm trong kế hoạch phát triển năm 2022.
Dự kiến, đến năm 2025, Trungnam Group sẽ nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5GW điện khí LNG, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải Carbon tương đương hơn 13 triệu tấn carbon so với điện than đồng thời duy trì tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm.
Link gốc