Tin thế giới

UNDP và KOICA triển khai dự án nhà máy điện mặt trời 18 triệu USD tại Indonesia

Thứ sáu, 11/9/2020 | 16:00 GMT+7
UNDP và KOICA đã khởi động một dự án trị giá 18 triệu USD để cung cấp hệ thống điện mặt trời cho cộng đồng nông thôn ở bốn tỉnh của Indonesia.
 
Dự án điện mặt trời tại Indonesia có trị giá 18 triệu USD. Ảnh minh hoạ: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
 
Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ngày 10/9 đã khởi động một dự án trị giá 18 triệu USD để cung cấp hệ thống điện mặt trời cho cộng đồng nông thôn ở bốn tỉnh của Indonesia.
 
Dự án có tên ACCESS sẽ lắp đặt 23 hệ thống điện mặt trời cấp xã với tổng công suất 1,2 MW tại 23 ngôi làng ở Tây Sulawesi, Đông Nam Sulawesi, Đông Nusa Tenggara và Trung Kalimantan vào năm 2023.
 
Theo Phó đại diện thường trú của UNDP tại Indonesia, ông Sophie Kemkhadze, dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).Vì vậy, Dự án ACCESS là một dấu hiệu đóng góp quan trọng vào SDG cho cả Indonesia và Timor Leste, không chỉ vì nó giải quyết một mục tiêu cụ thể cho SDG, đó là tiếp cận năng lượng toàn cầu, đóng góp vào chương trình nghị sự về môi trường và khí hậu, mà còn giải quyết rất nhiều mục tiêu khác nhau.
 
Dự án ACCESS phù hợp với chương trình nghị sự của Chính phủ Indonesia vì đã nâng tỷ lệ các khu vực được tiếp cận với điện, được gọi là tỷ lệ điện khí hóa, lên 100% từ khoảng 99% hiện nay.
 
Bên cạnh đó, dự án cũng được triển khai ở nước láng giềng Timor Leste, Bộ Hành chính nhà nước Timor Leste và chi nhánh địa phương KOICA sẽ lắp đặt 1.000 hệ thống đèn năng lượng mặt trời hiệu quả cao tại 25 ngôi làng trên ba thành phố và phát triển 11 hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời.
 
Còn theo ông Verania Andria, cố vấn cấp cao về năng lượng bền vững tại UNDP Indonesia, cho biết dự án sẽ cung cấp khả năng tiếp cận điện năng cho 20.000 người và tiếp cận nước sạch cho 3.500 người từ các khu vực được chọn ở cả hai quốc gia. Dự án cũng sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ cho 80 người vận hành hệ thống điện mặt trời và thành lập 33 doanh nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo ở cấp địa phương.
 
Theo Giám đốc năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Indonesia Harris Yahya, Chính phủ Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức trong việc cung cấp điện cho các cộng đồng nông thôn vì họ ở xa các trung tâm thành thị. Người dân cũng không sống gần nhau, gây tốn kém cho việc mở rộng lưới điện. Chính phủ đang có kế hoạch phát triển một thiết bị di động có tên là Talis, có thể lưu trữ đủ năng lượng để thắp sáng một ngôi nhà với ba bóng đèn LED trong tối đa sáu ngày.
Theo: BNews.vn