Các đại biểu tham quan sản phẩm Make by EVN của Tổng công ty Điện lực TP.HCM: Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và được livestream trên trang Fanpage Điện lực Việt Nam, Youtube Điện lực Việt Nam - EVNNews.
Tham dự hội nghị, có ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); TS. Dương Nguyên Bình – Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam; ông Võ Văn Yên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, EVN và các đơn vị thành viên báo cáo kết quả đã thực hiện, đồng thời đây cũng là dịp để trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng về tự động hóa và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao.
Trình bày báo cáo chính tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng Ban Viễn thông & Công nghệ thông tin EVN cho biết: Trước năm 2019, công tác tự động hóa của EVN đang trong quá trình hình thành và phát triển. Các đơn vị đã tự tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi các nước trong khu vực và thế giới để áp dụng tại đơn vị mình. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn khá rời rạc và chưa có tiêu chí, định hướng rõ ràng, dẫn đến việc mỗi nơi, mỗi đơn vị có cách làm khác nhau.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2014 - 2019, hầu hết các đơn vị trong EVN đều đang sử dụng những hệ thống tự động hóa phục vụ công tác đo lường, giám sát, điều khiển các dây chuyền sản xuất hoặc nhà máy điện, trạm biến áp, trong đó sử dụng phần mềm và phần cứng của nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước khác nhau.
Cùng với đó, những phần mềm cho hệ thống SCADA/EMS, hệ thống điều khiển trạm biến áp, nhà máy điện là phần mềm có tính chất phức tạp, đặc thù, sử dụng các phân tích toán học với các thuật toán phức tạp. Thời điểm đó, EVN chưa có đơn vị có đủ lực lượng chuyên môn, được đầu tư đúng mức và được giao chức năng, nhiệm vụ phù hợp trong lĩnh vực tự động hóa để trở thành đơn vị đầu mối và có khả năng làm chủ, phát triển và tổ chức triển khai các giải pháp, phần mềm tự động hóa theo yêu cầu sử dụng.
Gian trưng bày sản phẩm hệ thống thu thập tự động chỉ số công tơ từ xa (EVNHES) của Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin.
Vì vậy, năm 2019, HĐTV EVN đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV "Một số định hướng cơ bản công tác tự động hóa trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", với mục tiêu xuyên suốt là tinh thần tự chủ và từng bước làm chủ công nghệ. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV, công tác tự động hóa đã cải thiện nhanh chóng, mang lại hiệu quả trong công tác vận hành, khai thác, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trong EVN.
Điển hình như, các kỹ sư của EVN đã cơ bản làm chủ được hệ thống tích hợp điều khiển nhà máy điện (DCS) do các hãng nước ngoài cung cấp, giảm thiểu tối đa việc phải thuê ngoài khi gặp các tình huống cần phải xử lý. Khối phân phối và truyền tải đã chủ động được trong công tác khai thác phần mềm, tự thực hiện dịch vụ triển khai tích hợp cho trung tâm điều khiển, trạm biến áp. Việc nhập liệu, cấu hình cơ sở dữ liệu, kết nối, thử nghiệm, nghiệm thu, vẽ sơ đồ lưới điện, thiết lập các thông số, mức giới hạn vận hành, nâng cấp điều khiển và xử lý sự cố hệ thống đã được làm chủ.
Những công việc trước đây phải phụ thuộc vào nhà thầu như: khai báo, mở rộng tín hiệu, trạm, ngăn lộ, tích hợp và triển khai lắp đặt, cài đặt, khai báo, cấu hình ghép nối, thí nghiệm hiệu chỉnh từ thiết bị đầu cuối tại trạm 110kV, Recloser, LBS đều đã được các kỹ sư EVN tự chủ vận hành.
Ước tính, việc tự thực hiện được phần dịch vụ triển khai, tích hợp, thí nghiệm hiệu chỉnh nên chi phí đầu tư giảm đáng kể, tiết kiệm được khoảng 900 triệu đồng/trạm biến áp, khoảng 2 tỷ đồng/trung tâm điều khiển xa.
Hệ thống SCADA/EMS đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia làm chủ khai thác phục vụ điều hành, vận hành hệ thống điện với các tính năng chuyên sâu một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện dù đứng trước sự phát triển đột biến của các nguồn năng lượng tái tạo.
Các đơn vị đã tập trung khai thác tốt, giám sát, phân tích và chuẩn đoán tình trạng theo thời gian thực nhằm mục tiêu phát hiện sớm các khiếm khuyết và các rủi ro hư hỏng, ngăn ngừa sớm sự cố có thể xảy ra, phục vụ công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Đặc biệt, với hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, EVN đã tự xây dựng được phần mềm thu thập quản lý dữ liệu đo đếm (EVNHES) dùng chung trong toàn EVN. Có thể nói đây là phần mềm duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại đồng hồ đo đếm trên lưới điện EVN quản lý. Việc tự động hóa thu thập dữ liệu sẽ giải phóng được nguồn lao động thủ công, nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành Điện, hỗ trợ ngành Điện trong việc chăm sóc khách hàng và có chiến lược dài hạn trong việc sử dụng nguồn nhân lực.
Không chỉ có vậy, các đơn vị EVN đã có các sản phẩm tự phát triển của riêng mình theo tiêu chí "Make by EVN". Trong năm 2021, các đơn vị đã đăng ký 28 sản phẩm "Make by EVN". Tập đoàn đã thành lập Hội đồng xét duyệt và đã lựa chọn được 6 sản phẩm "Make by EVN", trong đó 3 sản phẩm sẽ đăng ký dự xét tuyển sản phẩm "Make in Vietnam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Năm 2021, EVN cũng đã xây dựng và ban hành "Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam" với mục tiêu là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số từ năm 2025; trong đó, công tác tự động hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong các lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Đến nay, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số, riêng việc cung ứng các dịch vụ điện và công tác chăm sóc khách hàng của ngành Điện không hề bị gián đoạn, kể cả trong những giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý và CBCNV, từ chỗ còn hiểu khác nhau đến việc có nhận thức chung, cùng hướng về mục tiêu chung trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của EVN đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau.
EVN xác định, với chủ đề công tác năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, việc ứng dụng công nghệ và tự động hoá vận hành hệ thống điện cần đảm bảo đạt được các mục tiêu: Tự động hoá trước hết để đảm bảo an toàn, an toàn cho con người và cho thiết bị; tự động hoá làm cho vận hành thiết bị và hệ thống điện linh hoạt hơn; tự động hoá sẽ mang lại hiệu quả, hiệu quả từ tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong quản trị chuyên nghiệp.