Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao, dẫn đầu toàn ngành

Thứ hai, 20/12/2021 | 10:39 GMT+7
Trong năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận: Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

 
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, GRDP tăng 9%. Đặc biệt, phải kể đến năng lượng tái tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV do Trungnam Group đầu tư.

Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
 
Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhất là đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, kéo dài, khó lường, đã ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, đời sống nhân dân và hoạt động doanh nghiệp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, đồng thời đề ra chương trình công tác, nhiệm vụ đột phá, tăng tốc thực hiện các mục tiêu đề ra, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cơ cấu lại nền kinh tế, khai thác có hiệu quả các nhóm ngành trụ cột, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…
 
Với tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, GRDP tăng 9%, quy mô nền kinh tế gấp 1,15 lần so với năm 2020, sản xuất nông nghiệp tăng 5,98% thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế; năng lượng tái tạo tăng trưởng cao tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành; thu ngân sách vượt 0,2% kế hoạch (3.907 tỷ đồng).
 
Đặc biệt, với vai trò dẫn đầu cho toàn ngành, trong năm qua, năng lượng tái tạo trên địa bàn đã đóng góp không nhỏ đến thu ngân sách của địa phương. Và phải kể đến là đóng góp từ công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư. Công trình được đưa vào khai thác đã trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện quốc gia.
 
Công trình đã được đưa vào vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn hơn 1 năm và là công trình đầu tiên do nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của cả nước tham gia xây dựng và bàn giao cho Nhà nước với giá 0 đồng. Công trình này đã góp phần tạo cú huých đưa tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ...
 
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, sau một năm công trình được đưa vào vận hành, đã chứng minh được hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực; giúp giải tỏa toàn bộ công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tránh được tình trạng phải giảm phát gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; góp phần tăng nguồn thu ngân sách và cải thiện môi trường thu hút đầu tư cho tỉnh Ninh Thuận.
 
Theo đại diện UBND tỉnh cho biết, cùng với việc đóng góp nguồn phát cho hệ thống điện quốc gia, thông qua việc đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam, Trungnam Group đã góp phần chia sẻ đáng kể gánh nặng và giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc huy động công suất và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực Ninh Thuận.
 
Bên cạnh đó, trong hơn một năm vận hành vừa qua, lượng điện từ Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group thông qua Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV trên chỉ chiếm 8% trong quy mô truyền tải, phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và nhà máy nhiệt điện Vân Phong trong tương lai.
 
Cũng theo ông Tiến, chi phí truyền tải thu từ các nhà máy điện tham gia đấu nối, giải tỏa công suất qua hệ thống Trạm 500 kV Thuận Nam đã lên đến hơn 200 tỷ đồng. Trong thời gian sắp tới, khi đường dây Vân Phong - Thuận Nam đi vào hoạt động, cùng với việc các dự án năng lượng khác tiếp tục tham gia đấu nối, với khả năng truyền tải của hệ thống Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam lên đến 6000 MW, chi phí truyền tải đơn vị quản lý Nhà nước thu về sẽ đạt mức 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
 
Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao, dẫn đầu toàn ngành

Đi liền với công trình truyền tải, Trungnam Group cũng được giao làm chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án điện mặt trời có công suất rất lớn này cũng được nhà đầu tư hoàn thành trong vòng 6 tháng. Đây là những lợi thế lớn về mặt thời gian của việc đầu tư bằng vốn tư nhân so với đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để kịp thời đáp ứng giải tỏa công suất cho vài chục nhà máy điện gió, điện mặt trời đang bị giảm phát ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.
 
Gỡ khó, thúc đẩy năng lượng tái tạo
 
Mặc dù, đã đi vào hoạt động thương mại gần 1 năm, đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất thông qua trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân. Tuy nhiên, dự án 450MW Trung Nam Thuận Nam do Trungnam Group làm chủ đầu tư vẫn đang bị cắt giảm công suất, có thời điểm phải cắt giảm hơn 80%.
 
Trong thời gian qua, đã nhiều lần UBND tỉnh kiến nghị, Chính phủ cần sớm có giải pháp, xem xét không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất của dự án. Nhà đầu tư Trung Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị xin được hưởng giá bán điện 7.09 UScent/kWh đối với phần công suất Nhà máy điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000MW , nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận..
 
Đáng lưu ý, sau hàng loạt các kiến nghị từ doanh nghiệp và tỉnh Ninh Thuận về vấn đề này, mới đây, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam. Ngoài ra còn có nhà máy Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận, từ 01/01/2022.
 
Trước thông tin trả lời của EVN, theo chuyên gia năng lượng, nhà đầu tư đã tỏ ra băn khoăn, lo ngại đối với các dự án này, bởi nếu dừng khai thác, sẽ không đi đúng với các điều kiện cần và đủ ban đầu khi cho phép dự án đầu tư. Như vậy, sẽ dẫn đến vỡ bài toán dòng tiền của toàn bộ dự án. Và nếu như vậy, trạm biến áp nên tiếp tục triển khai hay dừng hoạt động?
 
Để gỡ khó cho các dự án trên địa bàn tỉnh, vừa qua, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên. Theo đó, việc EVN sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện (172,12MW) tại tỉnh Ninh Thuận, việc này sẽ làm cho nhà đầu tư đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc thu xếp tài chính để trả nợ ngân hàng cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải TBA 500Kv Thuận Nam và các đường dây đấu nối.
 
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành xem xét, không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất Nhà máy điện mặt trời công suất 450MW kết hợp với TBA 500Kv Thuận Nam và các đường dây 500Kv, 220Kv đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia.
 
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 Uscent/Kwh đối với phần công suất Nhà máy điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000MW tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng vận hành phát thương mại (COD) trước ngày 31/12/2020 và cho phép thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng của EVN.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương