Phó Tổng Giám đốc EVN- Nguyễn Tấn Lộc tại buổi làm việc.
Đảo Bạch Long Vỹ có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ, nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh, có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của nước ta ở Vịnh Bắc Bộ. Hiện trên đảo có khoảng gần 1.000 người thường xuyên sinh sống và làm việc trong đó 68 hộ gia đình với 496 nhân khẩu đăng ký thường trú. Đảo có một âu cảng được đưa vào hoạt động từ năm 2000, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 11.000 lượt tàu cá vào tránh gió mùa.
Hiện nay, đảo Bạch Long Vỹ được cấp điện bởi 03 tổ máy phát điện chạy luân phiên với công suất khoảng 1000kVA. Vì vậy, cung cấp điện cho các phụ tải trên đảo không được thường xuyên, phải cắt điện luân phiên theo từng khu vực do máy phát thường chỉ duy trì vận hành ở mức 75-90% công suất thiết kế. Cũng do điều kiện vận hành của máy phát và môi trường rất khắc nghiệt, lưới điện hình tia do vậy độ tin cậy cấp điện thấp.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ Đỗ Đức Hòa cho biết, theo Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã chỉ ra và định hướng rõ “Bộ Thuỷ sản nghiên cứu xây dựng đảo Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ” nhưng vì thiếu điện nên nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào dịch vụ hậu cần nghề cá như: Nhà máy sản xuất đá, sửa chữa tàu, thuyền…. chưa khả thi. Được cung ứng đủ điện, chắc chắn kinh tế của Bạch Long Vĩ sẽ phát triển mạnh, nhất là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ hậu cần nghề cá, bởi Bạch Long Vĩ đã được Chính phủ xác định là: Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực toàn miền Bắc. Đến nay, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác bàn giao và mong muốn EVN khảo sát, sớm tiếp nhận, đầu tư tổ hợp điện gió, điện mặt trời để quân và dân trên đảo được sử dụng điện theo nhu cầu.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho biết, do vị trí cách đất liền xa (hơn 140 km), không thể kéo được lưới điện nên trước mắt phương án cấp điện cho đảo Bạch Long Vĩ sẽ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo điện gió kết hợp với nguồn chạy diezel. Về lâu dài, Tập đoàn sẽ nghiên cứu phương án cấp điện bằng năng lượng mặt trời nhằm tận dụng thế mạnh của đảo. Vấn đề quan trọng hiện nay là chuyển giao hệ thống điện hiện tại do UBND huyện quản lý, vận hành về đơn vị của EVN. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị hoàn tất thủ tục để hoàn thành bàn giao trong năm 2015. Sau đó sẽ triển khai đầu tư bổ sung các dự án nguồn và lưới điện trên đảo.
Dự kiến, từ ngày 1-1-2016, EVN sẽ chính thức tiếp nhận, quản lý vận hành và đầu tư dự án cung cấp điện trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sau khi tiếp nhận, EVN sẽ đảm bảo vấn đề quan trọng nhất là cấp điện 24/24 giờ, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên đảo với chất lượng tốt và giá điện áp dụng mức giá như ở đất liền.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cũng khẳng định, đảm bảo cấp điện tại các đảo là Chiến lược quan trọng của Đảng, nhà nước, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo mà trên hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy dù có khó mấy EVN cũng phải làm bằng được.
Hiện nay, EVN đang đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo gồm Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). Trong đó có huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo được cấp điện từ nguồn điện tại chỗ, các huyện đảo còn lại đều được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Giá bán điện trên đảo được áp dụng như giá bán trên đất liền. EVN cũng đang gấp rút triển khai cấp điện từ lưới điện quốc gia cho xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Sau khi tiếp nhận và cung cấp điện tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, sẽ còn 3 huyện đảo EVN chưa đảm nhận cấp điện là Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Cồn Cỏ.