Kiểm tra, sửa chữa tại vị trí cột 23 đường dây 220 kV Pleiku 2 - Phước An.
Tập trung xử lý sự cố trên tuyến đường dây
Ông Phạm Minh Đông, Phó Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, cho biết: Các đường dây 220kV do đơn vị quản lý nằm cách xa khu dân cư, chủ yếu đi trên núi cao, đèo dốc; địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên công tác xử lý sự cố do mưa bão gặp không ít khó khăn. Đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), các đội xung kích, luôn duy trì trực 24/24 giờ trong các ngày mưa bão. Trước mùa mưa bão, xử lý khắc phục triệt để các tồn tại trên đường dây, đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ những vị trí xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn cho công trình, đặc biệt là các vị trí đi qua khu vực độ dốc lớn, sát vực sâu có dòng chảy hướng vào chân cột dễ xói lở.
Xác định các cung đoạn: từ vị trí 17 đến 23 đường dây 220kV Quy Nhơn - An Khê và cung đoạn từ vị trí 85 đến 91 đường dây 220kV Pleiku 2 - Phước An đi qua đèo Phú Quý, từ vị trí 114 đến 128 đường dây 220kV Nhà máy thủy điện An Khê - Nhà máy điện sinh khối An Khê đi qua đèo An Khê, từ vị trí 01 đến 36 đường dây 220kV Quy Nhơn - Tuy Hòa đi qua vùng đồi núi đá Hòn Chà và đèo Cù Mông có độ dốc lớn có nhiều kè móng, đa phần vị trí móng nằm trên nền đất gửi rất dễ bị xói lở, hư hỏng vào mùa mưa nên đơn vị đã tổ chức gia cố các kè móng, nạo vét, khai thông mương dẫn dòng bị đất lấp, xây dựng các tường chắn không cho dòng nước mưa chảy hướng vào móng cột; phát quang hành lang, chặt tỉa cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây…
Trong năm 2021, Công ty Truyền tải điện 3 giao đơn vị thực hiện sửa chữa lớn 17 hạng mục. Đến nay, các hạng mục liên quan đến công tác phòng, chống mưa bão đã hoàn thành xong như: xử lý chống xói lở móng cột vị trí 104 và kè móng vị trí 51 đường dây 220 kV Quy Nhơn - An Khê; sửa chữa hàng rào, bờ kè TBA 220kV Quy Nhơn.
Sẵn sàng ứng phó với mưa bão
Đơn vị tổ chức diễn tập một số tình huống để phát hiện những thiếu sót, tồn tại và có biện pháp khắc phục. Tình huống 1, mưa lớn kéo dài, một lượng nước từ trên núi cao chảy xuống gây xói lở móng cột vị trí 226 đường dây 220 kV Phù Mỹ - Phước An, nguy cơ sụp kè móng cột ảnh hưởng đến công tác vận hành lưới điện và tình huống 2, mưa lớn kéo dài gây xói lở, một lượng lớn đất đá đổ xuống lấp mương dẫn dòng phía tây trạm biến áp 220kV Phước An, có khả năng gây ngập trạm. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đơn vị tập trung phân tích tình hình điểm xảy ra sự cố, tiến hành huy động toàn bộ công nhân Đội truyền tải điện Quy Nhơn và Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn, Phước An, Phù Mỹ cùng nhau tham gia xử lý, sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn.
Đơn vị bố trí 10 nhóm thường xuyên đi tuần trên các cung đoạn nhằm phát hiện sớm các điểm gây sự cố. Ban chỉ huy sẽ tăng cường nhân lực, đồng thời cho tập trung các nhóm còn lại về điểm sự cố tiến hành các công việc như đóng cọc tre chống sạt lỡ, lắp đặt rọ đá, tạo mương dẫn dòng trên bờ ta ly dương chống nước đổ vào móng cột… Đối với sự cố TBA khi mặt bằng bị ngập nước, nếu cần thiết báo cáo xin lệnh cắt điện. Trước mắt, huy động nhân sự tại chỗ, sử dụng cuốc, xẻn khai thông dòng chảy, hạn chế lượng nước chảy vào trạm. Bên cạnh đó, đơn vị đã bảo dưỡng, kiểm tra lại toàn bộ phương tiện, đồ nghề, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng cho công tác PCTT&TKCN. Trong thời gian kiểm tra, xử lý sự cố trên tuyến đường dây, phương án liên lạc giữa cá nhân với tổ công tác, giữa tổ công tác với đơn vị, thường xuyên giữ trục liên lạc như sau: cá nhân - nhóm công tác - các trạm biến áp 220kV - lãnh đạo đơn vị.
“Khi tính chất sự cố nặng nề, cần huy động nhiều nhân lực để khắc phục xử lý nhanh, đơn vị sẽ đề nghị Công ty tăng cường nhân lực từ Truyền tải điện Gia Lai, Truyền tải điện Phú Yên và một số đơn vị khác tham gia công tác khắc phục sự cố. Trường hợp mưa lũ lớn, nước dâng cao cô lập, chia cắt giao thông trên các tuyến QL 1A, QL 19 việc huy động nhân lực, phương tiện từ các đơn vị bạn không thể thực hiện thì đơn vị sẽ đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định hỗ trợ, ứng cứu điều động nhân lực tại địa phương cùng với đơn vị khắc phục hậu quả bão lụt” ông Phạm Minh Đông cho hay.
Truyền tải điện Bình Định đang quản lý, vận hành 3 trạm biến áp (TBA) 220kV: Quy Nhơn, Phước An, Phù Mỹ, tổng dung lượng 830 MVA; 7 đường dây, đoạn đường dây 220kV dài 245 km: Phước An - Quy Nhơn, Pleiku 2 - Phước An, Quy Nhơn - An Khê, Nhà máy thủy điện An Khê - Nhà máy điện sinh khối An Khê, Quy Nhơn - Tuy Hòa, Phù Mỹ - Phước An và Quảng Ngãi - Phù Mỹ.