Tiến độ công trình

Thi công đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông: Tất cả cho "Chiến dịch 55 ngày đêm"

Thứ năm, 31/10/2013 | 12:00 GMT+7
Dù đã được trải nghiệm mùa mưa ở miền Nam, nhưng tôi vẫn bị bất ngờ với những trận mưa đột ngột, vội vàng, ráo riết trên mảnh đất Củ Chi, nơi hàng trăm công nhân xây dựng điện đang miệt mài tận dụng thời gian ngưng nghỉ giữa những đợt mưa để dựng cột, kéo dây đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước- Cầu Bông. Bởi họ hiểu được rằng, từng phút nỗ lực của họ sẽ quyết định cho phát triển kinh tế nửa đất nước vào mùa khô năm sau.


Không khí thi công khẩn trương trên công trường thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Hà

Mặc dù đã quen với việc ứng biến trước mùa mưa, nhưng anh em công nhân thi công cũng như anh em bên Ban quản lý các công trình  điện Miền Trung (AMT) vẫn luôn bị căng thẳng bởi những trận mưa kéo dài hơn hai tuần kể từ ngày1-10, cắt điện đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm, mở màn cho Chiến dịch 55 ngày đêm thi công đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông. Vậy nên, thấy âm u đó, nhưng họ vẫn ra lên tuyến bình thường. Bởi đôi khi, trạng thái âm u còn kéo dài cho tới khi họ vào tuyến và trở về xong công việc. Lại cũng có khi, mây đen vần vũ một hồi lại bị gió lớn, đẩy sang khu vực khác, và chỗ tưởng không mưa lại hóa có mưa và ngược lại. Rồi nữa, mưa nhanh trút và cũng nhanh tạnh. Cái gì cũng “nhanh nhanh” hệt như nhịp làm việc gấp gáp của những người thợ trên công trường.  Họ miệt mài không nghỉ, chẳng ai bận tâm đến những đám mây đang vần vũ, tất cả hòa trong hối hả của công trường trong chiến dịch quan trọng, quyết định đến việc thiếu đủ điện của một nửa nền kinh tế vào năm 2014. Cũng chẳng ai bận tâm cánh nhà báo hay những đoàn cán bộ kiểm tra tiến độ, vì đã là chiến dịch quan trọng của một dự án quan trọng thì sự có mặt của các nhà báo hay các đoàn lãnh đạo đến kiểm tra tiến độ  là điều tất yếu.  Những đám mây tích tụ nước cứ trôi, tới đâu nặng quá thì trút xuống. Rồi lại bay, lại tích tụ hơi nước, lại trút, lại bay, nhưng  nhịp độ làm việc của những người thợ đường dây phía dưới mưa dường như không bị xáo trộn.

Trên tuyến cùng với những người thợ xây dựng đường dây, điều cảm nhận rõ nhất là không dễ thấy cái thảng thốt của cán bộ cũng như anh em công nhân  trước những trận mưa nước ầm ào trút xuống. Chỉ một thoáng thôi, có khi đứng ở ngay cạnh hiên mà mưa nhanh tới mức, chạy biến vào nhà ngay vẫn ướt. Ở nơi đây, cái thất thường của tự nhiên đã trở thành cái bình thường trong ứng xử của con người. Không vội vàng, không sốt ruột. Thấy mưa to thì dừng lại, hết mưa lại làm tiếp, gần một tháng nay ngày nào cũng vậy.  Không hoảng hốt khi cơn mưa vần vũ trên đầu.

Do khó khăn về quỹ đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đoạn đi trên địa phận huyện Củ Chi phải sử dụng hành lang tuyến của đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm phải cải tạo lên 2 mạch để sử dụng cho công trình; đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm, đoạn từ vị trí cột 1097  đến 1113 cũng cải tạo lên 2 mạch, trong đó 1 mạch sẽ được hoàn trả cho đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm. Đồng thời, sử dụng hành lang tuyến của đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi hiện hữu để cải tạo lên 4 mạch: 2 mạch 500kV sử dụng cho công trình và 2 mạch 110kV để hoàn trả và dự phòng cho đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi (đoạn từ vị trí cột 8202 đến 8301). Ngoài ra, để tận dụng hành lang của đường dây 500kV, đoạn từ 8301 đến 8403 cũng tiến hành cải tạo lên 4 mạch, trong đó 2 mạch sẽ được sử dụng cho đường dây đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi (đoạn đường dây 110kV hiện hữu từ  vị trí cột 77 – 68 sẽ được tháo dỡ để hoàn trả hành lang tuyến cho địa phương).

