Tiến độ công trình

Trên công trình thủy điện Lai Châu: Tất cả để nhà máy phát điện vào cuối năm 2015

Thứ ba, 4/3/2014 | 09:58 GMT+7
Trên công trình thủy điện Lai Châu hiện có khoảng 5.000 công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc. Hầu hết trong số họ là người dưới xuôi lên đây bám trụ để xây dựng công trình trọng điểm của đất nước.

Khu nhà ở công nhân trên công trường thủy điện Lai Châu.

Vượt lên điều kiện khó khăn, khắc nghiệt nơi vùng sâu, vùng xa, những người thợ trên công trường luôn bám máy, bám rừng, để phấn đấu đến cuối năm 2015, nhà máy thủy điện nơi Tây Bắc tổ quốc sẽ hòa lưới điện quốc gia.

Khó khăn do giá sinh hoạt cao gấp đôi

Công trường đóng trên thị trấn Nậm Nhùn nhỏ bé mới thành lập, cách thị xã Lai Châu gần 140km, đi lại rất khó khăn. Vì thế, hàng hóa tiêu dùng ở dưới xuôi chuyển lên đây được đẩy lên rất cao. Xách chiếc làn đi chợ buổi chiều, chị Lê Thị Hiệp - CN Công ty CP Sông Đà 5 - đảo mấy vòng qua các hàng thịt lợn, thịt gà, cá, nhưng cuối cùng chỉ dám mua 3 quả trứng và mấy miếng đậu về làm bữa ăn tối cho hai vợ chồng.

Chị Hiệp cho biết, mọi đồ ăn ở đây hầu như đều có giá cao gấp đôi dưới xuôi, như thịt gà quê trên này giá 180.000 đồng/kg, trong khi ở Nam Định quê chị có giá chỉ bằng nửa.

Vì vậy, lương CN mỗi tháng 4-5 triệu đồng chỉ đủ đi chợ. Còn anh Tạ Văn Khoát - CN Trạm nghiền 250 XN Sông Đà 5.8 - làm việc ở công trường hơn 1 năm qua mà không dành dụm được đồng nào, bởi lương tháng chỉ đủ sống.

Vợ anh Khoát quê từ Mỹ Đức (Hà Nội) lên ở cùng chồng, nhưng đang rất chán nản muốn về, bởi không có việc làm và thấy cuộc sống chật vật quá. Anh Khoát cho biết thêm, cũng may công trường lo chỗ ở cho mọi người, không phải đi thuê nhà như những nơi khác nên cũng đỡ được một khoản chi đáng kể.

Hiện tại, tất cả CNLĐ trên công trường đều được lo chỗ ở chu đáo. Tính riêng trong năm 2013, toàn công trường xây dựng được 18.000m2 lán trại, đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở và làm việc của CNVCLĐ. Tuy nhiên, những nhu cầu vui chơi, giải trí của họ thì rất khó khăn.

Quyết tâm của người thợ

Rời vị trí làm việc khi mặt trời đã lặn sau dãy núi trước mặt, anh Kiều Văn Quyền - CN đội hàn Tổng đội Lai Châu (Lilama) - cho biết, dù cuộc sống trên vùng cao rất khó khăn, nhưng đại đa số anh chị em CNLĐ luôn xác định, còn ở đây ngày nào thì cũng phải làm việc hết mình.

Anh Quyền khẳng định, anh em thợ đều làm việc theo chế độ khoán nên ai cũng phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo tiến độ, vừa có thu nhập cao hơn. Đó chính là những mục đích cụ thể, rõ ràng của những CNLĐ trên công trường.

Ông Trần Minh Hiếu - Phó Giám đốc Cty CP Sông Đà 7 - cho biết, hầu hết anh chị em lên làm việc trên công trường đều xác định rõ tư tưởng, dẹp khó khăn sang một bên để cố gắng làm việc đạt hiệu quả cao. Nhờ sức LĐ không biết mệt mỏi, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng cao độ, mưa gió thất thường, mùa đông giá rét vẫn bám máy, bám công trường thi công 3 ca liên tục.

Cty CP Sông Đà 7 được giao thi công khoảng 35% tổng số kết cấu bêtông của công trình, số lượng rất lớn, nhưng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch hơn 1 tháng. “Gần 1.000 CNLĐ của Cty chúng tôi đều xứng đáng được khen thưởng bởi những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ” – ông Hiếu nói thêm.

Cty CP Sông Đà 5 cũng có khoảng 1.000 CNLĐ làm việc liên tục trên công trường. Đơn vị một mặt nỗ lực chăm lo chỗ ăn ở chu đáo cho CNLĐ, mặt khác tăng cường động viên anh chị em phấn đấu làm việc đạt năng suất, hiệu quả cao, nên liên tục hoàn thành tiến độ trước 20 đến 30 ngày.

Cuộc sống trên công trường vùng cao này chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng không ngăn cản được ý chí vượt khó của những người thợ giàu truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Giang - người thợ đã làm việc ở công trình thủy điện Sơn La hơn 2 năm, rồi lại chuyển lên công trình này được gần 1 năm - khẳng định quyết tâm: “Chúng tôi sẽ đem những kinh nghiệm thu được từ Sơn La để áp dụng vào đây, phấn đấu hoàn thành vượt mức tiến độ đề ra”.

Quyết tâm của những người thợ ở đây là sẽ đưa thủy điện Lai Châu hòa vào dòng điện lưới quốc gia vào cuối năm 2015.
 
Theo: Báo Lao động