Trong buổi tiếp, hai bên đã điểm lại một số nét chính của ngành năng lượng và thị trường điện của Việt Nam. Hai bên nhất trí cho rằng với nhu cầu về năng lượng ngày một gia tăng trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ cần sản xuất bổ sung 1GW điện/năm và sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện.
Thứ trưởng Hoàn Quốc Vượng cho biết, nhận thức được những rủi ro của việc quá phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống cũng như sự cần thiết của việc phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo, có tính bền bỉ và thân thiện với môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo vào tổng công suất hệ thống từ 1% lên 6% trong 15 năm.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các Bộ/ngành liên quan để dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung và Hanwha Q-Cells nói riêng tận dụng khoảng thời gian này tiến hành các khảo sát thực địa, làm việc trước với chính quyền các địa phương có tiềm năng.
Ông Moon Hwan Cha cho biết, Hanwha Q-Cells là một tập đoàn đa quốc gia lớn của Hàn Quốc và có lợi thế cạnh tranh về công nghệ xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Điện mặt trời, về cơ bản, có ưu thế hơn các dạng năng lượng khác nhờ tính ổn định và bền vững, yêu cầu thời gian lắp đặt nhà máy thấp và thân thiện với môi trường. Hiện Hanwha Q-Cells đã xây dựng nhà máy điện mặt trời ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia với tổng công suất thiết kế 5,5GW/năm và sản lượng trung bình của một nhà máy là 400MW/năm.
Chủ tịch Hanwha Q-Cells cũng cho biết, vừa qua Hanwha Q-Cells cũng đã tiến hành một số khảo sát thực địa và nhận thấy khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ của Việt Nam (như Bình Thuận, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) có số giờ bức xạ cao trong năm và rất thích hợp để xây dựng các nhà máy điện mặt trời tại đây. Theo các tính toán của Hanwha Q-Cells, nếu tìm được đối tác Việt Nam, tập đoàn dự kiến sẽ mất 6 tháng để đàm phán và 2 năm để xây dựng một nhà máy có công xuất thiết kế 500MW/năm trên diện tích ~500ha.
Kết luận tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Bộ Công Thương ủng hộ các nhà đầu tư có khả năng huy động vốn lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như Hanwha Q-Cells đầu tư tại Việt Nam và sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để xúc tiến các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước nói chung cũng như của Hanwha Q-Cells với các đối tác Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.
Theo: Báo Công thương