Dự án được triển khai trên cơ sở tiếp nhận 2 quy trình công nghệ (quy trình tính toán thiết kế kỹ thuật mô hình trạm điện mặt trời nối lưới và quy trình lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống mô hình trạm điện mặt trời nối lưới) được chuyển giao từ Viện Khoa học Năng lượng (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Dự án đã tiến hành lắp đặt và thử nghiệm 2 mô hình điện mặt trời nối lưới với công suất 5 kWp/mô hình (gồm 20 tấm pin mặt trời, công suất 250 Wp/tấm).
Mô hình 1 được triển khai tại Vườn ươm thực nghiệm công nghệ sinh học (số 1 xóm Trung, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) - đây là cơ sở sản xuất nhỏ, có mái dốc (mái tôn, ngói), diện tích lắp đặt pin mặt trời là 38 m2. Mô hình 2 thực hiện tại trụ sở làm việc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng (số 276B nhà A10 Đồng Tâm, Lạch Tray, Hải Phòng) - đại diện cho trụ sở nhà hành chính có mái là sàn bê tông trên tầng cao, diện tích lắp đặt pin mặt trời là 32 m2.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, 2 mô hình hoạt động và phát điện ổn định.
Trong thời gian 9 tháng, từ tháng 2-10/2016, trạm điện mặt trời đặt tại trụ sở làm việc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng đã phát lên điện lưới 2673,9 kWh, trung bình phát 10 kWh/ngày. Trạm điện mặt trời tại Vườn ươm thực nghiệm công nghệ sinh học phát lên điện lưới 2416,7 kWh, trung bình phát 9 kWh/ngày.
Tính toán hiệu quả kinh tế, 2 mô hình giúp tiết kiệm 13,61 triệu đồng tiền điện/năm (giá 1.800 đ/kWh).
Theo các chuyên gia, nếu được tính toán triển khai nhân rộng, dự án sẽ góp phần tạo diện mạo văn minh, hiện đại cho Thành phố trong tương lai.
Theo: MOST