Truyền tải an toàn gần 200,9 tỷ kWh

Thứ sáu, 7/1/2022 | 07:58 GMT+7
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết năm 2021, Tổng công ty đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, đạt 94,1% kế hoạch Tập đoàn giao và giảm 1,47% so với năm 2020. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đánh giá của lãnh đạo EVNNPT cho thấy sản lượng điện truyền tải sụt giảm mạnh xuất phát từ nguyên nhân chính do sự phát triển mạnh của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt các nguồn điện mặt trời mái nhà phát thẳng vào lưới điện phân phối, không đi qua lưới truyền tải và sụt giảm sản lượng điện tiêu thụ của phụ tải do dịch COVID-19.
 
Theo EVNNPT, trong năm 2021, mặc dù tình hình vận hành lưới điện truyền tải đã được cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đây, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức do lưới truyền tải nhiều nơi chưa đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1, một số khu vực vận hành vẫn  trong tình trạng đầy và quá tải tại một số thời điểm và tình trạng vi phạm hành lang lưới điện truyền tải vẫn diễn ra rất phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 với các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. 
 
Khắc phục những khó khăn bất cập trên, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật và vận hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện. Đồng thời bố trí, sắp xếp lực lượng vận hành để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Mặt khác, công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, thí nghiệm định kỳ đã được triển khai thực hiện ngay từ những tháng cuối năm 2020 để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, ổn định.  
 
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của thế giới và đất nước. Trong khi đó, lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Nam tiếp tục phải truyền tải cao trong giai đoạn các năm tiếp theo và lưới truyền tải điện còn nhiều nơi chưa đáp ứng tiêu chí N-1. Cùng với đó, tình trạng vi phạm hành lang lưới điện truyền tải vẫn diễn ra rất phức tạp và khó lường; tỷ trọng các nguồn NLTT tăng cao ảnh hưởng đến việc đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện; nguồn nhân lực đặc biệt là các công nhân lành nghề làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có xu hướng già hóa... khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPT tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như biến động tỷ giá ngoại tệ, chính sách tín dụng, tiền tệ...
 
Mặc dù vậy, EVNNPT vẫn đặt mục tiêu sản lượng điện truyền tải khoảng 205,4 tỷ kWh, tăng 2,25% so với thực hiện năm 2021. Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo EVNNPT cho biết sẽ tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải cao để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
 
Cùng với tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, triển khai các biện pháp toàn diện và quyết liệt nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố, cháy nổ; Tập trung công tác điều tra, phân tích sự cố để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp xử lý hiệu quả và kịp thời, Tổng công ty còn tăng cường kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến đường dây cao áp, đảm bảo an toàn môi trường trong quản lý vận hành và đầu tư xây dựng. Đồng thời, tăng cường quản lý kỹ thuật; tập trung xử lý các khiếm khuyết về chất lượng đối với các công trình lưới điện truyền tải; Đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố.
 
Tổng công ty cũng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh, vệ sinh hotline, định vị sự cố, giám sát trực tuyến thiết bị chính, flycam và phân tích hình ảnh bằng AI, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết kế phòng cháy chữa cháy các trạm biến áp (TBA) 220-500kV... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động.
 
Thực hiện nhiệm vụ chủ đề năm 2022 là ”Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”, trong năm 2022, Tổng công ty sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành quy định thông số kỹ thuật của các thiết bị chính đang vận hành trên hệ thống truyền tải điện; Tổ chức tổng kết, đánh giá chất lượng các thiết bị đang vận hành, làm cơ sở để xem xét có hình thức xử lý các nhà sản xuất thiết bị kém chất lượng. Đồng thời xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị theo tình trạng vận hành (CBM) nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện. 
 
Bên cạnh tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng công tác thiết kế và chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp và đường dây, Tổng công ty còn kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị đưa lên lưới điện truyền tải. Mặt khác, tập trung vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải điện quốc gia, giảm tối đa tình trạng quá tải....
 
Tổng công ty cũng xây dựng và thực hiện các kịch bản vận hành linh hoạt lưới điện, chủ động các tình huống khi có tình hình lây lan dịch bệnh ở các đơn vị, địa phương hay khi có sự cố, diễn biến bất thường khí hậu thủy văn; nắm bắt diễn biến tình hình phụ tải, thời tiết, dịch bệnh … để có giải pháp điều hành kịp thời, đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2022.
 
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, Tổng công ty đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện truyền tải an toàn ngay cả trong điều kiện có dịch bệnh, thiên tai diễn ra; Có các phương án vận hành hệ thống lưới điện 500-220 kV an toàn, tin cậy và triển khai đề án giảm sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện giai đoạn 2021-2025.
 
Cùng với việc triển khai áp dụng sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện, tập trung theo tình trạng vận hành, Tổng công ty sẽ thực hiện phần mềm quản lý dòng tiền theo đúng yêu cầu của Tập đoàn.
 
Theo EVNNPT, trong các năm qua, Tổng công ty đã thực hiện triệt để chủ trương tiết kiệm lao động, hầu như không tuyển dụng lao động gián tiếp. Lao động tại Cơ quan Tổng công ty trong nhiều năm được duy trì thấp hơn nhiều so với định biên đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động chung của Tập đoàn. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng quá tải đối với lực lượng lao động gián tiếp, nếu tiếp tục kéo dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện các công việc được giao. Nhằm tạo điều kiện cho EVNNPT bố trí, sắp xếp, bổ sung lao động gián tiếp phục vụ quản lý, điều hành, Tổng công ty đã đề nghị Tập đoàn xem xét tăng định biên lao động gián tiếp, đặc biệt đối với Cơ quan EVNNPT. Đồng thời giao EVNNPT chủ động phân bổ định biên lao động gián tiếp, bảo đảm tổng định biên không vượt quá số lượng được giao.
Mai Phương