Thông báo và phân công các công việc cho công nhân phải thực hiện trước khi trèo lên cột tại vị trí 377.
Chạy đua với thời gian
Đúng 5h sáng ngày 10/10, khi bầu trời còn tối đen, mưa bắt đầu rơi nặng hạt báo hiệu một ngày đầy gian khổ của những người thợ truyền tải trên công trường 500kV Sơn La- Hòa Bình, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt ở trụ sở của Đội truyền tải điện Mai Châu thuộc Truyền tải điện Hòa Bình, Công ty Truyền tải điện 1. Tại đây đã có gần 50 công nhân kỹ thuật với trang thiết bị, dụng cụ lao động được chia thành các tổ, nhóm để sẵn sàng đến những vị trí cột được phân công. Trong hành trang cá nhân của mỗi người thợ đều có thêm những nắm cơm, gói xôi hoặc bánh mì và chai nước để các anh có thể ăn trưa ngay tại ví trí thi công.
Được biết, công trình sửa chữa, thay cách điện và phụ kiện đường dây tại 73 vị trí thuộc tuyến đường dây 580 Sơn La (T500 SL) -574 Hòa Bình (T500 HB) có gần 150 cán bộ, công nhân được PTC1 huy động đến từ các đơn vị truyền tải: Tây Bắc 2, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. Công trình được thi công từ ngày 9-11/10 và chỉ có 72 h cắt điện để cho công tác thi công.
Một khối lượng công việc rất lớn đã được chuẩn bị trước đó để công tác thi công được thông suốt, đảm bảo an toàn và đúng tiến độ. Gần 80 tấn thiết bị, phụ kiện và dụng cụ phục vụ cho công tác thi công đã được vận chuyển đến chân các vị trí cột. Trong đó, các đơn vị truyền tải điện đã phải huy động gần 100 lao động là người dân tại địa phương để cùng với công nhân gùi, vác, cõng hàng tấn thiết bị, phụ kiện trèo đèo, lội suối, băng rừng lên đến vị trí thi công.
Hơn 7h sáng chúng tôi đến vị trí cột 350 thuộc địa phận huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình, trời vẫn đang mưa nhỏ lất phất, các công nhân đã có mặt ở đây từ rất sớm và đã lên đến chân cột. Tuy nhiên sau một đêm mưa, đường núi trơn trượt, nhiều đoạn dốc đứng hơn 45 độ, khiến chúng tôi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhằm đảm bảo an toàn cho thiết bị tác nghiệp và cho bản thân. Có lẽ ủng là vật dụng hữu ích và an toàn nhất cho leo núi lúc này cùng với một cây gậy để chống. Và đúng như một công nhân ở đội truyền tải điện Mai Châu nói “lúc lên chúng em phải đi bằng “4 chân” và khi xuống núi là “3 chân” nên các anh, chị luôn phải chuẩn bị sẵn một cây gậy trong tay”.
Ấn tượng nhất của nhóm phóng viên chúng tôi không phải là hình ảnh vượt qua quãng đường núi trơn trượt, hay lội qua con suối mà trên vai, trên lưng các công nhân vẫn mang trên mình hàng chục kilogam thiết bị, dụng cụ lao động mà là hình ảnh những người thợ truyền tải điện đến giữa trưa vẫn treo mình ở độ cao 40-50m để ăn tạm gói xôi, nắm cơm hay đôi khi chỉ là cái bánh mỳ hoặc quả trứng luộc và sau đó tiếp tục công việc cho đến khi hoàn thành. Trong tiết trời mưa phùn nhẹ, cái lạnh cứ ngấm dần vào cơ thể của các anh, nhưng mồ hôi của mỗi công nhân vẫn cứ “túa ra”, các anh vẫn tập trung cao độ để tháo dỡ hàng tạ chuỗi cách điện và sau đó là những chuỗi cách điện mới lại được kéo lên để lắp đặt sao cho chính xác tuyệt đối và đảm bảo an toàn cho mình và thiết bị.
