Tự hào ngành điện Việt Nam

Trạm biến áp trong thành phố

Thứ tư, 22/5/2019 | 09:32 GMT+7
Con phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới tân trang, tấp nập người qua lại, nhưng không phải ai cũng nhận ra sự hiện diện của một trạm biến áp công nghệ cao thuộc loại hiện đại nhất thành phố. 
Trạm 110kV Công viên Thống Nhất có quy mô thiết kế 3 máy biến áp MVA, có thể cung ứng điện cho nhiều quận trung tâm Thủ đô như Hai Bà Trưng, một phần các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm và những điểm phụ trợ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, một số trường học trên địa bàn.
 
Trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất, đi vào hoạt động từ tháng 7-2018, đã góp phần không nhỏ vào việc cung ứng điện, ổn định đời sống sinh hoạt cho người dân Thủ đô.
 
Ngôi nhà 3 tầng được thiết kế thân thiện, với hai màu trắng và đỏ khá đẹp mắt, nằm yên bình trong khuôn viên của Công viên Thống Nhất, phía mặt đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhìn từ ngoài vào, người đi đường cứ ngỡ đó là một trụ sở văn phòng, ít ai nghĩ đó lại là trạm biến áp được đầu tư công nghệ cao, hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
 
Kỹ sư Dương Anh Tùng, Phó phòng kỹ thuật vận hành của Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (thuộc EVN Hà Nội) vẫn nhớ như in câu chuyện của cách đây gần 1 năm, khi trạm biến áp 110kV chính thức đóng điện, đi vào hoạt động.
 
“Đó là giữa mùa hè, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực quyết định đưa trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất vào hoạt động để kịp phục vụ bà con đúng đợt nắng nóng cao điểm. Sự kiện này không chỉ là niềm vui của những người trong ngành điện, mà còn được nhiều người dân quan tâm, trông đợi. Với hoạt động của trạm biến áp, điện sẽ được cung cấp đủ cho mùa hè, giảm tình trạng quá tải”, kỹ sư Dương Anh Tùng nhớ lại.
 
Trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất được đầu tư, áp dụng công nghệ GIS, bao gồm các thiết bị cách điện bằng khí SF6. Điều này có nghĩa là toàn bộ thiết bị được cách điện bằng khí và đặt trong đường ống cách điện khí SF6, không tiếp xúc với môi trường, nên thiết bị vô cùng an toàn khi vận hành. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi, và Thủ đô Hà Nội cũng nhanh chóng sử dụng công nghệ này từ nhiều năm nay.
 
“Một trong những tiêu chí đánh giá đây là trạm biến áp hiện đại nhất cả nước, có thể sánh ngang khu vực là bởi độ an toàn tuyệt đối của thiết bị, cho phép các kỹ sư chạm tay trực tiếp vào thiết bị, thay vì phải giữ một khoảng cách an toàn như trước kia. Với sự đồng bộ và hiện đại của các trang thiết bị, đây là trạm biến áp cho phép vận hành không người trực. Điều này mang lại hiệu quả lớn khi chúng tôi đã giảm được nhân lực vận hành xuống gần một nửa quân số so với trước kia”, kỹ sư Dương Anh Tùng phân tích.
 
Trạm biến áp 110kV công viên Thống Nhất được xây dựng trên diện tích 2.000m2, chỉ bằng 1/3 diện tích nếu xây dựng một trạm biến áp ngoài trời có cùng quy mô và công suất. Mô hình này rất phù hợp với Thủ đô Hà Nội, nơi có công suất tiêu thụ lớn nhưng không có nhiều diện tích. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng chính là ưu điểm nổi bật của trạm biến áp công nghệ mới khi được đưa vào vận hành tại Hà Nội.
 
Trong cuộc cách mạng số, việc ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện sống còn với những doanh nghiệp thiên về kỹ thuật như EVN Hà Nội. Làm thế nào để đưa Tổng công ty phát triển như lời Bác dặn năm xưa: “Giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa” luôn là trăn trở của mọi cán bộ, công nhân trong ngành. Và đó cũng là lý do thúc đẩy EVN Hà Nội nhanh chóng mở rộng việc áp dụng công nghệ GIS.
 
Nói về quyết định đưa vào vận hành trạm biến áp 110KV Công viên Thống Nhất cách đây 1 năm, ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội phấn chấn nói: “Việc có thêm 1 trạm biến áp 110kV đã góp phần nâng cao độ ổn định về năng lực cung cấp điện cho Hà Nội. Đây là một dự án trọng điểm, đáp ứng các nhu cầu bảo đảm kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực và sự phát triển lưới điện trong tương lai”.
 
Trạm biến áp 220kV Tây Hồ được vận hành từ xa bởi công nghệ GIS.
 
Những năm gần đây, EVN Hà Nội đã đưa nhiều trạm biến áp sử dụng công nghệ GIS tối tân vận hành ngay trong các khu đô thị. Trước trạm biến áp không người trực 110kV Công viên Thống Nhất, năm 2015, EVN Hà Nội đã đưa vào hoạt động trạm biến áp ở Bờ Hồ và trạm 220kV Tây Hồ, đều được vận hành từ xa bởi công nghệ GIS.
 
Hà Nội hiện có 33/46 trạm biến áp không người trực và 13 trạm điều khiến từ xa. Trong số này, 2 trạm biến áp được đầu tư đồng bộ bằng công nghệ GIS tối tân là trạm 220kV Tây Hồ và 110kV Công viên Thống Nhất. Hiện nay, EVN Hà Nội đang tiếp tục xây dựng thêm trạm biến áp theo công nghệ GIS tại các phố Yên Phụ và Phương Liệt. Các trạm này cũng được đặt trong lòng thành phố như một xu thế tất yếu của việc phát triển điện lưới Thủ đô.
 
“Trước kia, khi mới vận hành trạm biến áp công nghệ mới, các kỹ sư còn chút bỡ ngỡ, phải học các khoá đào tạo, thay đổi thói quen làm việc. Giờ đây, chúng tôi đều đã tự tin tiếp cận công nghệ mới của thế giới. Việc áp dụng khoa học công nghệ để phát triển điện lưới là điều mà EVN đang hướng tới. Đó cũng là xu thế để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực”, kỹ sư Dương Anh Tùng chia sẻ về những đổi mới của ngành điện Thủ đô.
 
Cùng với sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội trong những năm gần đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhiều đô thị mới mọc lên, nhu cầu về điện là vô cùng cấp thiết.
 
Vậy mà từ hơn chục năm nay, Hà Nội không còn xảy ra hiện tượng cắt điện luân phiên do không đủ điện cung cấp. Việc cung ứng điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng ổn định hơn. Chìa khóa chính là ở sự đổi mới công nghệ cung cấp điện, giảm thiểu mức độ tiêu hao điện năng. Song song với đó, ngành điện Thủ đô cũng đang áp dụng nhiều công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ cho người dân để tạo ra sự chuyển biến mang tính đồng bộ, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.

Việc áp dụng khoa học công nghệ để phát triển điện lưới là điều mà EVN đang hướng tới. Đó cũng là xu thế để bắt kịp cuộc cách mạng công  nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực.
 
Theo: Hà Nội mới

Bình luận của bạn

Captcha image

Tin đã đưa