Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung: 32 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu, 31/7/2015 | 13:39 GMT+7
32 năm qua, trường Cao đẳng Điện lực miền Trung đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để cung cấp cho ngành điện nguồn nhân lực chất lượng cao và hiệu quả.
 
 
Lúc mới thành lập, trường trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung- EVNCPC). Năm 1984, 291 học sinh khóa 1 đã nhập học trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất, không có phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, hầu hết thầy cô giáo đều vừa rời ghế nhà trường, còn rất trẻ được phân công về trường giảng dạy. Khi các công trình nguồn điện quy mô lớn trên địa bàn miền Trung được khởi công như Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (15/9/1991), Yaly (04/11/1993), cùng với đó là sự phát triển nguồn và lưới điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhiệm vụ của nhà trường ngày càng được xác định rõ. Trong giai đoạn này, ngoài đào tạo theo nhu cầu của các đơn vị, công tác tuyển sinh hàng năm của trường duy trì ổn định từ 300 đến 400 chỉ tiêu.   
 
Ngày 16/7/1997, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành quyết định số 1050/QĐ-TCCB nâng cấp và đổi tên trường thành Trung học điện 3. Năm 2000, trường trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam theo quyết định số 26/2000/QĐ-BCN ngày 6/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Sáu năm sau, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 3017/QĐ-BGD&ĐT ngày 19/6/2006 thành lập trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) trên cơ sở trường Trung học Điện 3, đánh dấu mốc phát triển của trường cả về quy mô và trình độ đào tạo.
 
Đội ngũ cán bộ viên chức (CBVC) phát triển về số lượng và chất lượng.  Trong 10 năm đầu (1983 – 1993) chỉ có 50 người, trong đó có 20 giáo viên với 9 người có trình độ đại học. Đến năm 2003, nhà trường có 84 CBVC với 56 giáo viên, trong đó có 7 người trình độ sau đại học, 43 đại học. 90% giáo viên của trường tham gia các khóa bồi dưỡng tại nước ngoài theo các chuyên đề khác nhau: Sử dụng và bảo dưỡng thiết bị, phương pháp dạy học hiện đại, sản xuất đồ dùng dạy học, xây dựng chương trình đào tạo…tại các trung tâm đào tạo Jokkmokk, Gothenburg, đại học Lund, công ty Terco (Thụy Điển), đại học Stafford, công ty TecQuipment (Anh)… 
 
Đến nay, đội ngũ CBVC của trường là 130 người, trong đó có 100 giáo viên với 68 người trình độ sau đại học của nhiều ngành: Hệ thống điện, Điện tử viễn thông, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng….Từ năm 2000 đến nay, qua 6 kỳ Hội giảng toàn tỉnh, đoàn giáo viên của trường đều đoạt giải nhất toàn đoàn, 43 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra còn có 15 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc trong các Hội thi cấp quốc gia. Chính tài nguyên nguồn nhân lực này là yếu tố quyết định đưa nhà trường vượt qua những giai đoạn khó khăn để đạt được thành quả hôm nay.   
 
Đi đôi với việc phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng là sự tăng trưởng quy mô đào tạo. Khóa tuyển sinh đầu tiên năm 1984 có 291 học sinh nhập học các nghề: Vận hành điện, sửa chữa điện, vận hành lò, sửa chữa lò, vận hành tuốc bin, sửa chữa tuốc bin, kiểm nhiệt và thí nghiệm hóa nhằm cung cấp đội ngũ công nhân cho nhà máy nhiệt điện Cầu Đỏ. Năm 1986, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới thì nhiệm vụ chính trị của trường cũng thay đổi, không chỉ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành điện miền Trung mà còn cung cấp cho các ngành kinh tế khác trên cả nước. Dù vậy, quy mô đào tạo bình quân trong 10 năm đầu chỉ có 180 học sinh/năm, 10 năm tiếp theo đã lên đến 840 học sinh/ năm. 
 
Ngoài các hệ đào tạo chính quy, nhà trường còn tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng yêu cầu xã hội. Ngay từ những năm đầu thành lập, nhà trường đã tổ chức các lớp chuyển đổi nghề cho đội ngũ công nhân vận hành nhà máy điện diezel sang các nghề khác phù hợp với tình hình phát triển lưới điện của các Công ty Điện lực; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, bồi dưỡng nghề và thi nâng bậc hàng năm của các đơn vị trong và ngoài ngành. 
 
Ông Nguyễn Xuân Bản, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho biết: “Hiện nay, trường có gần 4.000 học sinh, sinh viên đang theo học với 10 ngành nghề. Trường đã đào tạo hơn 16.000 công nhân, trung cấp, cao đẳng và đại học tốt nghiệp ra trường đang có mặt trên mọi miền đất nước. Ngoài các hệ đào tạo chính quy, nhà trường còn tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Từ năm 1992, khi chủ trương đưa điện về khu vực nông thôn, miền núi được đẩy mạnh, nhà trường đã tổ chức nghiên cứu nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất để triển khai đào tạo lực lượng công nhân quản lý điện địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhà trường đã đào tạo 60 lớp kỹ thuật viên vận hành nhà máy thủy điện của các doanh nghiệp trên cả nước. Trong năm học 2015-2016, chúng tôi sẽ triển khai công tác tuyển sinh đúng quy định, thực hiện chế độ thông tin kịp thời báo cáo đầy đủ, phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển sinh; đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu các đơn vị trong ngành và xã hội, chủ động liên hệ các đơn vị mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, nâng bậc, an toàn v.v…”.