14h chiều cùng ngày công việc tại vị trí cột 350 đã hoàn thành, thu dọn dụng cụ lao động cùng thiết bị cũ được tháo dỡ, lại một hành trình gian khổ từ vị trí thi công để xuống núi đối với người thợ truyền tải bắt đầu. Lúc này sự mệt mỏi mới hiện hữu trên khuôn mặt các anh, nhưng họ vẫn thấy vui vì công việc đã hoàn thành. Xuống đến chân núi, dừng chân tại nhà dân bên đường, tháo găng tay bảo hộ và ủng ra là những đôi tay, bàn chân trắng bệch, nhăn nheo vì ngấm nước và bị lạnh, có những người bị vắt cắn nhiều đến nỗi chỉ còn lại những vết sẹo mờ lấm chấm ở chân, lúc này họ mới có thể thay những bộ quần áo đã bị ướt đẫm trên người, uống cốc trà ấm và trở lại nhà công vụ nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho những vị trí thi công tiếp theo vào ngày hôm sau.
Vượt qua thách thức
Ông Phan Đông Minh- Phó Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình - cho biết: Đường dây 500kV Sơn La- Hòa bình có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, đây là tuyến đường dây huyết mạch nhằm giải tỏa công suất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, phục vụ an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Sau 10 năm vận hành do đường dây chủ yếu đi qua vùng đồi núi cao, vượt thung lũng sâu, khí hậu khắc nghiệt, thay đổi bất thường theo mùa, mùa hè thì năng nóng nhiệt độ môi trường lên đến 39-40 độ C, mùa đông lại lạnh giá nhiệt độ môi trường xướng dưới 5 độ C. Do đó, cách điện composite sau khi vận hành khoảng 10 năm đã xuất hiện các tán cách điện vật liệu silicone bộc lộ lão hóa và có hiện tượng rách tán rạn, rêu bám dày đã làm suy giảm khả năng cách điện, đặc biệt tại tuyến đường dây 580 Sơn La (T500 SL) -574 Hòa Bình (T500 HB) có 73 vị trí phải sửa chữa thay thế trong đó 20 vị trí nằm ở Mai Châu của tỉnh Hòa Bình, còn lại 53 vị trí thuộc các địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ của tỉnh Sơn La.
“Điều này là khó khăn không nhỏ cho công tác tổ chức thi công bởi công tác phòng chống dịch hiện nay ở mỗi tỉnh có những quy định khác nhau. Để vận chuyển gần 100 trăm tấn thiết bị, phụ kiện và di chuyển hơn 100 lao động tại các địa phương khác đến Hòa Bình và Sơn La thi công chúng tôi đã phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và của các địa phương có vị trí thi công đưa ra”, ông Phan Đông Minh - chia sẻ.
Bên cạnh đó, địa hình phức tạp chủ yếu là núi đá, đường giao thông đi lại khó khăn, đa số các vị trí thi công xe ô – tô chở thiết bị, phụ kiện đều phải tập kế trên đường, người công nhân phải đi bộ tiếp tục mới tới chân cột thi công. Chính vì địa hình quá phức tạo nên hầu như các phương tiện thi công cơ giới không thể tiếp cận các vị trí cột. Tất cả phải làm bằng sức người: vận chuyển vật tư, thiết bị, dụng cụ… bằng kéo cáp hoặc thuê người dân địa phương gùi, vác lên núi.
Anh Đinh Sỹ Chung- Đội trưởng Đội truyền tải điện Mai Châu chia sẻ- vị trí cột 350 hôm nay mà các nhà báo đến là tương đối thuận lợi so với nhiều vị trí khác do gần đường giao thông, chỉ đi bộ khoảng 800m là đến nơi, tuy đường núi dốc nhưng lại không phải lội qua suối hay các đi sâu vào trong rừng như nhiều vị trí cột khác. Trong lần thi công này vị trí 371 thuộc đèo Thung Khe là khó khăn vất vả nhất khi mà người công nhân phải đi bộ hơn 2 km đường rừng, vách núi đá dựng đứng, đường trơn trượt, và như thời tiết mưa nhỏ hôm nay thì người công nhân phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới đến vị trí cột thi công.
Anh Nguyễn Văn Giang- Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình chia sẻ: Công việc của những cán bộ, công nhân truyền tải điện thì vất vả, liên tục di chuyển trên những địa hình phức tạp, thường xuyên phải xa gia đình, một hai tháng mới về thăm là chuyện thường. Chính vì vậy, mà lãnh đạo công ty PTC1 cùng Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đoàn thể luôn quan tâm, bám sát công trường thi công, động viên cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Nhờ đó, những người “lính” truyền tải luôn thấy ấm lòng và yên tâm cống hiến, nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức để mỗi công trình đều đảm bảo về tiến độ và chất lượng, vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc.