Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than. Ảnh: SCOL
Đây là nhà máy thủy điện đang xây lớn nhất thế giới và công suất lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Nhà máy thủy điện Tam Hiệp. Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than ở thượng lưu sông Dương Tử, tức Trường Giang, nằm giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc đã chính thức phát điện sáng 28/6. Đây là dự án tiếp theo của Tập đoàn Tam Hiệp xây dựng trên sông Kim Sa, được đánh giá là có quy mô lớn nhất và độ khó cao nhất thế giới hiện nay.
Dự án thủy điện Bạch Hạc Than gồm các công trình chính như đê ngăn sông, công trình xả lũ, hệ thống dẫn nước và phát điện... Tổng dung tích chứa của đập là 20,627 tỷ m3, chiếm 91% lưu vực sông Kim Sa. Đây là một phần quan trọng của hệ thống kiểm soát lũ sông Dương Tử. Mực nước tích trữ của đập là 825m.
Các công trình chính của Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than khởi công xây dựng hồi tháng 8/2017, bắt đầu trữ nước vào tháng 4/2021. Như vậy, Trung Quốc chỉ mất 4 năm để hoàn thành nhà máy thủy điện khổng lồ có mức đầu tư 170 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 26 tỷ USD) này, bất chấp địa hình hiểm trở và xa xôi, với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Theo phía Trung Quốc, Bạch Hạc Than có độ khó kỹ thuật về tổng thể số 1 thế giới với 6 chỉ tiêu kỹ thuật chính đứng đầu toàn cầu, như công suất mỗi tổ máy phát điện đạt 1 triệu kw, quy mô hang động ngầm lớn nhất thế giới; thông số chống động đất của đập vòm cao 300m, cao nhất thế giới.
Tổng công suất của Bạch Hạc Than là 16 triệu KW với 16 tổ máy, chỉ sau đập Tam Hiệp và đứng thứ hai trên thế giới. Sản lượng điện trung bình trong nhiều năm của nhà máy này dự kiến đạt 62,443 tỷ kWh, điện năng chủ yếu phục vụ tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, cách đó khoảng 2.000km về phía Đông, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế vùng tam giác sông Dương Tử.
Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm khoảng 19,68 triệu tấn than, giảm phát thải 51,6 triệu tấn carbon dioxide (CO2), 170.000 tấn lưu huỳnh dioxide (SO2) và khoảng 150.000 tấn nitrogen oxide (NO2).
Mặc dù chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ cách tiếp cận chi tiết để đáp ứng mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng phát triển thủy điện đã được đề cao trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, cũng như tầm nhìn 2035.
Cùng với việc mang lại nhiều lợi ích về đảm bao an ninh năng lượng cho Trung Quốc, cũng như giảm bớt khí thải CO2, dự án Bạch Hạc Than cũng đang khiến dư luận đặt câu hỏi về những tác động lên hệ sinh thái và môi trường nơi con đập tọa lạc. Dự kiến, tất cả các tổ máy của nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2022.
Link gốc