Việc thi công các đoạn tuyến nêu trên đã phải cắt điện các đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm; đường dây 500kV Đăk Nông-Phú Lâm; đường dây 110kV Tân Định-Phú Hòa Đông-Củ Chi; các đường dây 110kV (Tân Định-Phú Hòa Đông-Củ Chi và Hóc Môn-Tân Quy-Phú Hòa Đông), các đường dây trung thế và hạ thế có giao chéo với các đoạn tuyến đường dây cần xây dựng nêu trên. Đặc biệt, việc thi công các đoạn tuyến 500kV trên  làm gián đoạn thông tin cáp quang trên các đoạn tuyến đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm và Đăk Nông-Phú Lâm. Vì vậy, khi thi công, AMT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Công ty truyền tải điện 4, Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Các Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam, Công ty mang lưới Viettel…  

Để đảm bảo tiến độ, đối với các vị trí cột chưa dựng xong ở phần xà trên, thì các đơn vị thi công néo tạm tại thân cột để đồng thời tiến hành rải dây đợi khi nào xong phần xà thì kéo dây lên. Phương pháp thi công này đã rút ngắn được rất nhiều thời gian thi công nhưng để thực hiện được phải bố trí mặt bằng thật khoa học để vừa thi công dải dây, vừa dựng cột nhưng lại không ảnh hưởng đến việc thi công của nhau.
 


Công nhân tranh thủ thi công khi thời tiết thuận lợi trong ngày, khắc phục những khó khăn do phải thi công trong mùa mưa. Ảnh: Ngọc Hà

Phần hành lang đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, đoạn đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh có 686 hộ bị ảnh hưởng đất trong hành lang, đến nay đã chi trả tiền bồi thường cho 172 hộ. Hiện, TP Hồ Chí Minh  đang tiếp tục kê kiểm và áp giá bồi thường phần cải tạo đường dây 500kV để chi trả tiền, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thửa đất chưa tìm được chủ sử dụng do các hộ dân mua bán sang tay đất trong hành lang tuyến của các đường dây 500kV nên việc xác định chủ tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo AMT thì phần đông các hộ đều thực hiện theo phương án bồi thường đã được huyện Củ Chi phê duyệt. Duy có một trường hợp của hộ bà Phan Thị Rí và chồng là Huỳnh Văn Có ở ấp Chợ- xã Trung An- huyện Củ Chi là kiên quyết không chấp nhận với mức giá bồi thường như mọi người khác.

Trước đây, khi xây dựng đường dây 500kV Pleiku-Phú Lâm, đã xây dựng một vị trí cột trên phần đất nhà bà Phan Thị Rí, nên ngoài đền bù đất xây cột, gia đình bà được đền bù hành lang đường dây đi qua với tổng số tiền đền bù là 249 triệu. Số tiền trên được nhận làm 3 đợt. Đợt 1, đợt 2, gia đình bà Rí đều ký nhận như các hộ khác, song đến đợt 3, còn 37,7 triệu thì gia đình bà không chịu ký nhận và yêu cầu tăng giá gấp 3 lần so với phương án đã được huyện Củ Chi duyệt, đồng thời, kiên quyết không cho lực lượng thi công kéo dây. Hồi ấy, UBND huyện và các lực lượng đã phải hỗ trợ thi công. Số tiền 37,7 triệu mà gia đình bà Rí không nhận đã được gửi vào Ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn từ năm 2006 đến nay.

Cải tạo đường dây lần này thì vị trí cột ở trên đất nhà bà Rí được dỡ bỏ, chỉ có đường dây đi qua. Hành lang tuyến mới cũng hẹp hơn hành lang tuyến cũ 8m (còn 32m thay cho 40m trước đây), nhưng do chính sách đền bù hiện nay của TP Hồ Chí Minh quy định hỗ trợ giá trị đất nông nghiệp nên số tiền hỗ trợ của gia đình bà Rí khi xây dựng đường dây mới cao hơn trước, với số tiền là 433 triệu đồng. Nhưng lần này gia đình bà Rí cũng không chấp thuận mà yêu cầu bồi thường giá đất tăng gấp 5 lần; đền bù cây tràm, cây bạch đàn trồng trên đất cao hơn từ 4-5 lần, mặc cho UBND xã và các tổ chức đoàn thể nhiều lần đến nhà vận động, giải thích.

Với tiến độ kéo rải căng dây và lắp đặt thiết bị hoàn thành tháng 4-2014, đối với các hộ cố tình gây khó khăn cho công tác thi công, làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của công trình thì “việc công cứ phép công ta làm”.
 
Thanh Mai / Icon.com.vn