Lắp đặt thiết bị tự động hóa trong quản lý, vận hành lưới điện ở địa bàn miền núi - Ảnh:HNK
Giám đốc Điện lực Đakrông Trần Hữu Chiến cho biết khi mới thành lập, Điện lực Đakrông quản lý, vận hành 160 km đường dây trung thế và 167 km đường dây hạ thế với gần 100 trạm biến áp được tách ra từ Điện lực Khe Sanh (Hướng Hóa) và Điện lực Cam Lộ. Toàn huyện có gần 5.600 khách hàng sử dụng điện. Lúc bấy giờ hệ thống lưới điện đang sử dụng công tơ cơ, việc ghi số bằng thủ công phải leo lên cột điện để đọc chỉ số nên đã gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm của ngành điện nói chung và của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) hạ tầng lưới điện trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, vận hành.
Đến nay Điện lực Đakrông quản lý hệ thống lưới điện với tổng chiều dài 210 km đường dây trung thế, gần 200 km đường dây hạ thế, 123 trạm biến áp với 8.822 khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt từ tháng 1/2016 Điện lực Đakrông đã được đầu tư lắp đặt “Hệ thống RF-Spider” tự động đọc dữ liệu, thông tin chỉ số công tơ khách hàng vào vận hành, đồng thời toàn bộ công tơ cơ của khách hàng được thay thế bằng công tơ điện tử.
Từ khi công tơ điện tử được lắp đặt và đi vào vận hành đã mang lại những hiệu ích thiết thực. Bởi trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, số lượng khách hàng ít ỏi thì việc tự động hóa công tơ bằng hệ thống thu thập dữ liệu từ xa ở huyện miền núi Đakrông càng trở nên ý nghĩa hơn.
Anh Nguyễn Bá Quốc, Trưởng Phòng kinh doanh Điện lực Đakrông cho biết, hiện nay ở trên mỗi cột điện đều có lắp đặt hệ thống RF-Spider (thiết bị có tên là router). Đây là một thiết bị nằm trong hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa RF-Spider để tự động đọc dữ liệu, thông tin chỉ số công tơ điện của từng hộ gia đình. Ngày trước để đọc được chỉ số công tơ điện, công nhân ngành điện phải đi thuyền, lội bộ, leo dốc, vượt nắng mưa nhưng nay chỉ cần ngồi ở phòng làm việc bấm máy tính điều khiển là mọi việc hoàn tất trong chốc lát. Nhờ có thiết bị router mà công nhân ngành điện đỡ vất vả rất nhiều, không còn việc ghi chỉ số sau khi đọc về lại phải nhập vào máy tính, không còn cảnh người đọc chỉ số phải leo lên cột điện, người ghi chỉ số đứng dưới đợi để ghi và đôi khi còn xảy ra tình trạng nhầm lẫn gây mất lòng tin với khách hàng.
Kể từ khi được trang bị tự động hóa công tơ tại Điện lực Đakrông đã mang lại hiệu ích thiết thực từ nhiều phía. Không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức của ngành điện mà còn mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Ông Hồ Ray ở xã Đakrông nói: “Hồi trước có tháng tiền điện tăng cao nhà tôi cứ thắc mắc không biết nguyên nhân vì sao. Nay mỗi khi tiền điện tăng cao thì đến Điện lực Đakrông hỏi, cán bộ ngành điện mở máy tính kiểm tra, chỉ sau vài phút là biết được nguyên nhân nên tôi thấy rất hiện đại và nhanh chóng”. Rõ ràng việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử ở Điện lực Đakrông đã giúp đơn vị dễ dàng tra cứu lượng điện tiêu thụ, mặt khác còn giúp khách hàng chủ động lập kế hoạch điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý, thực hành tiết kiệm để mang lại lợi ích tài chính cho khách hàng.
Ở Điện lực Đakrông, việc tự động hóa công tơ điện mỗi năm tiết kiệm được gần 200 triệu đồng từ việc cắt giảm chi phí tiền công ghi chỉ số công tơ đo sản lượng điện của khách hàng như trước đây. Công tác quản lý, giám sát tổn thất điện năng được cải tiến một cách khoa học và có hiệu quả. Nếu trước đây khi còn sử dụng công tơ cơ thì phải đến kỳ ghi chỉ số công tơ mới tính được tổn thất của trạm biến áp nên không kiểm tra được những rò rỉ về điện ở từng thời điểm nhất định. Nhưng sau khi dùng công tơ điện tử, Điện lực Đakrông có thể tra cứu thông tin chỉ số khách hàng và của trạm biến áp bất cứ lúc nào nên có thể tính toán tổn thất của trạm biến áp tại mọi thời điểm, giúp đơn vị kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, vì thế nên lượng điện năng bị tổn thất giảm rất đáng kể.
Nếu như năm 2015, tổn thất điện năng ở Điện lực Đakrông có lũy kế là 7,34%, thì đến năm 2019 tổn thất điện năng lũy kế xuống còn dưới 5%. Đặc biệt là việc tự động hóa công tơ đã không còn sai sót khi đọc chỉ số, chỉ cần một người với chiếc máy tính có kết nối internet là đọc được chỉ số công tơ của hơn 8.822 khách hàng trên toàn huyện và tự động nhập dữ liệu để tính toán hóa đơn cho khách hàng chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Nếu trước đây phải sử dụng một đội ngũ nhân viên khoảng 10 người làm việc một tuần thì nay số lao động giảm rất đáng kể, chỉ cần khoảng 3 người. Đối với công tác quản lý giám sát thì kiểm soát được tình hình vận hành của hệ thống đo đếm, kịp thời phát hiện các trường hợp công tơ bị cháy, đứng, hỏng để xử lý; kiểm tra được chất lượng điện năng như dòng điện, điện áp, hệ số công suất của phụ tải... Nhưng điều quan trọng nhất là có thể tra cứu lịch sử dùng điện của khách hàng từng ngày, từng giờ để trả lời khách hàng khi có khiếu nại chỉ số công tơ một cách chuẩn xác và rạch ròi nhất nên khách hàng luôn hài lòng, qua đó tạo ra sự minh bạch trong việc cung ứng điện năng đối với khách hàng.
Có thể khẳng định rằng việc đầu tư, lắp đặt các thiết bị đo đếm tự động trong quy trình cung ứng điện năng ở huyện miền núi Đakrông không chỉ mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác quản lý, vận hành lưới điện ở một địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn mà còn góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của huyện Đakrông theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Link gốc